Theo lời Bộ trưởng Y tế cấp cao Singapore Janil Puthucheary hôm 14/9, Ủy ban chuyên gia của Bộ Y tế về tiêm chủng Covid-19 đang “tích cực nghiên cứu một chiến lược hỗn hợp các loại vaccine không phải vaccine mRNA”, theo Channel NewsAsia.
Ngoài ra, Bộ cũng đang tiếp tục quan sát dữ liệu trong nước và quốc tế, đặc biệt nguy cơ gặp phản ứng bất lợi, trước khi đề xuất tiêm nhắc lại cho các nhóm dân số khác.
Ủy ban chuyên gia cũng đang nghiên cứu liệu một loại vaccine khác có hiệu quả khi là mũi tiêm nhắc lại hay không. Một số nghiên cứu đã chỉ ra tính khả thi.
“Chúng tôi đang đàm phán với các nhà cung cấp để có được các mũi vaccine tăng cường ngoài vaccine mRNA. Một số loại đang chuẩn bị được đăng ký lên PSAR (Lộ trình tiếp cận đặc biệt cho đại dịch)”, tiến sĩ Puthucheary cho biết.
PSAR cho phép Cơ quan Khoa học Y tế cấp phép tạm thời vaccine sử dụng ở Singapore. Vaccine Sinovac của Trung Quốc, một loại vaccine bất hoạt, đã nhận cấp phép vào tháng 6 sau khi được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chấp thuận sử dụng trong trường hợp khẩn cấp.
Các loại vaccine không phải mRNA nằm trong danh sách sử dụng khẩn cấp của WHO bao gồm vaccine vector virus như Oxford-AstraZeneca và Johnson & Johnson, hay vaccine bất hoạt khác là Sinopharm.
Người từ 60 tuổi trở lên ở Singapore sẽ tiêm nhắc lại sau 6-9 tháng tiêm liều thứ 2. Ảnh: Straits Times. |
Singapore cũng ký thỏa thuận mua trước với công ty công nghệ sinh học Novavax của Mỹ, với nguồn cung cấp vaccine dựa trên protein có thể đến trước cuối năm nay.
“Chúng ta đã có một chiến lược chủ động để mua nhiều loại vaccine sử dụng công nghệ khác nhau, nhằm cải thiện cơ hội và đảm bảo nguồn vaccine an toàn và hiệu quả chống lại Covid-19”, ông Puthucheary nói thêm.
Tính đến ngày 9/9, 81% dân số Singapore đã hoàn thành tiêm vaccine Covid-19, trong đó có 85% nhận ít nhất một mũi.
Hiện Ủy ban của Singapore khuyến cáo người từ 60 tuổi trở lên sẽ tiêm nhắc lại sau 6-9 tháng tiêm liều thứ 2. Những người suy giảm hệ miễn dịch nên tiêm nhắc lại sau 2 tháng nhận mũi vaccine thứ 2.
Bộ Y tế Singapore khuyến cáo hôm 3/9 rằng những người có hệ miễn dịch suy giảm nên tiêm liều thứ ba cùng loại vaccine mRNA để “đảm bảo đáp ứng miễn dịch đầy đủ đối với tiêm chủng”.
Tuy nhiên, tiến sĩ Puthucheary cũng nhắc lại tiêm chủng không phải là yếu tố duy nhất trong hành trình sống chung với Covid-19 của Singapore. Nước này sẽ xem xét cả số ca bệnh, quỹ đạo lây truyền, việc tuân thủ các biện pháp quản lý an toàn và tình trạng xét nghiệm.
Với sự gia tăng đột biến số ca Covid-19 hiện nay, tiến sĩ Puthucheary cho biết chính phủ đã quyết định tạm dừng kế hoạch.
Tuy nhiên, ông thừa nhận vẫn cần phải mở cửa các hoạt động xã hội và kinh tế để tránh nguy cơ “phá hủy vĩnh viễn nguồn kiếm sống”.
“Nhưng chúng ta làm vậy một cách an toàn, giảm số người triệu chứng nặng xuống mức tối thiểu. Do đó, tiêm chủng tiếp tục là chìa khóa”, ông nói.