20h, chị Phụng (đường Hoàng Diệu, phường 8, quận 4, TP.HCM) vẫn tất bật sơ chế và phân loại thực phẩm. Hơn một tháng qua, gian bếp của chị mỗi ngày đều nấu hàng nghìn suất ăn miễn phí.
Đây là tấm lòng của chị, Tường Nguyên thiền tự cùng nhiều mạnh thường quân khác gửi gắm đến lực lượng y bác sĩ chống dịch, các khu cách ly và những người dân nghèo khó khăn trên thành phố.
Chia ca làm việc, nấu 10.000 suất ăn miễn phí mỗi ngày
Từ 9/7 khi TP.HCM áp dụng giãn cách toàn xã hội theo Chỉ thị 16, chị Phụng vẫn cố gắng để gian bếp đỏ lửa. Chia sẻ với Zing, chị cho biết trước đây gian bếp nấu 6.000-7.000 suất ăn/ngày. Hiện tại, mọi người vẫn nấu tương đương, có ngày còn nhận đăng ký lên 10.000 suất.
Tình nguyện viên tại gian bếp nấu ăn và đi tặng cơm cho người dân tại khu cách ly. |
"Giờ bà con không thể đến xếp hàng nhận cơm được nữa, chúng tôi cắt cử người đi tìm và giao tận tay từng hoàn cảnh khó khăn. Các bệnh viện và khu cách ly vẫn đăng ký suất ăn mỗi ngày. Họ có cán bộ đi xe đến chở bởi chúng tôi không đủ người đi giao", chị Phụng cho biết.
Trước giai đoạn áp dụng Chỉ thị 16, chị Phụng cùng khoảng 30 người khác cùng nhau làm việc. Người nấu cơm, người sơ chế, người chuyển đồ, tất bật cả ngày mới xong.
Những người khó khăn được tặng suất cơm ý nghĩa. |
Tuy nhiên khi quy định phòng dịch tại thành phố siết chặt hơn, nhóm chị Phụng phải chia ca mỗi ngày.
"Chúng tôi áp dụng quy định 5K nên không nhận thêm tình nguyện viên. Mỗi ngày chia ca sáng, trưa, chiều, tối để làm, mỗi ca vài người nhằm đảm bảo giãn cách", chị Phụng nói.
Gian bếp của chị Phụng hoạt động nhờ kinh phí đóng góp từ các thành viên và mạnh thường quân. Chị cho biết dù có khó khăn vẫn sẽ cố gắng để duy trì gian bếp đến khi hết dịch.
"Chúng tôi đuối lắm vì chỉ có ít người. Nhưng chúng tôi sẽ hoạt động cho đến khi nào hết dịch hoặc khi nào người khó khăn, các bác sĩ không cần đến chúng tôi nữa", chị chia sẻ.
"Tôi coi thiện nguyện là cách trả ơn cuộc đời"
Gian bếp của anh Đức Phụ (đường Nguyễn Đức Thuận, phường 13, quận Tân Bình, TP.HCM) cũng vẫn hoạt động đều đặn trong giai đoạn áp dụng Chỉ thị 16.
Những suất ăn được anh Phụ chế biến gửi tặng người khó khăn. |
Chia sẻ với Zing, anh Phụ cho biết mình kinh doanh một nhà hàng nhỏ.
Gần một tháng qua, anh trích doanh thu của nhà hàng và nhận thêm hỗ trợ từ bạn bè thân thiết để nấu cơm cho những hoàn cảnh khó khăn.
Bà con đến mua cơm của anh trả công bằng nụ cười và những lời cảm ơn.
Những ngày qua anh Phụ không thể duy trì hoạt động phát cơm tại nhà hàng do áp dụng quy định giãn cách mới.
Tuy vậy, gian bếp của anh vẫn nổi lửa để nấu khoảng 300 suất ăn/tuần gửi tặng tới các y bác sĩ tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM.
