Siêu thị, ngân hàng từ bỏ quyền tăng giá để giữ khách
Chuẩn bị tết Âm lịch, trong khi một loạt các loại phí đã và sắp áp dụng, một loạt hàng hóa tăng giá thì một loạt siêu thị cam kết sẽ giữ giá, hay một số nhà băng cũng cam kết không thu phí ATM…
Từ chối tăng giá là điều hiếm có ở các doanh nghiệp nhưng đây là các tốt nhất để giữ khách thời khốn khó.
Đã có nhiều hệ thống siêu thị lớn cam kết không tăng giá. Nhiều siêu thị cho biết, không những không tăng giá mà còn củng cố lượng hàng bình ổn. Một số mặt hàng thiết yếu khác được đơn vị này chủ động tham gia giữ giá rẻ hơn so với thị trường tối thiểu 10%. Năm vừa rồi, các siêu thị chứng kiến sức mua sụt giảm khá mạnh, với quý sau thấp hơn quý trước nên chẳng ai dại tăng giá để đuổi khách đi.
Như vậy, đây là lần thứ 2 trong khoảng nửa năm lại đây, các siêu thị bán lẻ cam kết không tăng giá. Còn nhớ, khoảng tháng 10/2012, khi giá gas, giá xăng tăng liên tục.. mặc dù bị hối thúc bởi các nhà cung cấp nhưng một loạt siêu thị đã đưa ra lời từ chối tăng giá cho 4 nhóm hàng: thực phẩm chế biến, thực phẩm công nghệ, hoá mỹ phẩm và hàng gia dụng
Tất nhiên, lý do từ chối với đề nghị tăng giá này cũng mỗi đơn vị một kiểu, mỗi nhà một cách. Ví như, vẫn còn một trữ lượng lớn các mặt hàng thiết yếu, nếu tăng giá mà không hợp lý thì đương nhiên sẽ không được chấp nhận. Đồng thời, hệ thống siêu thị này sẽ thuyết phục nhà cung cấp có chính sách cùng chia sẻ với người tiêu dùng, song song đó áp dụng tăng giá theo lộ trình.
Ảnh minh họa. |
Tuy nhiên, dẫu lý do 2 đợt “từ chối” này có khác nhau nhưng nhìn chung đều gặp nhau ở một điểm: vấn nạn tồn kho đang lớn, kinh doanh lại ở buổi khó khăn, tăng giá không chỉ khó bán hàng, mà không khéo sẽ kéo cả người mua, người bán vào ngõ cụt. Bởi vốn là những người gần gũi với đời sống thực tế của người tiêu dùng, những nhà bán lẻ quá hiểu đời sống khó khăn và sức mua đã kiệt quệ như thế nào.
Trong bối cảnh nan giải này, nếu cứ mù quáng tăng giá thì biết đâu sẽ "già néo đứt dây", người tiêu dùng có thể quay lưng, thậm chí tẩy chay hệ thống siêu thị. Mà xét đến cùng, chính là họ chứ ai khác mới là người nuôi sống hệ thống bán lẻ, thiếu "bầu sữa" này, siêu thị sống ra sao?
Sau sự kiện cho thu phí nội mạng kể từ ngày 1/3, nhiều khách hàng đã phản đối và thậm chí, một số cho biết sẽ “tẩy chay” ATM để tránh mất phí. Trước thực trạng trên, nhiều ngân hàng đã thông báo hoặc cam kết là sẽ miễn phí toàn bộ chi phí giao dịch để hỗ trợ và thu hút thêm khách hàng.
Thậm chí, khách hàng mở mới tài khoản thanh toán sẽ được miễn phí rút tiền tại tất cả ATM của các ngân hàng nội địa trong 6 tháng đầu kể từ ngày đăng ký. Từ tháng thứ 7 trở đi, nếu duy trì số dư trung bình tài khoản tháng trước từ 500.000 đồng trở lên, khách hàng sẽ tiếp tục được miễn phí…
Một số nhà băng có chủ trương sẵn sàng bù lỗ để mở rộng khách hàng. Mọi chi phí tại các giao dịch của khách hàng hiện nay đều do ngân hàng chịu. Bởi theo họ, việc gia tăng giá trị cộng thêm và sự tiện lợi cho khách hàng quan trọng hơn nhiều so với việc ngân hàng tận thu các loại phí.
Việc các nhà băng cam kết không thu phí ATM khiến người hưởng lợi trực tiếp là người sử dụng ATM thì khỏi phải nói khi tạm thời trút được gánh nặng phí chồng phí trong thời buổi gạo châu, củi quế.
Trong khi đó, những ngân hàng cam kết miễn giảm phí ATM cũng thu lại được những lợi nhuận vô hình to lớn khi uy tín thương hiệu của họ được khuyếch trương trong cộng đồng khách hàng vì họ đã không quay lại với quyền lợi của số đông vì những lợi ích riêng của mình. Đó là những giá trị không dễ gì đo đếm được, nhất là trông bối cảnh cạnh tranh gay gắt chưa từng thấy của hệ thống nhà băng thương mại hiện nay.
Vẫn biết, “quyền” được tăng giá, được thu phí là một cám dỗ không dễ chối từ của những người bán hàng, người cung cấp dịch vụ. Nhưng trong bối cảnh nền kinh tế đang ảm đạm, đời sống đa số người lao động đang vô cùng chật vật hiện tại, các nhà bán lẻ, các ngân hàng Việt Nam vì những lợi ích (chung, riêng) đã hơn một lần từ chối “đặc quyền” này để cam kết ủng hộ khách hàng quả là những cam kết thật sự ấm lòng.
Vấn đề còn lại chỉ là: trước những luồng sức ép phải “tăng giá, tăng phí” từ nhiều phía, liệu họ có giữ cam kết của mình. Nhưng cũng xin lưu ý rằng, khách hàng cũng có quyền từ chối và không ai dại gì lạm quyền tăng giá đề bị từ chối.
Theo Vef.vn