Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Singapore, Malaysia chi hàng trăm triệu USD vì NH Anh

Malaysia, Singapore đã mua xong bản quyền phát sóng Ngoại hạng Anh 3 mùa 2016-2019 với mức giá lên đến hàng trăm triệu USD nhưng vẫn đảm bảo tối đa quyền lợi của người hâm mộ.

Ở Singapore, Singtel tiếp tục giành quyền phát sóng giải Ngoại hạng Anh (NH Anh) từ mùa 2006/2017 đến hết mùa 2018/2019. Đơn vị cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền này đưa hình ảnh NH Anh về Singapore từ mùa 2010/2011 đến nay. Theo giới truyền thông quốc đảo sư tử, mức giá Singtel bỏ ra để mua bản quyền NH Anh cho 3 năm sắp tới nhiều hơn con số 190 triệu bảng (297 triệu USD) như ở giai đoạn 2013 – 2016.

Tuy nhiên, Singtel cam kết sẽ không tăng mức gia thuê bao. Giám đốc điều hành Singtel, Goh Seow Eng cho biết trên Straits Times: “Chúng tôi cam kết giữ mức giá phải chăng cho người hâm mộ bóng đá, đảm bảo những khách hàng của Singtel tiếp tục được thưởng thức bóng đá với mức giá tốt nhất”.

Theo thống kê của MP & Silva - đơn vị nắm quyền phân phối bản quyền giải NH Anh tại Việt Nam, thì khu vực châu Á và châu Đại Dương chiếm đến 38% trong tổng số 2,47 tỷ người xem giải đấu trên toàn thế giới. Đây là lý do quan trọng khiến tiền bản quyền tăng chóng mặt ở khu vực này. Tại Việt Nam, Premier League được tìm kiếm nhiều nhất trong các nội dung thể thao quốc tế.

Singapore chỉ có 2 đơn vị cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền là Singtel và StarHub. Vì thế quốc gia này phải đối mặt với bài toán độc quyền khi Singtel nắm bản quyền truyền hình giải NH Anh. Tuy nhiên, chính quyền Singapore đã can thiệp để đảm bảo lợi ích của người dân. Từ năm 2013, Cơ quan phát triển truyền thông Singapore (MDA) đã ban hành luật Cross Carriage Measure (phát chéo nội dung) đối với các hãng truyền hình trả tiền. Mục đích của luật này là hạn chế sự độc quyền, đặc biệt trong thể thao. Theo đó, các thuê bao của hãng truyền hình A có thể đăng ký một gói/kênh/nội dung nào đó của hãng B và hãng B phải cho phép. Dĩ nhiên, các thuê bao này vẫn phải trả tiền cho hãng B.

Ban quyen giai Ngoai hang Anh o chau A anh 1
Đồ họa cho thấy tiền bản quyền Ngoại hạng Anh tại một số nước châu Á giai đoạn 2013 - 2016. Theo thống kê này, mỗi người dân Việt Nam chỉ bỏ ra 0,25 bảng là xem được các trận đấu tại Anh, thấp hơn nhiều so với Thái Lan (2,3 bảng) và Singapore (35,2 bảng).

‘Bản quyền NH Anh như bó rau 2 nghìn bị hét giá 15 nghìn'

Mức giá mua bản quyền Ngoại hạng Anh đã tăng phi mã trên khắp thế giới. Tuy nhiên quan điểm của các Đài truyền hình ở Việt Nam và khán giả là không mua bản quyền bằng mọi giá.

Cụ thể với trường hợp của StarHub và Singtel, những thuê bao của StarHub có thể xem giải Ngoại hạng Anh bằng đầu thu của hãng này mà không cần mua từ Singtel. Tuy vậy, các thuê bao nói trên sẽ phải thanh toán trực tiếp phí xem cho Singtel. Theo đó, người hâm mộ giảm được chi phí nhờ không bị tăng giá xem cũng như việc thay đổi đầu thu.

Mức giá thuê bao mà Singtel đang áp dụng là 59,9 SGD/tháng (hơn  600.000 đồng) và họ cam kết không tăng giá. Bên cạnh đó, Singtel cũng cho biết làm đúng yêu cầu của MDA trong việc phát sóng chéo nội dung. Về phần mình, StarHub thừa nhận sự thất vọng khi thất bại trong việc mua bản quyền NH Anh giai đoạn 2016 - 2019 nhưng khẳng định sẽ hợp tác chặt chẽ với đối thủ để đảm bảo quyền lợi cho thuê bao của mình.

Ở Malaysia, Astro Malaysia Holdings Berhad (Asrto) cũng đã vui mừng thông báo thắng thầu trong việc mua bản quyền giải NH Anh từ năm 2016 đến 2019 vào đầu tháng 2 vừa qua. Mức giá không được các bên tiết lộ, nhưng theo tờ The Star (Malaysia) dự đoán, đơn vị cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền lớn nhất Malaysia phải bỏ ra số tiền nhiều hơn từ 25 đến 30% so với giai đoạn trước. Khi mua bản quyền giải NH Anh từ năm 2013 đến 2016, Astro đã phải chi ra 1 tỷ ringgit (khoảng 260 triệu USD).

Ban quyen giai Ngoai hang Anh o chau A anh 2
Đồ họa của tờ The Star (Malaysia) cho thấy tiền bản quyền NH Anh giai đoạn 2016 - 2019 tăng chóng mặt so với 3 năm trước đó.

