Tái mở cửa ngành du lịch trong tình hình dịch bệnh trên thế giới vẫn đang diễn biến phức tạp, ngành du lịch Singapore phải đối mặt với bài toán khó: Vừa cần hoạt động một cách an toàn, vừa cần không ngừng mang đến cho du khách những trải nghiệm mới và giá trị hơn.
Tái mở cửa du lịch thận trọng và an toàn
Ngành du lịch chiếm 4% GDP của Singapore, đem lại cho đảo quốc này 20 tỷ USD trong năm 2019. Sau khi dần kiểm soát dịch bệnh Covid-19 hiệu quả, nền kinh tế của Singapore được tái mở cửa theo từng giai đoạn, bắt đầu từ nửa sau năm 2020 với chiến lược được tính toán cẩn trọng và đề cao những biện pháp quản lý an toàn. Lời giải cho bài toán đón khách quốc tế được vạch ra rõ ràng cho ngành du lịch: Đổi mới mô hình kinh doanh và tận dụng công nghệ để tìm giải pháp.
Chính phủ Singapore, các doanh nghiệp trong ngành cùng người dân đã hợp tác chặt chẽ để đảm bảo du lịch an toàn - yếu tố liên tục được nhấn mạnh trong bối cảnh dịch bệnh còn nhiều biến số.
Một số khách sạn, điểm tham quan và tour du lịch được phép hoạt động trở lại với nhiều biện pháp quản lý an toàn nghiêm ngặt: Tuân thủ giới hạn số người và công suất hoạt động theo quy định, duy trì phương pháp truy vết cần thiết, thực hiện quy trình làm sạch và khử trùng. Các khách sạn, điểm du lịch và công ty lữ hành cũng phải trình Chính phủ kế hoạch đề xuất mở cửa trở lại và chứng minh khả năng đáp ứng các biện pháp quản lý an toàn trước khi được chấp thuận.
Nhân viên Universal Studios Singapore tiến hành vệ sinh, khử khuẩn theo quy định của Chính phủ. Ảnh: Mashable. |
Chính phủ cũng tiến hành nối lại du lịch qua các thỏa thuận đi lại song phương hoặc đơn phương với một số nước, như SafeTravel Pass (tạm dịch: STP - Thẻ thông hành Du lịch An toàn) và Air Travel Pass (tạm dịch: ATP - Thẻ thông hành đường Hàng không). Trong đó, STP dành cho các chuyến công tác và du lịch chính thức thiết yếu, ATP cho phép tất cả hình thức du lịch ngắn hạn từ các quốc gia hoặc khu vực được chấp thuận, gồm cả du lịch giải trí đến Singapore.
Bên cạnh đó, hàng loạt biện pháp thúc đẩy du lịch an toàn được áp dụng cho nhiều hoạt động, như thiết lập chứng nhận Cruisesafe đầu tiên trên thế giới cho các chuyến du lịch trên biển từ tháng 11 năm ngoái, cấp chứng nhận SG Clean cho các cơ sở công cộng đạt đủ tiêu chuẩn vệ sinh sạch sẽ và an toàn, tổ chức các sự kiện MICE kết hợp trực tuyến và trực tiếp... Đồng thời, các cơ sở công cộng cũng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ để truy vết, nhằm tăng cường đảm bảo an toàn, giúp du khách yên tâm hơn trong quá trình trải nghiệm.
Ông Lee Seow Hiang - Giám đốc điều hành Tập đoàn Sân bay Changi - chia sẻ: “Tại sân bay Changi, chúng tôi phải nghĩ cách chuyển đổi những khu vực cảm ứng thành khu vực không tiếp xúc, nơi hành khách có thể thực hiện toàn bộ quá trình làm thủ tục lên máy bay mà không cần chạm vào bất kỳ bề mặt nào”.
Sân bay Changi đẩy mạnh các công nghệ không tiếp xúc để đảm bảo an toàn cho hành khách. Ảnh: AirAsia. |
Tính đến 25/1 năm nay, 45 điểm tham quan, 270 khách sạn và 1.686 tour du lịch đã được phép hoạt động trở lại ở Singapore. Ông Keith Tan, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Singapore (STB) - cho biết: “STB vẫn tự tin rằng Singapore là một trong những điểm đến giải trí và thương mại an toàn, thu hút nhất thế giới, cũng như tin vào những triển vọng lâu dài của ngành du lịch Singapore”.
Nỗ lực trở thành điểm đến trải nghiệm hậu đại dịch
Song song với chiến lược mở cửa cẩn trọng và đề cao yếu tố an toàn, Singapore cũng không ngừng tìm kiếm và sáng tạo những trải nghiệm mới để sẵn sàng chào đón du khách, với mục tiêu trở thành điểm đến yêu thích hàng đầu thế giới sau đại dịch.
Trong đó, công nghệ được xem là giải pháp trọng tâm của Singapore trong "hình dung lại" ngành du lịch. Không chỉ là đem đến các biện pháp đảm bảo an toàn, đảo quốc sư tử còn ứng dụng nhiều công nghệ hiện đại để tạo ra các trải nghiệm mới, từ hội chợ thương mại TravelRevive kết hợp trực tuyến và trực tiếp, đến thi đấu trực tuyến trong giải chạy Standard Chartered Singapore Marathon (SCSM).
Trên màn hình (giữa), nhân vật ảo đại diện của ông Lim Teck Yin (trái) - Giám đốc điều hành của Sport Singapore và ông Keith Tan (phải) - Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Singapore (STB) chạy qua đường Orchard. Ảnh: Todayonline Singapore. |
Trong khi đó, Marina Bay Sands ra mắt một trường quay "hybrid" để phát sóng các sự kiện kết hợp trực tiếp - trực tuyến. Trường quay này cung cấp khả năng phát trực tiếp với chất lượng cao, chức năng hình ảnh ba chiều, cùng công nghệ thực tế hỗn hợp (MR) để mang đến khả năng tương tác sống động. Trong tương lai, các giải pháp thực tế ảo (VR), thực tế tăng cường (AR) và thực tế mở rộng (XR) sẽ được đẩy mạnh để tạo ra trải nghiệm trực tuyến chân thực hơn cho du khách.
Nhận định về bối cảnh mới, ông Keith Tan - Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Singapore - chia sẻ: "Covid-19 là cuộc khủng hoảng lớn nhất mà chúng tôi từng đối mặt trong lĩnh vực du lịch và lữ hành. Tuy vậy, đây cũng là cơ hội để chúng tôi thiết lập lại và hồi sinh ngành công nghiệp này theo cách mà chúng tôi chưa bao giờ tưởng tượng trước đó".
"Việc hình dung lại tương lai của ngành du lịch đã bắt đầu ở Singapore, và chúng tôi muốn tiếp tục hành trình này với những người có tiếng nói quan trọng như cộng đồng tại Singapore, các đối tác chiến lược tại đảo quốc và trên toàn thế giới. Chúng tôi mong muốn được cùng họ sáng tạo ý tưởng và chiến lược để giúp ngành du lịch phát triển hơn nữa”, ông Tan nhấn mạnh.
Bình luận