Chợ Bà Hoa nằm trên đường Trần Mai Ninh và mở rộng ra một số con đường như Bàu Cát, Võ Thành Trang.
Ngay trong lòng chợ trên tuyến đường Trần Mai Ninh đã xuất hiện 3 siêu thị của các đại gia bán lẻ gồm Bách Hóa Xanh, VinMart+ và Satrafoods. Cách đó vài trăm mét là một cửa hàng thịt của Công ty CP và một cửa hàng Meat Deli vừa khai trương, nằm đối diện nhau.
Siêu thị Bách Hóa Xanh nằm ngay trong lòng chợ Bà Hoa (Tân Bình). Ảnh: Lan Anh. |
Đáng chú ý, đường Bàu Cát và Võ Thành Trang ngay lối vào chợ cũng có sự cạnh tranh của 4 cửa hàng Bách Hóa Xanh và Co.op Food khác.
Tương tự, chợ Bà Chiểu và chợ Văn Thánh (quận Bình Thạnh, TP.HCM) cũng bị bao vây bởi 10 siêu thị lớn, nhỏ của các thương hiệu Co.op Mart, Co.op Food, VinMart+, Satrafoods, Bách Hóa Xanh.
Những thống kê này cho thấy rõ tham vọng cạnh tranh trực tiếp với chợ truyền thống của các đại gia bán lẻ, đặc biệt là VinMart+ và Bách Hóa Xanh với tốc độ mở rộng chuỗi nhanh chóng.
Bên cạnh việc góp mặt tại các khu vực chợ truyền thống, Bách Hóa Xanh còn không ngần ngại quảng cáo về các sản phẩm tươi sống, chất lượng, “giá rẻ hơn chợ” trên loa phát thanh mỗi ngày.
Trước đó, khi khai trương cửa hàng trong khuôn viên chợ Hòa Bình (quận 5, TP.HCM), Bách Hóa Xanh từng tuyên bố tự tin cạnh tranh với mô hình chợ truyền thống và mở rộng mô hình này ra khắp các tỉnh thành trên cả nước.
Chia sẻ với Zing.vn về khả năng cạnh tranh của các chuỗi siêu thị mini, bà Lê Thị Thùy Trang - Giám đốc Tư vấn Bán lẻ của Nielsen Việt Nam, nhận định mô hình này có thể đáp ứng tốt nhu cầu tiện lợi của người dân.
“Người Việt di chuyển chủ yếu bằng xe máy nên mua hàng tại siêu thị mini tiện lợi hơn siêu thị lớn. Còn so với chợ và tạp hóa truyền thống thì mô hình này lại có không gian mua sắm thoải mái và nhiều chương trình khuyến mãi, chăm sóc khách hàng hơn nên đón nhận được sự hưởng ứng của người tiêu dùng”, bà đánh giá.
Đến nay, Bách Hóa Xanh có tổng cộng 776 cửa hàng tại 17 tỉnh, thành phía Nam và miền Trung. Đặc biệt, trong tháng 6, chuỗi này đã ký thành công hơn 70 mặt bằng, đảm bảo vượt mục tiêu số cửa hàng đặt ra từ đầu năm.
Riêng 3 ngày từ 23-26/9, chuỗi này sẽ khai trương thêm 11 siêu thị, nâng tổng số điểm bán trong toàn hệ thống vào cuối quý III lên 787.
VinMart+ của đại gia Vingroup cũng thường xuyên hiện diện, cạnh tranh với các khu chợ truyền thống. Ảnh: Lan Anh. |
Cùng Bách Hóa Xanh len lỏi vào các khu chợ là chuỗi VinMart+ của đại gia Vingroup. Với lựa chọn mở cửa hàng tại các khu dân cư và bên trong nhiều tòa nhà lớn, VinMart+ sở hữu hơn 2.100 cửa hàng tại 60 tỉnh, thành trên toàn quốc, đứng đầu về độ phủ trong các hệ thống bán lẻ hiện nay.
Nửa đầu năm nay, VinMart+ đạt 12.021 tỷ đồng doanh thu bán lẻ tiêu dùng, tăng 71,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận trước thuế đạt 2.053 tỷ đồng, tăng 131% so với nửa đầu năm 2018.
Trong khi đó, Bách Hóa Xanh ghi nhận doanh thu trung bình hơn 1,5 tỷ đồng/cửa hàng/tháng, tăng 70% so với cùng kỳ năm ngoái. Doanh thu thuần toàn chuỗi đạt hơn 4.086 tỷ đồng, chiếm 7,9% doanh thu toàn Công ty Thế Giới Di Động.
Tiếp nối 2 chuỗi này, Satrafoods và Co.op Food cùng một số hệ thống phân phối thịt tươi sống như Vissan, CP… cũng bắt đầu xây dựng cửa hàng tại các khu dân cư đông đúc gần chợ truyền thống.
Tuy nhiên, theo bà Thùy Trang, ở hầu hết khu vực đắc địa đều có sự hiện diện của nhiều thương hiệu bán lẻ khác nhau. Do đó, thách thức không chỉ là mở nhanh và mở đúng, mà doanh nghiệp bán lẻ còn phải chú trọng nâng cao trải nghiệm khách hàng hơn, bà chia sẻ.