Chàng thanh niên Singapore tên Eugene vui mừng chào đón phóng viên của The Economist tới thăm căn hộ 3 phòng ngủ mới, nơi anh và cô vợ trẻ bắt đầu cuộc sống riêng. Căn hộ của Eugene nằm trong một trong những khối nhà cao tầng được xây dựng khắp Singapore do Cục Phát triển Nhà ở Singapore HDB xây dựng.
Ai cũng có thể sở hữu nhà
HDB được thành lập vào năm 1960, ban đầu nhằm xây nhà cho thuê đáp ứng nhu cầu của người nghèo tại Singapore. Thế nhưng, chỉ sau 4 năm, nó đã chuyển đổi mục tiêu để trở thành đơn vị phát triển bất động sản lớn nhất Singapore, cung cấp nhà ở cho 80% dân số của quốc đảo này.
Tại Singapore, tỷ lệ sở hữu nhà ở gần cao nhất thế giới, chiếm tới 90%. Sở hữu căn hộ của riêng mình không phải là giấc mơ xa vời với những người trẻ tại quốc đảo sư tử.
Nếu giao dịch trên thị trường thứ cấp, căn hộ đó sẽ tăng giá thêm khoảng 25%. Trong khi đó, cùng diện tích và khu vực, giá các căn hộ được xây dựng bởi các nhà phát triển tư nhân thường gấp 3-4 lần. Các khu vực do doanh nghiệp tư nhân phát triển chủ yếu phục vụ cho nhóm siêu giàu và người nước ngoài tại Singapore.
Thành phố xanh
Với diện tích vỏn vẹn chỉ 721,5 km2, bằng 1/3 TP.HCM, Singapore buộc phải phát triển theo chiều cao bằng các tòa nhà chọc trời. Với những thành công trong việc quy hoạch đô thị, đảo quốc sư tử được xem như một hình mẫu cho các thành phố hạn chế về tài nguyên nói chung và đất đai nói riêng trên toàn cầu học tập. The Guardian thậm chí còn cho rằng Singapore là đô thị được quy hoạch tỉ mỉ nhất thế giới.
Edward Glaeser, giáo sư kinh tế đô thị của Đại học Harvard, nhiều lần bày tỏ sự ngưỡng mộ của mình với mô hình đô thị Singapore và khẳng định “Singapore đã gần đạt tới mô hình quy hoạch lý tưởng trong việc sử dụng đất của thế kỉ 21”.
Chính phủ Singapore đặc biệt chú trọng đến việc phủ xanh đô thị với mục đích thẩm mỹ và cải thiện môi trường.
Năm 1967, Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu giới thiệu khái niệm “thành phố xanh” với mục tiêu đưa ra Singapore trở thành một thành phố với mật độ cây xanh dày đặc nhằm nâng cao môi trường sống cho người dân và thu hút khách du lịch cũng như nhà đầu tư nước ngoài. Trải qua 5 thập kỷ, tầm nhìn của Lý Quang Diệu vẫn đang được các nhà quy hoạch của Singapore tiếp tục thực hiện.
Trong khoảng thời gian đầu, “thành phố xanh” chỉ là một chương trình trồng cây đơn thuần. Đến năm 1975, Cục Phát triển Nhà ở (HDB) của Singapore và các công ty xây dựng tư nhân được yêu cầu phải dành không gian cho cây xanh trong các dự án bất động sản cũng như hạ tầng.
Những năm giữa thập niên 70, chính phủ Singapore cũng bắt đầu chuyển trọng tâm của chương trình “thành phố xanh” sang xây dựng những công viên mới với mục tiêu tạo ra “lá phổi xanh” và không gian giải trí cho các khu dân cư.
Theo số liệu của Hội đồng Công viên Quốc gia Singapore, số lượng công viên tại đất nước này đã tăng từ 13 vào năm 1975 lên 330 năm 2014. Cũng trong khoảng thời gian này, diện tích không gian xanh tăng từ 879 ha lên 9.707 ha, tương đương khoảng 13,5% tổng diện tích của toàn bộ đảo quốc sư tử.
