Tại Singapore, tính cạnh tranh trên thị trường điện sụt giảm khiến người tiêu dùng phải trả nhiều tiền điện hơn. Ảnh: Bloomberg. |
Theo Bloomberg, Singapore đang chật vật thu hút những cái tên mới vào thị trường bán lẻ điện đầy biến động của mình. Nước này muốn thúc đẩy tính cạnh tranh và giảm bớt hóa đơn tiền điện cho người tiêu dùng.
Giá điện giao ngay tăng mạnh trong vòng 2 năm qua khiến ngày càng nhiều công ty bán lẻ rời khỏi thị trường vì hoạt động kinh doanh không có lãi.
Tháng trước, giới chức Singapore đã áp mức trần đối với giá điện bán buôn nhằm ngăn chặn tình trạng biến động bất thường. Cụ thể, kể từ ngày 1/7, trần giá điện bán buôn bắt đầu được áp dụng thông qua một công thức tính toán chi phí khí đốt tự nhiên và chi phí phát điện.
Giá điện giao ngay tăng mạnh
Động thái này diễn ra sau khi giá điện bán buôn tăng vọt dù chi phí khí đốt tự nhiên lao dốc. Giá LNG (khí đốt tự nhiên hóa lỏng) cũng đã giảm 86% kể từ tháng 3/2022.
Cơ quan quản lý đã tham khảo ý kiến của các doanh nghiệp trong ngành nhằm ngăn giá tăng vọt. Cách đây 2 năm, đợt tăng giá phi mã tương tự khiến hàng loạt công ty bán lẻ phá sản.
Theo Cơ quan Thị trường Năng lượng Singapore, tình trạng biến động khiến các công ty bán lẻ không còn muốn gia tăng đầu tư nhằm thúc đẩy công suất phát điện, từ đó giảm thiểu tình trạng thiếu hụt.
Nhưng các doanh nghiệp nước này đang kêu gọi chính phủ Singapore hành động nhiều hơn nhằm vực dậy thị trường kỳ hạn non trẻ.
"Không có bất cứ doanh nghiệp mới nào tham gia thị trường trong vòng 2 năm qua", Bloomberg dẫn lời ông Matthijs Guichelaar - Giám đốc điều hành Flo Energy - một trong số ít công ty bán lẻ tư nhân vẫn đang hoạt động, cho biết.
"Thị trường kỳ hạn không có tính thanh khoản", ông chia sẻ.
Người tiêu dùng chịu thiệt
Singapore đã tự do hóa hoàn toàn ngành điện vào năm 2018, tức người tiêu dùng có thể lựa chọn đơn vị cung cấp điện. Điều này dẫn đến một loạt công ty bán lẻ độc lập tham gia thị trường điện bán buôn nhằm cạnh tranh với các doanh nghiệp quốc doanh. Nhưng hầu hết đều phải rời khỏi thị trường sau khi giá điện giao ngay tăng vọt.
Cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu bắt đầu nhen nhóm từ năm 2021 đã giáng đòn vào các công ty bán lẻ từ Singapore đến Anh và Nhật Bản. Những doanh nghiệp này không có nhà máy điện. Thay vào đó, họ mua điện từ thị trường giao ngay rồi bán lại cho người tiêu dùng, chẳng hạn hộ gia đình và doanh nghiệp.
Do đó, họ là những người chịu ảnh hưởng nặng nề nhất khi giá điện giao ngay tăng tới 3.000% trong ngày. Người tiêu dùng ở Singapore được bảo vệ phần nào nhờ giá điện cố định.
Nhưng số lượng doanh nghiệp tham gia thị trường sụt giảm có nghĩa là tính cạnh tranh thấp đi, và người tiêu dùng còn ít lựa chọn hơn. Trong quý II, hóa đơn điện của người Singapore có thể tăng gần 15% so với mức trung bình cùng kỳ 5 năm qua.
Thách thức lớn nhất đối với thị trường điện của Singapore là thiếu biện pháp phòng ngừa biến động. Thanh khoản trên thị trường điện kỳ hạn đã cạn kiệt kể từ năm 2021.
Giới chức Singapore đã tung ra các ưu đãi đối với những trung gian tài chính được coi là các nhà tạo lập thị trường. Họ hy vọng rằng thanh khoản sẽ được cải thiện nếu có thêm nhiều ngân hàng và doanh nghiệp tham gia. Nhưng chính sách này cũng bị xóa bỏ sau đó không lâu vì không thể giúp cải thiện khối lượng giao dịch.
Theo ông David Broadstock, chuyên gia nghiên cứu cấp cao, Trưởng bộ phận Kinh tế năng lượng tại Viện Nghiên cứu Năng lượng của Đại học Quốc gia Singapore, người ta trông chờ vào những người chơi mới trong lĩnh vực năng lượng, nhưng rất ít công ty muốn gia nhập cuộc chơi.
Ông cho rằng giới chức Singapore nên cân nhắc một số hình thức can thiệp khác.
Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.