Hơn một tháng qua, Nguyễn Thị Cẩm Nhung (19 tuổi, sinh viên ĐH Sư phạm TP.HCM) kẹt lại KTX trường do không kịp về quê trước khi dịch bệnh diễn biến phức tạp. Nữ sinh chỉ dựa vào mì gói, đồ ăn sẵn trong những ngày giãn cách xã hội vì không thể nấu ăn tại phòng.
Vì thế, Cẩm Nhung mừng rỡ khi nhận được dòng tin nhắn mời tham gia chương trình "Siêu thị mini 0 đồng". Cô có thể mua sắm lương thực và nhu yếu phẩm từ phiếu mua hàng trị giá 300.000 đồng.
Chương trình "Siêu thị mini 0 đồng" hoạt động từ ngày 13/7 đến ngày 18/7 nhằm hỗ trợ các sinh viên mắc kẹt lại KTX trường ở TP.HCM vì dịch bệnh. |
"Đêm qua, mình thức tới 0h30 để đặt trứng, bánh quy, khẩu trang và nước rửa tay trên trang web của siêu thị 0 đồng. Mình rất cảm kích khi được miễn phí các đồ dùng thiết yếu như vậy", Cẩm Nhung hào hứng nói với Zing.
Cẩm Nhung là một trong khoảng 5.500 sinh viên không kịp về quê, phải ở lại KTX các trường đại học trên địa bàn TP.HCM do dịch bệnh. Nhiều người gặp khó khăn khi mất việc làm thêm, không đủ sinh hoạt phí, không thể nấu ăn trong KTX.
"Khi TP thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16, sinh viên cũng nằm trong đối tượng yếu thế. Với tinh thần 'không ai bị bỏ lại phía sau', BTC lập ra chương trình 'Siêu thị mini 0 đồng' nhằm hỗ trợ mở gian hàng trực tuyến, nơi các bạn có thể mua nhu yếu phẩm mà không mất phí", Phó Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam TP.HCM Nguyễn Đức Nguyên (sinh năm 1992), thành viên BTC, chia sẻ.
Dành riêng cho sinh viên
8h ngày 13/7, khoảng sân trong khuôn viên Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM bỗng trở thành một "siêu thị mini" với những quầy hàng được xếp thẳng thớm. Các kệ đều được lấp đầy bởi nhiều loại mặt hàng: từ lương thực (gạo, dầu, hoa quả...) cho tới đồ dùng cá nhân như nước giặt, dao cạo râu...
Đa số vật phẩm đều có thể sử dụng lâu dài, đáp ứng đầy đủ nhu cầu sinh hoạt của sinh viên. Trước đó, BTC phải thực hiện khảo sát với ban quản lý KTX các trường trên địa bàn TP, nắm bắt nhu cầu thực tế của các bạn trẻ.
Sau khi nhận được đơn đặt hàng, các tình nguyện viên sẽ sắp xếp hàng hóa vào từng túi riêng, tập kết lại và gửi tới KTX trường. |
Chia sẻ với Zing, anh Đức Nguyên cho biết Thành Đoàn và Hội Sinh viên Việt Nam TP.HCM đã làm việc với Đoàn thanh niên, ban quản lý KTX từ các trường đại học trên địa bàn TP để lên danh sách sinh viên đang tạm trú tại KTX trong thời gian giãn cách xã hội.
"Có tầm 5.500 bạn đang kẹt lại KTX trường do không kịp về quê tránh dịch. Do đó, chúng tôi nảy ra ý tưởng mở siêu thị online, rồi tặng phiếu mua hàng cho các bạn. Hình thức trên đảm bảo thực hiện Chỉ thị 16, lại phù hợp với đặc tính am hiểu công nghệ của sinh viên", anh Đức Nguyên nói.
Theo đó, BTC sẽ dựa trên danh sách do Thành Đoàn - Hội Sinh viên Việt Nam ở TP cung cấp để gửi phiếu mua hàng trị giá 300.000 đồng qua tin nhắn SMS cho các bạn sinh viên. Con số 5.500 bạn trẻ sẽ được chia thành 5 đợt mua hàng, tương ứng với 1.100 người từ 1-2 trường đại học mỗi ngày.
