“Tôi muốn những người trên 60 tuổi được yêu cầu tiêm chủng bắt buộc bởi họ là nhóm có nhiều khả năng tử vong nhất khi mắc Covid-19”, Reuters dẫn lời Dale Fisher, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Bệnh viện Đại học Quốc gia Singapore, ngày 21/9.
"Đó là lý do mà nhóm tuổi này được lựa chọn sớm để tiêm vaccine, cũng là lý do mà họ được chọn để tiêm thêm mũi thứ ba", ông nói.
Người dân xếp hàng bên ngoài trung tâm xét nghiệm nhanh tại Singapore ngày 21/ 9. Ảnh: Reuters. |
Hiện Singapore chưa bắt buộc tiêm chủng vì các loại vaccine Pfizer và Moderna mới được nước này cấp phép sử dụng khẩn cấp.
Với khoảng 87.000 người cao tuổi vẫn chưa tiêm chủng, một số chuyên gia cho rằng việc phê duyệt hoàn toàn có thể mở đường, cho phép yêu cầu bắt buộc tiêm phòng dễ dàng hơn.
“Tiêm vaccine có khả năng bảo vệ cao hơn nhiều so với các biện pháp khác đang áp dụng. Nó cũng ít gây thiệt hại về mặt kinh tế và xã hội hơn”, Alex Cook, chuyên gia về mô hình bệnh truyền nhiễm tại Đại học Quốc gia Singapore, nói. "Nếu chúng ta không bắt buộc tiêm chủng, thì việc bắt buộc thực hiện các biện pháp bảo vệ không hiệu quả bằng mà còn tốn kém hơn có vẻ vô lý".
Trong khi đó, bác sĩ về bệnh truyền nhiễm Leong Hoe Nam cho biết yêu cầu bắt buộc về vaccine có thể bắt đầu từ việc hạn chế hoạt động đối với những người chưa tiêm chủng.
“Bạn không thể đến trung tâm thương mại hoặc đi phương tiện giao thông công cộng, hay đi ăn ở ngoài trừ khi được tiêm phòng”, ông nói.
Trong số những người mắc Covid-19 dù đã tiêm vaccine tại Singapore từ ngày 1/5 đến 16/9, chỉ 0,09% phải vào phòng chăm sóc đặc biệt (ICU) hoặc tử vong.
Trong khi đó, tỷ lệ ở người chưa tiêm chủng là 1,7%. Dữ liệu cho thấy đa số ca tử vong tập trung ở nhóm người cao tuổi.
Mặc dù đã đạt tỷ lệ 82% dân số được tiêm vaccine, gần đây, chính phủ Singapore đã phải tạm dừng việc nới lỏng hạn chế trong tháng 9 để theo dõi sau khi có dấu hiệu các ca mắc gia tăng trở lại, gây áp lực lên hệ thống y tế.