Singapore có mật độ phủ xanh rất cao. Ảnh: Straits Times. |
Cũng theo cơ quan này, với nguồn tài nguyên đất đai hạn chế phải phân bổ cho nhiều dự án nhà ở, công nghiệp, thương mại, quy trình xây dựng các công viên tại Singapore được tính toán rất kĩ lưỡng dựa trên khoảng cách với trung tâm các khu dân cư nhằm đảm bảo người dân có thể dễ dàng tiếp cận được. Các công viên của Singapore cũng được thiết kế theo phong cách sáng tạo để khơi dậy cảm hứng của cộng đồng.
Giới chức Singapore khẳng định dù quá trình đô thị hóa đảo quốc sư tử tăng nhanh đến đâu, không gian xanh sẽ luôn đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước này. Các công viên mới sẽ được xây dựng trong khi các công viên hiện tại tiếp tục được nâng cấp. Singapore cũng đang phát triển mạng lưới liên kết các không gian xanh với nhau.
Giảm bớt sự 'ngộp thở' cho cư dân
Theo chính phủ Singapore, dân số của đảo quốc sư tử ước tính sẽ tăng lên 6,9 triệu người vào năm 2030. Với diện tích hạn chế, Singapore không có lựa chọn nào khác ngoài việc phát triển nhà cao tầng với mật độ xây dựng cao.
Tuy nhiên, theo Viện tài nguyên đô thị Singapore (ULI), việc đặt người dân vào trung tâm trong quá trình lên kế hoạch, thiết kế và xây dựng các khu dân cư sẽ đảm bảo tốc độ đô thị hóa nhanh không xung đột với sự phát triển bền vững và chất lượng cuộc sống.
Những đô thị với mật độ xây dựng dày đặc như Singapore phải ưu tiên sử dụng hiệu quả từng mét vuông đất nhưng đồng thời không được tạo ra cảm giác quá chật chội cho người dân. Nhờ có tầm nhìn quy hoạch dài hạn, chính sách đất đai và thiết kế hiệu quả, những khu nhà ở san sát tại Singapore vẫn đảm bảo đồng thời công năng và tính thẩm mỹ.
Thêm vào đó, các khu nhà cao tầng của Singapore được xây dựng xen kẽ với những tòa nhà thấp hơn, giảm bớt sự “ngộp thở” của người dân sống tại đây.
Các tòa nhà cao tầng và thấp tầng của Singapore được xây dựng xen kẽ nhau. Ảnh: Population Sg. |
Chiều cao và tỷ lệ của từng tòa nhà được thiết kế và quyết định một cách cẩn thận, chuẩn mực. Tiến sĩ Liu Thai Ker, một trong những chuyên gia quy hoạch của Singapore, so sánh quy hoạch đô thị ở Singapore như một bàn cờ mà ở đó không có hai miếng có cùng chiều cao.
Chính phủ Singapore cũng quan tâm đặc biệt đến việc đảm bảo an toàn cho cộng đồng dân cư tại các dự án nhà ở. Các khu chung cư này được thiết kế để người dân có thể dễ dàng quan sát lẫn nhau nhằm giúp mọi người cảm thấy an toàn hơn.
Các cộng đồng sống tại những tòa nhà này cũng được khuyến khích thường xuyên tương tác với nhau, vì thế những khu sinh hoạt chung ở các tầng, các tòa nhà được chú trọng.
Để tối đa hóa lợi ích không gian, Singapore biến những mảnh đất trống bên cạnh các khu vực cơ sở hạ tầng của thành phố thành những địa điểm phục vụ hoạt động thương mại và giải trí. Ý tưởng xuyên suốt của các cơ quan chức năng tại đây là tận dụng mọi không gian có thể để phục vụ cộng đồng.