"Sau khi nhận được đơn đặt hàng, các tình nguyện viên sẽ tiếp nhận, xếp đồ vào từng túi và tổng hợp lại, giao tới KTX trường. Mỗi ngày, chúng tôi có vài đợt chuyển hàng như vậy nhằm đảm bảo không bỏ sót bất cứ ai, tránh ùn ứ đơn hàng", anh Huỳnh Văn Tẩn (sinh năm 1977), Phó BTC chương trình, trả lời Zing.
Truyền năng lượng tích cực cho người trẻ
Do phải gấp rút hiện thực hóa "Siêu thị mini 0 đồng" trong vòng một tuần, BTC gặp một số áp lực, thách thức về phân bổ nguồn hàng, nhân lực... Anh Đức Nguyên chia sẻ rằng siêu thị có lúc rơi vào tình trạng thiếu nguồn hàng cục bộ.
"Dù vậy, chúng tôi vẫn nỗ lực làm việc với các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nhằm đảm bảo hàng hóa, nhu yếu phẩm cho sinh viên. BTC nỗ lực giao hàng tới tay các bạn trong 1-3 ngày sau khi nhận được đơn đặt hàng", anh nói.
Thu Hạ, sinh viên khoa Y ĐH Nguyễn Tất Thành, chia sẻ đây là trải nghiệm tình nguyện ý nghĩa nhất cô bạn từng tham gia. |
Mỗi ngày, Hội Sinh viên Việt Nam TP.HCM cử 20 tình nguyện viên trực tại gian hàng. Họ là sinh viên đang học tại các trường đại học trên địa bàn thành phố, nhiều bạn không thể về quê vì dịch bệnh và quyết định ở lại góp sức chống dịch.
Từ 7h30, Lê Thu Hạ (19 tuổi, sinh viên khoa Y ĐH Nguyễn Tất Thành) chạy xe từ quận 7 tới quận 3 cho ngày đầu tiên làm công tác tình nguyện ở "Siêu thị mini 0 đồng". Sau khi trang bị đồ bảo hộ gồm khẩu trang, găng tay và kính chắn giọt bắn, cô bạn bắt tay vào sắp xếp hàng hóa lên kệ.
Chia sẻ với Zing, Thu Hạ cho biết mình từng tham gia nhiều hoạt động tình nguyện do Thành Đoàn tổ chức.
"Lúc mình kể với gia đình, mọi người khuyên can nhiều lắm! Nhưng mình là sinh viên Y, việc giúp đỡ người khác trong lúc khó khăn là việc nên làm. Mình cũng lo dịch bệnh, đôi lúc thấy mệt nhưng luôn tự hào về công việc này", nữ sinh hào hứng nói.
Dù sống ở quận Gò Vấp, chị Mai Phương vẫn tham gia công tác tình nguyện từ sáng sớm tới tối muộn với hy vọng lan tỏa năng lượng tích cực tới cộng đồng trong mùa dịch. |
Vốn tham gia chương trình siêu thị trực tiếp từ nhiều tuần qua, Lê Thị Mai Phương (23 tuổi, nhân viên bán hàng) sớm quen với cường độ làm việc hàng ngày. Thay vì tới chỗ làm như thường lệ, chị tới gian hàng từ sớm với tư cách tình nguyện viên.
Mỗi ngày, chị và các tình nguyện viên làm việc từ 8h tới khoảng 18h, nhưng thường sẽ về trễ hơn để kiểm kê, nhập thêm hàng hóa. Phương nói để chuẩn bị cho ngày "khai trương" siêu thị hôm nay, chị nán lại nhà văn hóa tới 22h hôm qua, dù sống ở quận Gò Vấp.
"Nhà mình ở xa, lại phải qua nhiều chốt kiểm dịch nhưng mình không ngại đi sớm hơn chút để tham gia chương trình này. Khó khăn gì mình cũng trải qua rồi, chỉ mong được góp sức lan tỏa năng lượng tích cực tới các bạn sinh viên thôi", chị nói.