Thiên hà thường được phân thành nhiều loại tùy thuộc vào độ sáng. Các thiên hà hồng ngoại cực sáng thường có độ sáng gấp 1.000 tỷ lần Mặt trời, còn thiên hà hồng ngoại siêu sáng thì gấp 10.000 tỷ lần, theo Daily Mail.
Tuy nhiên, 8 thiên hà trên lại sáng gấp 100.000 tỷ lần Mặt trời, vượt quá giới hạn phân loại của thiên hà cực sáng và siêu sáng. Từng giờ, chúng liên tục tạo ra các ngôi sao mới với nguồn năng lượng khổng lồ.
Dãy thiên hà Milky Way chứa hệ mặt trời. Ảnh: NASA |
Trong khi đó, dãy thiên hà Milky Way chứa hệ mặt trời chỉ tạo ra vài ngôi sao mỗi năm. Phát hiện mới giúp giới khoa học thiên văn có thể hiểu hơn về hoạt động của vũ trụ lúc sơ khai.
“Chúng tôi tạm gọi chúng là loại thiên hà sáng khủng khiếp vì vẫn chưa có thuật ngữ khoa học để gọi tên”, Kevin Harrington, một thành viên của nhóm nghiên cứu, cho biết.
Các lý thuyết hiện tại không cho thấy một thiên hà như vậy có thể tồn tại. Chúng quá lớn, quá sáng và chưa từng được phát hiện trước đây, giáo sư Min Yun, người dẫn đầu nhóm nghiên cứu của Harrington, cho biết.
Nhóm ước tính tuổi của các thiên hà là khoảng 10 tỷ năm, tức hình thành khoảng 4 tỷ năm sau vụ nổ Big Bang. Nghiên cứu chúng giúp các nhà khoa học hiểu rõ hơn quá trình tích tụ vật chất và khai sinh ra thiên hà. Quá trình này được cho là phức tạp hơn những gì mà giới khoa học vẫn nghĩ.
Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu cho rằng độ sáng của thiên hà mạnh như vậy có thể do chịu tác động của hiện tượng thấu kính hấp dẫn. Đây là hiện tượng xảy ra khi ánh sáng của một thiên thể đi xuyên qua vùng có lực hấp dẫn của một vật thể lớn hơn.
Lực hấp dẫn làm lệch hướng ánh sáng, khiến ánh sáng có thể bị phân chia hay hội tụ. Do đó, độ sáng khi đến trái đất có thể mạnh hơn. Hiện tượng này từng được nhắc đến trong thuyết tương đối rộng của Albert Einstein.