Nhận kết quả dương tính với virus corona, cô Tan, 40 tuổi, thoạt đầu lo lắng mình sẽ phải đi điều trị tập trung và rời xa đứa con sơ sinh. Nhưng điều may mắn là cô đủ điều kiện để tự điều trị Covid-19 tại nhà.
Tại Singapore lúc này, tự điều trị tại nhà là chế độ mặc định đối với bệnh nhân Covid-19 dưới 70 tuổi đã được tiêm chủng đầy đủ, không có bệnh lý nghiêm trọng và không sống chung với người lớn hơn 80 tuổi, theo South China Morning Post.
Trước đó, bệnh nhân Covid-19 phải được điều trị ở bệnh viện hoặc được đưa tới cơ sở cách ly của nhà nước. Nhưng hiện nay, Singapore đang đẩy mạnh việc để bệnh nhân tự chăm sóc ở nhà, trong lúc đảo quốc chuyển hướng sang sống chung với Covid-19 và muốn giảm áp lực lên hệ thống y tế.
Chú trọng theo dõi, thăm khám từ xa
Với 82% người dân đã được tiêm đủ hai mũi vaccine tại Singapore như cô Tan, hành trình tự hồi phục tại nhà tương đối đơn giản.
Sau khi có kết quả xét nghiệm dương tính, người bệnh sẽ nhận được tin nhắn từ Bộ Y tế Singapore yêu cầu họ tự cách ly. Người sống cùng nhà với bệnh nhân cũng phải cách ly và xét nghiệm Covid-19.
Sau đó, bệnh nhân được cung cấp thiết bị giám sát điện tử. Họ có thể yêu cầu nhận túi chăm sóc bao gồm nhiệt kế, máy đo nồng độ oxy trong máu, và khẩu trang y tế.
Trong quá trình cách ly, bệnh nhân sẽ được một nhà cung cấp dịch vụ khám bệnh từ xa liên lạc để đánh giá tình trạng bệnh qua hình thức trực tuyến.
Người dân Singapore chờ đợi tại khu vực theo dõi sau tiêm vào tháng 3. Tới nay, 82% người dân Singapore đã được tiêm đủ hai mũi. Ảnh: Reuters. |
Trả lời South China Morning Post, cô Tan nói mình không gặp phải triệu chứng gì ngoài việc tạm thời mất khứu giác và vị giác. Thay đổi lớn nhất đối với gia đình của cô trong quá trình cách ly tại nhà là họ không thể ra ngoài mua thực phẩm, mà phải gọi đồ ăn mỗi ngày.
Theo chế độ hồi phục tại nhà, người dân Singapore mắc Covid-19 có hai lựa chọn: Họ có thể tự cách ly trong 10 ngày liên tiếp, hoặc được rút ngắn thời gian tự cách ly nếu xét nghiệm PCR vào ngày thứ 6 cho thấy tải lượng virus chỉ còn ở mức thấp.
Lệnh cách ly của Tan hết hạn vào ngày 23/9 và cô không cần phải xét nghiệm thêm. Dù vậy, Tan vẫn được dặn dò cần giảm đáng kể việc tiếp xúc với người khác trong một tuần, để giảm rủi ro lây lan virus.
Trải nghiệm áp lực, phiền toái
Dù vậy, kế hoạch táo bạo của Singapore không phải không có thách thức và trục trặc.
Zack (tên nhân vật được thay đổi), một giám đốc 39 tuổi, xét nghiệm dương tính nCoV vào ngày 18/9, nhưng tới ngày 23/9, anh vẫn chưa nhận bất cứ thông tin hướng dẫn nào từ nhà chức trách. Zack đã tiêm đủ hai mũi vaccine ngừa Covid-19 và sống cùng vợ con.
Theo website chính thức về tự cách ly tại nhà của Singapore, người dân sẽ nhận được tin nhắn hướng dẫn cách tự cách ly trong vòng 24 tiếng kể từ khi biết kết quả xét nghiệm dương tính.
