Giây phút vui vẻ của Obama và Love trong Phòng Bầu dục ngày 16/6/2009. |
Love được gọi là “siêu trợ lý” bởi anh phải đảm nhiệm mọi việc từ chuẩn bị đồ ăn, mang vác hành lý, mua quần áo, chơi bóng rổ đến trông con hộ ông Obama. Tất cả trải nghiệm và những gì học hỏi được trong thời kỳ làm “tổng quản” đó đã được anh viết lại trong cuốn sách “Power Forward: My Presidential Education” (tạm dịch: Cầu thủ bóng rổ: Giáo dục kiểu tổng thống của tôi).
Điểm đặc biệt của cuốn sách có lẽ là lần đầu tiên có một cuốn hồi ký mà nhân vật chính lại không phải là tác giả. Viết hồi ký về mình, nhưng Love lại khắc họa mình chủ yếu qua nhân vật chính là ông Obama.
Cuốn sách không phải là “kể tuốt” mọi chuyện hậu trường, song đã cho người đọc cảm nhận thế nào là một cuộc đua vào Nhà Trắng với những gay gắt, căng thẳng liên tục. Cuốn sách cũng cho thấy quan điểm của ông Obama về cuộc đua này và mối quan hệ thân thiết, tin cậy với “siêu trợ lý” Love.
Đường đến Nhà Trắng
Chính trị không phải là niềm đam mê của Love. Thể thao mới là thứ anh yêu thích. Anh là tiền đạo đội trưởng đội bóng rổ Duke Blue Devils và là người đã dẫn dắt Câu lạc bộ này giành chức vô địch quốc gia năm 2001 của Hiệp hội Thể dục Đại học Quốc gia (NACC). Sau khi tốt nghiệp, anh hi vọng ký được hợp đồng với Hiệp hội Bóng rổ Quốc gia hoặc Liên đoàn Bóng đá Quốc gia, song con đường sự nghiệp của Love lại đi theo một ngã rẽ khác.
Sau khi không thành công với giấc mơ thể thao, Reggie phải “ăn bám” bố mẹ. Thời gian của anh chỉ dành để chơi golf và ôm hi vọng trở thành một cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp. Mẹ Love sốt ruột và đã phải giục anh làm việc gì đó cho có ích hơn với thời gian của mình.
Love đã gửi lý lịch cho một người bạn trong quốc hội Mỹ và cuối cùng được văn phòng của Thượng nghị sĩ Barack Obama phỏng vấn và nhận vào làm. Reggie được thuê làm trợ lý thời hạn một năm, hưởng lương 28.000 USD trong văn phòng tại Thượng viện của ông Obama. Việc của anh kiểu như làm bảo vệ văn phòng.
Love nhận công việc này ở văn phòng của ông Obama một phần vì ông có nhiều quan điểm giống với anh trong các vấn đề như giáo dục, y tế và ông là một người anh em cùng màu da. Một trong những thời điểm khó khăn nhất là xây dựng mối quan hệ với ông Obama trong những ngày đầu, tức là làm quen và chiếm được lòng tin của vị thượng nghị sĩ này.
Bài học cuộc sống
Có hai điều khiến Love và ông Obama trở nên gắn kết. Một là tình yêu bóng rổ. Hai là những bài học mà ông Obama dạy cho anh về cách sống của một người da màu trong thế giới nhiều người da trắng.
Love kể: “Tôi luôn nói với tổng thống rằng: Ông có nhiều trải nghiệm với người da trắng hơn tôi vì mẹ ông là người da trắng. Ông có nửa dòng máu da trắng nên ông luôn ở trước tôi một bước. Điều duy nhất mà ông ấy nói với tôi là khi người ta nhìn vào tôi, họ không thấy một người lai. Họ nhìn thấy một người da màu”.
Bìa cuốn hồi ký của Reggie Love. |
Love có một hình xăm số 365 trên bắp tay phải và số 332 trên bắp tay trái. Đây là những số phiếu mà ông Obama giành được trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2008 và 2012. Điều này cho thấy Love trân trọng công việc “siêu trợ lý” của mình đến thế nào.
Khi Love đi cùng ông Obama, nhiều người đoán anh là vệ sĩ vì anh rất cao, dáng dấp thể thao và là người da đen. Khi có người cần gặp vệ sĩ của ông Obama, Love luôn phải giải thích và chỉ cho họ một vệ sĩ thứ thiệt của Sở Mật vụ Mỹ.
Hai năm sau khi Love được nhận vào làm việc, ông Obama quyết định tranh cử tổng thống. Love trở thành trợ lý của ông, một chức vụ quan trọng trong chiến dịch tranh cử. Là cái bóng thường trực của ông Obama trong suốt thời gian này, Love có một cái nhìn toàn cảnh về cuộc đua mà anh đã trở thành một phần.
Hồi tháng 12/2007, Billy Shaheen, đồng chủ tịch chiến dịch vận động của bà Hillary Rodham Clinton tại bang New Hampshire, nói với một phóng viên rằng việc ông Obama nhận một người nghiện ma túy trẻ tuổi, tức Love, làm trợ lý sẽ tạo cơ hội cho phe Cộng hòa chất vấn và tấn công. Họ có thể hỏi Love đã bao giờ bán ma túy chưa.
Ngay sau đó, máy bay riêng của ông Obama đỗ sát với máy bay của bà Clinton tại sân bay quốc gia Reagan và bà Clinton đã đích thân đề nghị nói chuyện với ông Obama ngay trên đường băng. Bà đã xin lỗi về những tin đồn mà nhóm của bà gây ra với ông Obama liên quan đến Love.