Song song hoạt động trên, vào tối thứ 3-5-7 hàng tuần, anh nấu thêm 250 suất ăn để tặng những người dân nghèo trên thành phố.
"Không thể phát cơm cho bà con tại nhà hàng, tôi và các tình nguyện viên quyết định đi tìm những người vô gia cư, người bán vé số, xe ôm… để tặng cơm. Mỗi suất bao gồm cơm, thức ăn mặn, rau củ, nước chấm, nước uống, khẩu trang và bánh kẹo. Tôi muốn chú trọng đến chất lượng hơn số lượng. Các phần cơm được chế biến, đóng gói chỉn chu sạch sẽ trước khi trao tận tay mọi người.
Tôi quan niệm thiện nguyện là cách để trả ơn cuộc đời, không mưu cầu gì hơn", anh Phụ chia sẻ.
Người dân nở nụ cười khi nhận được món quà từ anh Phụ. |
Sự chung tay để những gian bếp tiếp tục đỏ lửa
Gian bếp thiện nguyện của chị Phụng, anh Phụ hay các mạnh thường quân khác khắp TP.HCM đã nhận được sự tin tưởng từ rất nhiều cá nhân, tổ chức.
Anh Siêu Hạnh, nhà sáng lập tổ chức cộng đồng Joy Foundation, đã cùng các thành viên kêu gọi sự ủng hộ từ cộng đồng để những gian bếp tiếp tục đỏ lửa dù trong bối cảnh áp dụng Chỉ thị 16.
Cộng tác viên của Joy Foundation tặng thực phẩm đến những hoàn cảnh khó khăn. |
Anh Hạnh chia sẻ với Zing: "Sau vài ngày kêu gọi, chúng tôi đã nhận về gần 10 tấn gạo cùng nhiều tấn rau củ quả. Chúng tôi trao đổi với các bếp để nắm được nhu cầu, sau đó phân bổ số lượng lương thực cho phù hợp. Đến ngày 11/7, chúng tôi đã gửi khoảng 4 tấn gạo đi các bếp".
Anh Hạnh cũng chia sẻ thêm hoạt động kêu gọi ủng hộ của Joy Foundation mới chỉ hoạt động được một số ngày.
Anh mong muốn có thể kéo dài hoạt động để hỗ trợ được nhiều bếp ăn hơn, giúp đỡ được nhiều người khó khăn trên thành phố.
Hiện tại, Joy Foundation đã đăng ký hỗ trợ tại một số gian bếp thiện nguyện như bếp chị Phụng (đường Hoàng Diệu, phường 8, quận 4), bếp anh Phụ (đường Nguyễn Đức Thuận, phường 13, quận Tân Bình), bếp chị Vy (đường Lê Hoàng Phái, phường 17, quận Gò Vấp), bếp anh Trung (đường 3/2, phường 14, quận 10), bếp chị Phương (đường Hồ Biểu Chánh, phường 11, quận Phú Nhuận)...
Tối 10/7, UBND TP.HCM gửi công văn khẩn, giao Sở Công Thương yêu cầu các hệ thống siêu thị, siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng chuyên doanh thực phẩm thiết yếu tăng lượng hàng cung ứng thực phẩm chế biến sẵn, đảm bảo hàng hóa đầy đủ trên các quầy, kệ với chủng loại đa dạng và vệ sinh an toàn thực phẩm.
UBND các phường, xã, thị trấn chủ động nắm bắt các khó khăn của người dân, nhất là các hộ gia đình không thể tự nấu ăn để có giải pháp.
Bên cạnh đó, hỗ trợ cung cấp hàng hóa, nhu yếu phẩm, lương thực, thực phẩm thiết yếu bằng các hình thức phù hợp như tổ chức lực lượng tình nguyện viên "đi chợ thay", trực tiếp đặt hàng qua điện thoại tình nguyện viên và giao trực tiếp đến người dân.
Đối với người già neo đơn, người bệnh và các đối tượng khác, địa phương có thể chủ động cung cấp các suất ăn miễn phí.