Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Siêu thị ở Hà Nội lo chuẩn bị hàng Tết trước 3 tháng

Nhiều doanh nghiệp bán lẻ tại Hà Nội chuẩn bị lượng hàng hóa phục vụ nhu cầu người dân dịp Tết Nguyên đán bằng với năm trước, cũng có siêu thị tăng cường gấp đôi.

Các doanh nghiệp bán lẻ tại Hà Nội đang gấp rút chuẩn bị hàng hóa phục vụ nhu cầu người dân dịp Tết. Giám đốc phụ trách siêu thị Co.opmart Hà Đông Nguyễn Thị Kim Dung thông tin doanh nghiệp lên kế hoạch phối hợp các đơn vị sản xuất, nhà cung cấp tăng cường lượng hàng thiết yếu lên gấp đôi.

Đơn vị cũng tăng cường tần suất kiểm soát chất lượng hàng hóa lên thêm từ 5 đến 10 lần so với các tháng trong năm, nhất là nhóm hàng thực phẩm Tết để bảo đảm chất lượng sản phẩm.

Theo Phó tổng giám đốc thường trực Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) Đỗ Tuệ Tâm, Hapro đã xây dựng kế hoạch phục vụ Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Nhâm Dần với giá trị hàng hóa tương đương Tết Nguyên đán 2021.

Ngoài nhóm mặt hàng đăng ký theo chương trình bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu của TP, doanh nghiệp chuẩn bị các sản phẩm thực phẩm đã qua chế biến và các loại đặc sản vùng miền. Đơn vị này cũng sẽ đẩy mạnh hoạt động bán hàng online thông qua thương mại điện tử.

Sieu thi lo chuan bi hang Tet anh 1

Sở Công Thương Hà Nội cam kết không để xảy ra tình trạng khan hàng, sốt giá dịp Tết Nhâm Dần 2022. Ảnh: Quỳnh Danh.

Đại diện phía siêu thị Big C thì cho biết lượng dự trữ hàng hóa phục vụ nhu cầu Tết Nhâm Dần của doanh nghiệp dự kiến tăng 5-7% so với kế hoạch Tết 2021, trong đó, tập trung vào nguồn hàng trong nước, đặc biệt chú trọng đến các mặt hàng truyền thống.

Thông tin về kế hoạch chuẩn bị hàng hóa trong dịp Tết Nguyên đán 2022, quyền Giám đốc phụ trách Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết Sở đang đẩy mạnh phối hợp với các địa phương như Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình… đưa nguồn hàng các tỉnh, thành phố về Hà Nội tiêu thụ.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp trên địa bàn tăng cường dự trữ các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu gồm gạo, thịt bò, thịt lợn, gia cầm, thực phẩm chế biến, rau củ, trái cây tươi; các mặt hàng có nhu cầu cao trong dịp Tết gồm nông, lâm, sản khô, bánh, mứt, kẹo, rượu bia, nước giải khát; mặt hàng hoa tươi, may mặc, điện máy.

Để bảo đảm không thiếu hàng, Sở Công Thương yêu cầu các doanh nghiệp chuẩn bị phương án bảo đảm hàng hóa, sẵn sàng ứng phó với dịch Covid-19.

“Trong trường hợp cần thiết, khi xảy ra dịch bệnh trên địa bàn, có thể sử dụng 2.500 địa điểm tại các quận, huyện sẵn sàng bố trí làm kho và điểm bán hàng lưu động; các điểm trung chuyển hàng hóa đã dự kiến; chuyển các địa điểm bán các mặt hàng không thiết yếu (siêu thị, cửa hàng, nhà hàng) sang bán hàng hóa thiết yếu…”, bà Lan nói.

Kinh tế Hà Nội dần phục hồi sau giãn cách

Tháng 10, các chỉ số thương mại, dịch vụ của Hà Nội tăng mạnh khi TP tập trung chuyển trạng thái từ “Zero Covid” sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh.

Văn Hưng

Bạn có thể quan tâm