Khoảng 5 triệu con muỗi đực Aedes sẽ được sinh sản mỗi tuần, so với con số 2 triệu trước đó, SCMP hôm 15/6 dẫn lời Bộ trưởng Môi trường và Bền vững Singapore Grace Fu.
Loài muỗi đực nuôi trong phòng thí nghiệm này mang trong người vi khuẩn Wolbachia. Khi chúng giao phối với loài muỗi cái ở đô thị, trứng sinh ra sẽ không nở thành con, từ đó giúp kiểm soát số lượng quần thể và giảm dịch sốt xuất huyết.
Singapore sẽ sinh sản khoảng 5 triệu con muỗi đực Aedes mỗi tuần. Ảnh: Shutterstock. |
Kế hoạch của Singapore là một phần mở rộng của Dự án Wolbachia. Theo khuôn khổ mở rộng, phạm vi dự án từ tháng 7 sẽ bao gồm thêm 1.400 tòa nhà nữa, bên cạnh số 1.800 tòa nhà đã được bao phủ.
Hiệu quả từ việc dùng vi khuẩn Wolbachia trong quá khứ rất đáng khích lệ. Singapore là nước đầu tiên ứng dụng công nghệ Wolbachia tại môi trường nhà cao tầng mật độ cao ở đô thị nhiệt đới, với lứa muỗi nuôi phòng thí nghiệm đầu tiên được thả vào năm 2016.
Tại khu Tampines và Yishun, chương trình này đã diễn ra được hơn một năm. Quần thể muỗi Aedes đã giảm 98%, số ca sốt xuất huyết giảm 88%. Trong đợt dịch hiện tại, hai khu này cũng có số ca ít hơn 70% so với những khu vực tương tự nhưng không trong chương trình.
Một số nước Đông Nam Á đã chứng kiến số ca sốt xuất huyết gia tăng và đang phải có biện pháp phòng ngừa. Malaysia ghi nhận gần 12.000 ca trong 5 tháng đầu năm, tăng 35% so với cùng kỳ năm trước, theo dữ liệu WHO.
Tại Thái Lan, đảo Phuket đã tăng cường hoạt động chống sốt xuất huyết, bao gồm dùng máy tạo sương để xịt khử khuẩn tại các cơ sở đào tạo khi học sinh đang trở lại lớp học.
Từ đầu năm, Singapore đã ghi nhận 14.000 ca sốt xuất huyết nhưng điều đáng ngại là đợt tăng này bắt đầu từ tháng 3, sớm hơn dự kiến. Đỉnh điểm mùa sốt xuất huyết thông thường rơi vào tháng 6-10.