Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Siêu thị bán chịu

Siêu thị chỉ có những khách hàng đặc biệt là công nhân. Và khi không có sẵn tiền, công nhân được “ghi nợ” chờ ngày lương.

Không chỉ có vậy, giá cả hàng hóa luôn ở mức bằng hoặc thấp hơn giá ở những siêu thị lớn.

Siêu thị hoạt động giờ tan ca

Siêu thị cho công nhân nên giờ hoạt động chủ yếu là trước khi vào ca và khi tan ca. Công nhân tại Công ty TNHH Chang Shin Việt Nam (huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai), Công ty cổ phần Tae Kwang Vina (Khu công nghiệp Biên Hòa 2, TP Biên Hòa, Đồng Nai) có thể bước vào siêu thị ngay trong khuôn viên công ty để mua hàng hóa, thực phẩm. Họ không phải chen chúc để mặc cả và cực nhọc chọn mớ rau, con cá tại những khu chợ chồm hổm, sau giờ làm.

Chiều 16/5, sau giờ tan ca, anh Nguyễn Xuân Phước - công nhân Công ty Chang Shin - chọn mua rau tại siêu thị. Anh Phước cho biết, ngoài chợ rất khó lựa chọn đồ tươi, nếu ra trễ chỉ còn hàng cũ, trong siêu thị thì rau củ, thực phẩm đảm bảo tươi sống, giá cũng rẻ hơn bên ngoài. Tương tự, chị Đào Tiến Minh cho biết, bình thường mua hàng ở tiệm tạp hóa bên ngoài bụi bặm, phải đi nhiều tiệm mới mua được đủ đồ dùng rất mất thời gian, trong khi mua hàng tại siêu thị thoải mái hơn nhiều.

Bà Nguyễn Thị Thắng (52 tuổi, ngụ phường Trảng Dài, TP Biên Hòa, công nhân Công ty Chang Shin) nhận xét: “Mặc dù chỉ là siêu thị mini phục vụ công nhân nhưng siêu thị cung cấp nhiều mặt hàng thực phẩm tươi sống và có nguồn gốc. Sau giờ làm, chúng tôi ghé mua thức ăn rồi về nhà nấu, đảm bảo vệ sinh và an toàn”.

Ông Đặng Tuấn Tú, Chủ tịch công đoàn Công ty Chang Shin, cho biết, công ty đã hỗ trợ hơn 2 tỷ đồng để đưa siêu thị hơn 200 m2 vào hoạt động phục vụ công nhân. “Công ty đã hỗ trợ thêm tiền cho nhân viên công đoàn chỉ để tìm tận gốc nguồn hàng thực phẩm  vừa đảm bảo chất lượng nhưng vừa có giá thấp nhất cho công nhân”, ông Tú nói.

Công nhân mua hàng tại siêu thị Công ty Tae Kwang Vina chiều 16-5.

Công nhân mua hàng tại siêu thị Công ty Tae Kwang Vina chiều 16/5.

Ông Đinh Sỹ Phúc, Chủ tịch công đoàn Công ty Tae Kwang Vina, khẳng định: “Được sự hỗ trợ của ban giám đốc, công đoàn phục vụ công nhân là chính, không vì lợi nhuận, phải tìm cho được nguồn hàng có chất lượng, giá cả tương đối rẻ hơn so với giá bên ngoài”, khi nói về siêu thị trong công ty.

Khách hàng được “ghi nợ”

Siêu thị của Công ty Chang Shin đi vào hoạt động từ năm 2010, còn siêu thị của Công ty Tae Kwang Vina phục vụ công nhân từ năm 2012. Để phục vụ công nhân, công đoàn các công ty này còn hỗ trợ công nhân được “ghi nợ” - mua hàng trước, trừ lương sau. 

Tại Công ty Chang Shin, mỗi người được ghi nợ 600.000-700.000 đồng một tháng, cán bộ quản lý được ghi nợ đến cả triệu đồng. Còn Công ty Tae Kwang Vina cho toàn bộ công nhân mua hàng “ghi nợ” từ 500.000 đến 700.000 đồng mỗi tháng. Một nhân viên siêu thị ở Công ty Tae Kwang Vina cho biết, mỗi tháng, siêu thị nhập hàng với tổng số tiền gần 700 triệu đồng với hơn 150 mặt hàng khác nhau để đáp ứng nhu cầu của công nhân.