Hành động của Astro phù hợp với quy luật cạnh tranh của thị trường trong bối cảnh tiền bản quyền NH Anh bên ngoài lãnh thổ Vương quốc Anh tăng chóng mặt, ước tính đạt mức 3,2 tỷ bảng (cho giai đoạn 2016 - 2019), cao gần gấp đôi so với giai đoạn 2013 - 2016.

Astro xem giải NH Anh là “con gà đẻ trứng vàng” của mình, bởi một nửa trong số 4,6 triệu thuê bao của họ đăng ký sử dụng các gói thể thao. Đơn vị cung cấp dịch vụ trả tiền này đàm phán chóng vánh với nhà thầu để tiếp tục nắm bản quyền giải NH Anh, trong bối cảnh đối thủ khổng lồ từ Trung Đông - Bein Sports có ý định cạnh tranh.

Việc bỏ nhiều tiền hơn để được xem các trận đấu hàng tuần của MU, Chelsea, Arsenal hay Liverpool là xu hướng chung của hầu hết các quốc gia châu Á, bởi đây là thị trường tăng trưởng mạnh nhất trong 3 mùa giải từ 2013 đến 2016. Cây bút thể thao nổi tiếng Nick Harris đã thống kê rằng, BTC giải NH Anh đã thu về 1,47 tỷ USD trong giai đoạn này, tăng đến 77% so với 3 năm trước đó.

Theo nghiên cứu của Sporting Intelligence, giá bản quyền NH Anh tăng phi mã ở khu vực châu Á liên quan trực tiếp đến doanh số bán hàng của truyền hình trả tiền. Các nhà đài ở châu Á xác định, NH Anh là chương trình “phải có” để thúc đẩy kinh doanh. Ngoài Malaysia và Singapore, một số quốc gia khác ở châu Á cũng đã chốt xong vụ bản quyền giải đấu trong 3 năm với số tiền rất cao. Cụ thể, đài LeTV chi ra 400 triệu USD – cao gấp đôi so với 3 năm trước để người dân Hong Kong được xem các trận đấu tại xứ sương mù. Đây là là mức giá cao nhất mà một quốc gia châu Á chi ra. Tại Australia, đài Optus cũng bỏ ra 140 triệu USD để phục vụ nhu cầu của người hâm mộ, tăng 200% so với mức giá mà Fox Sports chi ra trong giai đoạn trước.

Thái Lan, cũng như Việt Nam, chưa chốt xong vụ bản quyền giải đấu số 1 hành tinh. 3 năm trước, CTH bỏ ra 204 triệu bảng (320 triệu USD - cao nhất thế giới) để sở hữu phát sóng Premier League giai đoạn 2013-2016 tại 3 nước: Thái Lan, Lào và Campuchia. Riêng tại Thái Lan, số tiền mà CTH bỏ ra không dưới 250 triệu USD. Theo thống kê của Sporting Ingtelligence, mỗi người dân của quốc gia này phải bỏ ra chừng 2,3 bảng để được xem mỗi trận đấu của giải Anh, cao hơn nhiều so với con số 0,25 bảng của người dân Việt Nam.

Ban quyen giai Ngoai hang Anh o chau A anh 3
Châu Á là "con gà đẻ trứng vàng" của NH Anh. Ảnh: Daily Mail

Giải Ngoại hạng Anh có thể chia tay khán giả truyền hình VN

Giả thiết trên sẽ trở thành hiện thực nếu đến 15/4, Hiệp hội Truyền hình trả tiền Việt Nam (VNPayTV) vẫn không tìm được tiếng nói chung với đơn vị sở hữu bản quyền MP&Silva.

Trong 3 năm tới, ước tính số tiền bản quyền giải đấu này tại Thái Lan sẽ tăng chừng 20% lên mức 300 triệu USD. CTH phải chịu sự cạnh tranh khốc liệt từ Bein Sports – đơn vị có tiềm lực tài chính hùng mạnh của Trung Đông. Người dân Thái Lan phải chi nhiều tiền hơn để xem MU hay Leicester City thi đấu gần như là viễn cảnh tất yếu.

Trở lại câu chuyện ở Việt Nam, việc các nhà đài (chủ yếu là K+) dự kiến bỏ ra một số tiền lớn hơn con số 38 triệu USD so với giai đoạn 2013 – 2016 để mua bản quyền phát sóng giải NH Anh từ MP & Silva không có gì bất ngờ. Hiện tại, các đài truyền hình, cũng đồng thời là một doanh nghiệp, hoạt động theo cơ chế thị trường. Vì thế, việc tranh giành để được phát sóng giải NH Anh được xem là bước đi thành công để phục vụ cho mục đích kinh doanh, tăng năng lực cạnh tranh.

MP&Silva bắt đầu xuất hiện ở Việt Nam năm 2009, là một tập đoàn truyền thông và tiếp thị thể thao quốc tế. MP&Silva hoạt động trong lĩnh vực phân phối bản quyền truyền hình của các Liên đoàn thể thao, các giải vô địch quốc gia, cũng như bản quyền truyền hình của một số sự kiện thể thao quan trọng hàng đầu thế giới.

Hiện tại, MP&Silva nắm quyền phân phối bản quyền giải NH Anh tại 28 quốc gia ở khu vực châu Á, trong đó có một số thị trường lớn như Hàn Quốc, Nhật Bản, Viêt Nam, Đài Loan (Trung Quốc), Mông Cổ, Philippines…


Nguyễn Đăng

Bạn có thể quan tâm