Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Singapore có gì để thành công trong cuộc chơi F1 đắt đỏ?

Trong khi các quốc gia châu Á như Hàn Quốc, Ấn Độ từng thất bại khi thử sức với đua xe F1 thì Singapore lại trở thành ví dụ của thành công trong việc tổ chức chặng đua.

Chặng đua F1 ở Singapore có khởi đầu năm 2008 không hề bằng phẳng. Trong lần đầu ra mắt, chặng đua F1 Singapore đã là nơi xảy ra bê bối nổi tiếng "Crashgate" khi một thành viên đội đua Renault đã cố tình gây tai nạn để tạo lợi thế cho người đồng đội còn lại về nhất.

Bê bối này không chỉ khiến Renault bị loại khỏi giải và cấm tham gia 5 năm mà còn khiến màn ra mắt của Singapore tại Công thức 1 (F1) không suôn sẻ.

Tuy nhiên chỉ vài năm sau, Singapore đã xây dựng danh tiếng vững chắc trong lòng người hâm mộ môn thể thao tốc độ với sự chuyên nghiệp khi tổ chức các chặng đua thậm chí vượt mặt nhiều nước phương Tây.

Hậu cảnh hoàn hảo

Ấn Độ và Hàn Quốc, hai quốc gia châu Á khác sau đó từng tổ chức các chặng đua F1, và nhanh chóng rút lui trong thất bại. Trong khi Malaysia hay Nhật Bản đầu tư còn mạnh tay hơn nhưng cũng không thể đạt được thành công như Singapore Grands Prix F1.

Trang Motorsport đã dành một bài viết để phân tích điều gì đã tạo nên thành công của quốc đảo Sư tử trong cuộc chơi đắt đỏ F1.

ha noi to chuc dua f1 anh 1
Singapore là hậu cảnh hoàn hảo cho một chặng đua F1 tại châu Á. Ảnh: BI.

Trước tiên, Singapore đã từ lâu nổi tiếng là một trung tâm kinh tế, tài chính. World Bank từng 9 năm liên tiếp vinh danh Singapore là nơi có môi trường kinh doanh tốt nhất thế giới. Đây còn là trung tâm tài chính lớn thứ tư thế giới và là trung tâm vận tải đường biển quan trọng của thế giới.

Singapore cũng nổi tiếng với sự giàu có. Thu nhập bình quân đầu người của nước này đạt hơn 85.000 USD vào năm 2016, mức cao thứ 3 thế giới theo số liệu của IMF và cao thứ 4 theo số liệu từ World Bank.

Một xã hội đô thị phồn hoa, nơi tập trung giới doanh nhân và khách du lịch là thiên đường của các nhà quảng cáo, và đó chính là hậu cảnh mà Singapore mang lại cho các nhãn hàng.

Những quán bar hay các nhà hàng trên các tòa nhà cao tầng nhìn thẳng xuống đường đua rực sáng một năm chỉ có một lần càng cho thấy thành phố này phù hợp để tổ chức một chặng đua F1 như thế nào.

Và càng không thể bỏ qua việc chặng đua F1 tại Singapore được tổ chức vào khung giờ rất lạ. Là chặng đua duy nhất cho tới năm 2014 tổ chức vào buổi tối, chặng đua F1 Singapore có hậu cảnh là thành phố hiện đại lung linh ánh đèn trong bầu trời đêm, thứ hậu cảnh hoàn hảo để lôi kéo khách du lịch.

F1 đang mang lại trái ngọt

Trong 4 năm đầu tiên những chiếc xe F1 ganh đua quanh các con phố khu vực vịnh Marina (Singapore), đã có 100 triệu khán giả theo dõi qua truyền hình, trong khi có khoảng 200.000-300.000 khán giả có mặt xem trực tiếp tại trường đua.

Cũng trong giai đoạn trên, doanh thu du lịch có lên quan đến F1 của Singapore tăng trưởng lên mức 410 triệu USD.

Một lợi thế của chặng đua Singapore chính là mối liên kết chặt chẽ của ban tổ chức với nhà tài trợ Singapore Airlines. Hãng hàng không này vừa mang một lượng không nhỏ khán giả nước ngoài tới với Singapore theo dõi cuộc đua mà còn góp phần quảng bá chặng đua Singapore ra thế giới.

"Địa lợi" cũng là một yếu tố mang lại thành công cho chặng đua F1 tại Singapore. Là một trung tâm hàng không của thế giới, việc di chuyển đến Singapore rất dễ dàng. Quốc đảo này còn trở thành một lựa chọn hợp lý để bắt đầu hoặc kết thúc một kỳ nghỉ dài tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Có tới 40% lượng khán giả đến theo dõi chặng đua F1 Singapore là từ nước ngoài, trong đó người Australia và Anh chiếm phần lớn.

ha noi to chuc dua f1 anh 2
F1 đã và đang mang về cho Singapore trái ngọt. Ảnh: Strait Times.

Tuy nhiên quan trọng nhất, F1 là một phần trong chiến lược của chính phủ Singapore nhằm sử dụng thể thao để quảng bá du lịch, nâng tầm hình ảnh Singapore trên phạm vi quốc tế. Chỉ trong năm 2015, Singapore đã tổ chức cả đua xe F1, SEA Games, Cúp Barclays Asia Trophy và giải bóng bầu dục IRB Sevens World Series.

Chính phủ nước này cũng bày tỏ tham vọng muốn Singapore trở thành nơi tổ chức giải "World Cup của bơi lội" FINA và giải Tennis nhà nghề nữ.

Chặng đua F1 cho thấy nỗ lực mạnh mẽ của Singapore để tự marketing hình ảnh một điểm đến du lịch và một trung tâm thể thao, phù hợp để tổ chức những sự kiện lớn của thế giới.

Giới chức Singapore còn mong muốn duy trì thành công của chặng đua F1 cũng như dành sự quan tâm đặc biệt tới sự kiện này để biến chặng đua thành một sự kiện quy mô toàn thành phố với những buổi hòa nhạc và sự kiện bên lề.

Trái ngược với Singapore, chặng đua F1 tại Ấn Độ đã bị chính giới cầm quyền nước này tạt gáo nước lạnh khi họ phân loại đua xe F1 vào hạng mục giải trí thay vì thể thao cũng như bác bỏ kiến nghị cân nhắc lại quyết định này.

Việc phân loại này sẽ khiến các đội đua bị đánh thuế thu nhập nặng nề. Khi những thỏa thuận về thuế không thể tìm được tiếng nói chung giữa đôi bên, chặng đua Ấn Độ văng khỏi lịch trình đua F1 và từ đó chưa thể quay trở lại.

Với Singapore, vị trí địa lý là một lợi thế thì tại Hàn Quốc, đây lại là một điểm yếu. Trường đua Yeongam cách thủ đô Seoul tới 5 giờ di chuyển bằng tàu cao tốc và cách xa các thành phố lớn xung quanh.

Những kế hoạch tham vọng để phát triển đô thị xung quanh trường đua này đã đổ bể khi nguồn vốn cạn kiệt, và giấc mơ về chặng đua F1 Hàn Quốc sôi động bỗng chốc đã trở nên xa vời và đìu hiu.

Có thể tốn 1 tỷ USD cho 10 năm tổ chức đua F1, Hà Nội thu được gì?

Được mệnh danh là môn thể thao tỷ USD, tổ chức một vòng đua F1 là cuộc chơi đắt đỏ mà Hà Nội cần cân nhắc khi nhiều thành phố từng phải bỏ cuộc sau vài năm tổ chức.




Ngô Minh

Bạn có thể quan tâm