Siêu thị ở Công ty Tae Kwang Vina còn nâng cấp chất lượng phục vụ bằng việc cho công nhân đặt hàng qua phiếu để tiết kiệm thời gian. Chị Trương Thị Kim Ngọc (25 tuổi) cho biết: “Mỗi sáng tôi xem đơn hàng (danh mục hàng hóa và giá tiền sản phẩm) tại siêu thị rồi đánh dấu vào món hàng cần. Sau đó đưa đơn hàng đã chọn cho nhân viên siêu thị hoặc bỏ vào các thùng đặt tại nhiều nơi trong công ty.

Nhân viên siêu thị đi gom đơn hàng về chuẩn bị trước, đến giờ tan ca người đặt hàng chỉ việc đến siêu thị kiểm lại hàng, ký tên nhận hàng mang về”. “Như vậy thời gian tối đa cho một lần đi siêu thị chỉ khoảng 5 phút”- chị Ngọc nói. “Lâu lâu siêu thị của công ty bày bán các mặt hàng bình ổn giá như bột ngọt, dầu ăn, đường, mì gói... với giá rẻ giúp công nhân tiết kiệm được chút ít”, chị Bùi Thị Thu Thủy (24 tuổi, công nhân Công ty Chang Shin) cho biết thêm.

Theo ông Đinh Sỹ Phúc, để bảo đảm cuộc sống cho người lao động kể cả khi họ chưa có tiền vì còn phải trang trải nhiều chi phí khác, công đoàn công ty đã đề xuất cho công nhân mua hàng trả chậm. Công ty nhận thấy đề xuất phù hợp nên đã cùng chia sẻ khó khăn của công nhân.

Thật vậy, khi công ty cần hoàn thành đơn hàng, công nhân phải làm thêm giờ về trễ nên khó thể mua thực phẩm nấu ăn. Công nhân còn tiết kiệm thời gian công sức thông qua việc đặt hàng qua phiếu”. “Hỗ trợ người lao động trong cuộc sống thì công ty cũng có lợi nhất định vì người lao động sẽ gắn bó với công ty, nhờ vậy công ty không phải tốn kém thêm chi phí tuyển dụng để tuyển người khi có biến động về nhân sự”, ông Phúc nói thêm.

Những suất ăn được hỗ trợ

Anh Nguyễn Văn Tuấn (27 tuổi), công nhân Công ty Tae Kwang Vina, cho biết công ty có chương trình hỗ trợ bữa ăn sáng với nhiều món, công nhân chỉ phải trả 2.000 đồng một suất. So với bên ngoài, một phần ăn như vậy phải có giá hơn chục ngàn đồng, nhờ vậy công nhân có thể tiết kiệm được khoản tiền không nhỏ.

Còn chị Bùi Thị Thu Thủy cho biết, mỗi sáng Công ty Chang Shin phục vụ đồ ăn cho công nhân với nhiều món khác nhau, giá 7.000-8.000 đồng nhưng công nhân chỉ trả 4.000 đồng một suất, phần còn lại công ty hỗ trợ. Trong khi đó, một suất ăn tương tự bên ngoài có giá 10.000-15.000 đồng nhưng cũng không ngon bằng ở đây. Mỗi ngày đều có món mới nên được công nhân ưa chuộng, đặc biệt là những công nhân ở trọ, vừa tiết kiệm tiền vừa đỡ mất công nấu nướng.

Tương lai của cửa hàng tạp hóa

Tại Việt Nam, bên cạnh siêu thị, cửa hàng tiện lợi, hình thức mua hàng trực tuyến ảnh hưởng rất lớn đến tương lai của các cửa hàng tạp hóa.

http://tuoitre.vn/tin/kinh-te/20150521/sieu-thi-ban-chiu/750027.html

Theo Ngọc Hậu - A Lộc/Tuổi Trẻ

Bạn có thể quan tâm