Đáp lại, ông Obama chỉ nói rằng xin lỗi là điều vô nghĩa khi mà nhóm của bà đã gửi thư điện tử đi khắp nơi nói Love là một người Hồi giáo. Trong cuốn sách, Love tả rằng bà Clinton lúc đó rất sôi nổi còn ông Obama rất lạnh lùng và điềm tĩnh.
Love nhìn thấy cuộc đối thoại là một sự đối đầu căng thẳng ngay trước khi cả hai đấu sĩ bước vào cuộc đua tranh tấm vé ứng viên tổng thống của đảng Dân chủ. Cuối ngày hôm đó, ông Obama nói với Love rằng ông biết sẽ giành được tấm vé sau giây phút chạm mặt với đối thủ trên đường băng.
Trong suốt chiến dịch tranh cử và khi đã là tổng thống, ông Obama thường được tặng các “lá bùa” may mắn, từ huy hiệu quân đội, thẻ bài poker, các viên đá, cho đến vòng bắt giấc mơ. Ông Obama thường bỏ chúng trong túi hoặc trao cho Love cầm hộ. Tuy nhiên, ông Obama giữ mọi thứ được tặng, có lúc còn coi chúng là những lời khuyến khích thầm lặng. Một số được ông gom lại, để trong một chiếc bát nhỏ ở Phòng Hiệp ước trong Nhà Trắng.
Đứng sau một bước, hành động trước ba bước
Đối với một “tổng quản” như Love, câu khẩu hiệu ở trên luôn là tôn chỉ hành động của anh khi phục vụ tổng thống. Khi ông Obama gọi điện cho đại cử tri để thuyết phục họ, người đứng bên cạnh chính là Reggie Love. Anh sẽ ở đó, cầm sổ ghi chép sẵn trong tay, quay số điện thoại.
Khi ông Obama vừa hoàn thành một bài phát biểu ngoài trời trong một ngày lộng gió ở Noblesvilles, bang Idiana, Love đứng đằng cạnh khi ông bắt tay người ủng hộ phía sau dây ngăn cách. Để lúc ông Obama vừa hỏi “Áo khoác đâu?”, Love đã cầm sẵn trên tay.
Khi ông Obama không muốn uống thêm một chai bia Budweiser thứ hai, Love đã có mặt để cầm hộ. Khi ông Obama làm rơi thức ăn lên cà vạt khi ăn trong ô tô, Love sẵn sàng chìa bút tẩy vết bẩn ra.
Love lúc nào cũng sẵn sàng những thứ như vậy khi làm “siêu trợ lý” cho ông Obama. Ở cạnh người đàn ông này, Love trở thành một cái máy “phân phối di động” đủ loại sản phẩm, từ bút bi, đồ văn phòng phẩm, protein, thuốc chữa đau họng, thuốc hạ sốt Advil, thuốc giảm đau Tylenol, nước rửa tay Purell, nước uống, trà, kẹo cao su...
Đó là chưa kể tới những đồ cá nhân mà Love lúc nào cũng mang theo người gồm một chiếc iPhone, một chiếc BlackBerry cùng máy ảnh kỹ thuật số Canon. Love ghi lại chiến dịch tranh cử của ông Obama bằng hình ảnh và kho ảnh của anh có tới 10.000 bức.
Ông Obama từng nói về Love: “Khả năng gánh vác rất nhiều trách nhiệm trong khi không được ngủ nhiều của anh ta là một điều đáng nể. Anh ta là bậc thầy của những gì mình làm”. Ông Obama còn gọi Love là “cuốn sách của tôi, tờ báo của tôi, âm nhạc của tôi”.
Chia sẻ sở thích
Chính Love là người giới thiệu ông Obama đến với thế giới âm nhạc của rapper Jay Z. Trong chiến dịch tranh cử năm 2008, họ đã gặp Jay Z và Obama đã nhờ Love tải một số bài hát của Jay Z vào chiếc iPod để nghe khi ông tập thể dục buổi sáng. Obama thích nhạc Jay Z và nhờ Love tải thêm nhiều bài nữa. Về phần mình, Obama cũng giới thiệu cho Love các bài hát mà ông yêu thích.
Hàng ngày, ông Obama và “siêu trợ lý” thường tập thể dục buổi sáng cùng nhau và ngày nào họ cũng chơi bóng rổ. Chính sân bóng rổ là nơi Love và ông Obama trở nên gắn kết hơn.
Love viết về kỹ năng chơi bóng rổ của ông Obama: “Ông không phải là người sẽ lao ra và tung bóng lên cột. Ông là người hỗ trợ mọi người chơi tốt hơn. Phán đoán tốt, chuyền bóng tốt, tận dụng mọi khe hở, biết cách chơi phòng ngự, biết cách chơi luân phiên”.
Sau chiến dịch năm đó và tiếp tục ở vị trí “siêu trợ lý” thêm ba năm nữa cho ông Obama tại Nhà Trắng, Love rời bỏ công việc năm 2011 để học bằng quản trị kinh doanh tại khoa kinh doanh Wharton trường Đại học Pennsylvania nhờ có thư giới thiệu của tổng thống. Love giờ đã 33 tuổi, là đối tác và phó chủ tịch của công ty cổ phần tài chính Transatlantic Holdings.
Dù đã không còn ở cạnh ông Obama nhưng Love luôn nhớ về quãng thời gian quý giá này. Anh được hưởng thụ một nền giáo dục đặc biệt: giáo dục kiểu tổng thống. Anh đã học được nhiều điều ở ông Obama: kiên trì, trách nhiệm, đam mê với sự nghiệp cao cả, chín chắn. Anh nói: “Tôi đã học được nhiều điều về cuộc sống từ ông ấy. Tôi đã trải qua phần lớn thời gian trưởng thành khi làm việc cho ông ấy nên việc rời đi là một khó khăn”.