Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Singapore, Hong Kong là điểm nóng tiền bẩn tại châu Á

Thông tin trên được tiết lộ trong một báo cáo điều tra dựa trên lượng lớn dữ liệu rò rỉ được gửi tới trang tin BuzzFeed News của Mỹ.

Theo một báo cáo được công bố hôm 20/9 của Hiệp hội Các nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ), Singapore và Hong Kong là hai điểm nóng hàng đầu châu Á về giao dịch đáng ngờ, dù chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng lượng giao dịch tại hai kinh đô tài chính này.

Cụ thể, báo cáo chỉ ra các ngân hàng tại Singapore gồm DBS Group Holdings Ltd., Oversea-​Chinese Banking Corp. (OCBC) và United Overseas Bank Ltd. (UOB) đã xử lý các giao dịch có nghi vấn phạm pháp trị giá hơn 4,4 tỷ USD. Trong khi đó, số tiền mờ ám khoảng 4,1 tỷ USD đã được giao dịch qua các ngân hàng tại Hong Kong gồm HSBC Holdings Plc và Deutsche Bank AG.

Đứng sau hai kinh đô tài chính châu Á trên về quy mô giao dịch đáng ngờ là Trung Quốc và Ấn Độ.

Báo cáo của ICIJ được lập ra dựa trên một lượng lớn dữ liệu rò rỉ được gửi tới trang tin BuzzFeed News của Mỹ. Theo các tài liệu này, trong khoảng thời gian từ năm 1999 đến 2017, các giao dịch với tổng trị giá hơn 2.000 tỷ USD đã bị nhân viên nội bộ của các tổ chức tài chính đánh dấu nghi ngờ là hoạt động rửa tiền hoặc phạm pháp khác.

Các ngân hàng liên quan tới những giao dịch này đều là doanh nghiệp toàn cầu, được hưởng lợi lớn từ “những khách hàng quyền lực và nguy hiểm” kể cả sau khi Mỹ áp dụng lệnh trừng phạt với một số tổ chức.

Singapore,  Hong Kong la diem nong 'tien ban' tai chau A anh 1

Phản ứng trước báo cáo này, ngày 22/9, Cơ quan Tiền tệ Singapore cho biết đang “kiểm tra kỹ lưỡng” các thông tin được tiết lộ và “sẽ có hành động thích hợp dựa trên kết quả kiểm tra”.

Trong khi đó, Cơ quan Tiền tệ Hong Kong cũng khẳng định đã biết về báo cáo trên nhưng không thảo luận về các trường hợp riêng lẻ. Người phát ngôn của cơ quan này khẳng định cơ chế chống rửa tiền và tài trợ khủng bố của Hong Kong “hoạt động hiệu quả và tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế”.

Dù các nhà chức trách chưa có hành động cụ thể nào sau báo cáo trên, cổ phiếu của những ngân hàng có liên quan đều chịu ảnh hưởng. Với HSBC, những tiết lộ trong báo cáo giáng thêm một đòn mạnh khiến giá cổ phiếu ngân hàng lớn nhất châu Âu sụt xuống mức thấp nhất trong hơn 2 thập kỷ.

Cổ phiếu các ngân hàng tại Singapore cũng lao dốc. Trong đó, cổ phiếu DBS tiếp tục đà giảm từ đầu năm, nâng mức giảm lên 24% tính tới phiên giao dịch ngày 22/9. Cổ phiếu OCBC và UOB cũng đóng cửa với mức giảm nhẹ.

Trong một thông cáo gửi qua email, DBS khẳng định ngân hàng “không khoan nhượng với những kẻ lợi dụng hệ thống tài chính để phạm pháp". Dù vậy, ngân hàng này cho biết nếu như không có lệnh cấm vận với các cá nhân hay lệnh đóng băng tài khoản, “nhìn chung rất khó để trì hoãn hoặc ngăn chặn dòng tiền bởi có thể gây ảnh hưởng đến các hoạt động kinh doanh hợp pháp”.

“Theo quy trình thông thường - diễn ra trong nội bộ - ngân hàng sẽ tiến hành các cuộc điều tra để xác minh nghi ngờ và dựa theo đó để đưa ra hành động cần thiết”, thông cáo của DBS cho biết.

Cả OCBC và UOB đều khẳng định cơ chế phát hiện dòng tiền bất hợp pháp của mình “rất hiệu quả” và cho biết đang tiếp tục nâng cấp công nghệ để phát hiện rửa tiền. UOB cho biết luôn tuân thủ “mọi quy định pháp luật hiện hành tại các quốc gia mà ngân hàng hoạt động”.

Còn HSBC cũng cho biết đã bắt đầu triển khai kế hoạch nâng cao năng lực phòng chống tội phạm tài chính tại hơn 60 khu vực từ 8 năm trước và nhờ đó, giờ đây HSBC đã “trở thành một tổ chức an toàn hơn nhiều so với năm 2012”.

Nguyễn Duy

Bạn có thể quan tâm