Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Siêu thị, cửa hàng Nhật cảnh báo 'cầm nhầm' bằng tiếng Việt

Những bảng cảnh báo bằng tiếng Việt ngày càng xuất hiện nhiều ở Nhật khi gần đây lan truyền một thông báo song ngữ với nội dung hạn chế tình trạng mất trộm ô và giày.

Một bức ảnh với dòng thông báo "Tuyệt đối không được lấy ô và giầy của người khác để dùng" được viết bằng cả tiếng Việt và Nhật vừa được chia sẻ trên mạng xã hội. Theo facebook của Công Nguyễn thì hình ảnh này được ghi lại ở nước Nhật.

Bức ảnh vừa được đăng tải trên mạng xã hội đã nhận được sự quan tâm của cộng đồng mạng. Nhiều thành viên đã bày tỏ quan điểm về việc này. Hầu hết mọi người đều tỏ thái độ bức xúc khi cho rằng, nếu đây đúng là cảnh báo tình trạng "cầm nhầm" ô và giày của người Việt ở Nhật thì quả là điều đáng nói. 

Bức ảnh cảnh báo không được lấy ô và giầy của người khác khiến cộng đồng mạng xôn xao
Bức ảnh cảnh báo không được lấy ô và giầy của người khác khiến cộng đồng mạng xôn xao

Thái độ bức xúc này xuất phát từ thực trạng một số người Việt ở nước ngoài có hành động trộm cắp, làm xấu đi hình ảnh đất nước. Đặc biệt, tình trạng người Việt Nam ăn cắp đồ tại Nhật thời gian gần đây có xu hướng gia tăng.

Trước đó, nhiều siêu thị ở Nhật đã ghi biển nhắc nhở, cảnh báo bằng tiếng Việt.

Tháng 7 vừa qua, trên mạng xã hội cũng đăng tải bức ảnh chụp biển cảnh báo ăn cắp trong một shop thời trang tại Nhật khiến nhiều người Việt xấu hổ. Bức ảnh được chụp tại một cửa hàng thời trang tại Wako-shi, tỉnh Saitama, Nhật Bản. Trên tờ cảnh báo có ghi dòng chữ: “Hệ thống camera giám sát đang hoạt động” bằng tiếng Việt. Cũng theo trang mạng này, trên một xe bus tại Nhật xuất hiện dòng chữ "Yêu cầu mọi người ngồi trên xe bus không được hút thuốc, vứt rác bừa bãi" bằng tiếng Việt. 

Hồi tháng 6/2013, bức ảnh chụp biển cảnh báo hành vi ăn cắp vặt, cụ thể: “Ăn cắp vặt là phạm tội. Nếu ăn cắp vặt thì bị phạt tù dưới 10 năm. Ngay khi phát hiện ăn cắp vặt thì chúng tôi sẽ thông báo cho cảnh sát ngay lập tức. Camera phòng chống tội phạm đang hoạt động. Tăng cường điều tra”, đã được đưa lên mạng.

Nhìn những hình ảnh này, nhiều người thấy xấu hổ về thói ăn cắp và sự vô ý thức của người Việt tại Nhật Bản.
Nhìn những hình ảnh này, nhiều người thấy xấu hổ về sự vô ý thức của người Việt tại Nhật Bản.

Hay câu chuyện về giám đốc một công ty tên tuổi ở TP.HCM, vẫn lấy trộm ô dù trong siêu thị tại Nhật, lan truyền nhanh trên mạng xã hội khiến nhiều người cảm thấy ngượng ngùng. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng đây có thể chỉ là nội quy của một khu nhà trọ gồm nhiều người Việt sinh sống tại Nhật. Bảng thông báo này do chính người Việt viết ra nhằm hạn chế việc cầm nhầm ô, giày của nhau.

Thực tế, tại Nhật Bản, trước khi vào nhà, mọi người đều phải tháo bỏ giày dép. Đó là một thói quen, nét đẹp của văn hoá Nhật Bản xuất phát từ xa xưa. Không chỉ ở nhà riêng, mà khi đến cửa công sở, nhà hàng, khách sạn, mọi người cũng đều phải tháo giày dép, có lúc phải thay hai lần. Vì thế, ở Nhật, mỗi tòa nhà, công sở, nhà riêng đều có giá để giày dép cho khách. Tất nhiên, chuyện đi nhầm giày dép cũng có thể xảy ra.

NBiển cánh báo tại một siêu thị ở Nhật Bản.
Biển cảnh báo tại một siêu thị ở Nhật Bản.

Còn chiếc ô là vật dụng không thể thiếu của mỗi người dân Nhật Bản khi đi ra đường trong những ngày mưa. Vì vậy, mỗi khi trời mưa, ở những nơi đông người đi lại, những ga tàu điện ngầm, người ta có thể nhìn thấy hàng trăm hàng ngàn những chiếc ô đủ màu sắc, kiểu dáng, kích cỡ cùng nhau ngược xuôi lưu thông trên đường.

Do vậy, ở hầu hết các tòa nhà của Nhật đều có giá để ô cho khách, Vào những ngày mưa, những giá này luôn trong tình trạng đầy ắp. Thi thoảng, cũng có những giá để ô có móc khóa, do đôi khi cũng xảy ra tình trạng bí quá mà người ta cầm nhầm hay cố tình ăn cắp ô của nhau.

http://vietnamnet.vn/vn/kinh-te/193238/xon-xao-canh-bao--co-tinh-nham--bang-tieng-viet-o-nhat.html

Theo Hạnh Nguyên/ Vietnamnet

(Znews đặt lại tiêu đề bài viết)

Bạn có thể quan tâm