“Tôi tự cách ly trong phòng ngủ từ khi biết kết quả dương tính. Những gì tôi làm đều dựa trên trang web của Bộ Y tế”, Zack nói.
Khách hàng thực hiện giãn cách xã hội tại Singapore vào tháng 3/2020. Ảnh: Straits Times. |
Zack cho biết cảm thấy rất bực vì không được thông tin, và anh thà được đưa đến cơ sở chăm sóc cộng đồng. “Gia đình tôi rất áp lực và thấy phiền toái. Tôi cũng sợ lây virus cho họ”, Zack chia sẻ về quá trình tự điều trị Covid-19 ở nhà.
Một người Singapore khác tên Chris Koh (tên nhân vật được thay đổi) cũng cho biết người bố 68 tuổi của chị có bệnh nền về tim. Dẫu vậy, phải hơn một ngày sau khi có kết quả xét nghiệm dương tính, ông mới nhận được tin nhắn từ nhà chức trách.
Sau khi biết mình mắc Covid-19, ông đề nghị được theo dõi tại một cơ sở cách ly nhà nước nhưng không được hồi đáp, chị Chris Koh nói.
“Không ai gọi gia đình tôi để kiểm tra xem căn nhà có đủ điều kiện cho bố tôi tự hồi phục hay không. Cũng không ai dặn ông phải cách ly nghiêm ngặt trong phòng”, Chris Koh nói. Bố của Chris Koh vẫn chưa được bác sĩ liên lạc hay nhận được thiết bị theo dõi.
Giúp đỡ lẫn nhau qua hội nhóm online
Nhiều người Singapore tìm đến một nhóm chat có tên "Nhóm Hỗ trợ Lệnh cách ly SG" trên một ứng dụng nhắn tin để bày tỏ nỗi lo, cũng như chia sẻ kinh nghiệm tự chăm sóc ở nhà.
Sáng 22/9, nhóm này có chưa đầy 30 thành viên. Nhưng tới chiều 24/9, con số tăng lên tới hơn 7.200.
Singapore trong tháng 9 triển khai thí điểm robot tự hành có thể phát hiện những hành vi vi phạm, như không tuân thủ quy định phòng Covid-19. Ảnh: Reuters. |
Nhiều thành viên trong nhóm cho biết vẫn chưa thấy nhà chức trách liên hệ về việc tự cách ly, dù đã hơn một tuần trôi qua kể từ khi xét nghiệm dương tính. Số khác cho hay họ được dặn sắp xếp đồ đạc để tới cơ sở cách ly tập trung, nhưng từ đó tới nay chưa nhận được thêm tin tức gì.
Một số người nói nơi ở của họ không thích hợp với việc tự chăm sóc ở nhà, chẳng hạn như vị trí đặt phòng vệ sinh. Những người này nói họ muốn đến một cơ sở khác để điều trị Covid-19. “Chúng tôi bị bỏ mặc và rất rối trí”, một thành viên trong nhóm chat nói.
Trả lời South China Morning Post, một đại diện của Bộ Y tế Singapore cho biết công tác vận hành đang “gặp áp lực lớn” trước số ca mắc gia tăng gần đây, nhưng nhà chức trách đang củng cố các nguồn lực.
Số ca tự điều trị tại nhà hiện chiếm 40% số ca mắc mới, người đại diện này cho biết thêm.
Tuần này, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long chia sẻ có nhiều người dân viết thư cho ông để thể hiện tâm lý bực dọc. Vị thủ tướng kêu gọi người dân kiên nhẫn trong lúc các vấn đề dần được khắc phục.
“Số ca mắc vẫn đang tăng lên. Chúng tôi đang gắng sức để mở rộng hoạt động, cũng như để đảm bảo mọi bệnh nhân được chăm sóc tốt”, Thủ tướng Lý nói.