Năm 2017, Hải quân Mỹ có 4 vụ tai nạn, trong đó có 2 vụ nghiêm trọng khiến 17 thủy thủ thiệt mạng. Các sự cố liên tiếp khiến nhiều người đặt câu hỏi về năng lực vận hành của lực lượng hải quân được đánh giá số 1 thế giới.
Tuy nhiên, đây chưa phải là tai nạn nghiêm trọng nhất đối với Hải quân Mỹ. Những năm 1960, Hải quân Mỹ gặp phải hàng loạt tai nạn nghiêm trọng. Giai đoạn 1966-1969, hơn 200 thủy thủ Mỹ thiệt mạng trong các vụ tai nạn. Đặc biệt, sự cố nghiêm trọng trên tàu sân bay USS Enterprise vào năm 1969 khiến tàu sân bay hạt nhân đầu tiên của thế giới suýt chìm.
Bật máy sưởi sát bên vũ khí
Theo National Interest, đầu năm 1969, tàu sân bay USS Enterprise (CVN-65), hàng không mẫu hạm chạy bằng năng lượng hạt nhân đầu tiên của thế giới rời Trân Châu Cảng để tiến hành tập trận. CVN-65 được hộ tống bởi tàu khu trục USS Rogers (DD-876) và tuần dương hạm USS Bainbridge (CGN-25). Nhóm tác chiến tàu sân bay Enterprise đang tiến hành một cuộc tập trận.
Tàu sân bay Enterprise bốc cháy dữ dội sau vụ nổ. Ảnh: Hải quân Mỹ. |
6h45 ngày 14/1/1969, tàu sân bay Enterprise bắt đầu cho máy bay cất cánh làm nhiệm vụ huấn luyện. Khoảng 8h15, 15 máy bay, gồm F-4 Phantom, A-6 Intruder, A-7 Corsair II và máy bay cảnh báo sớm trên không E-2 tập trung trên boong chuẩn bị cất cánh. Những chiếc Phantom được lắp 6 quả bom Mk82 nặng 225 kg và 2 cụm phóng rocket LAU-10, mỗi cụm chứa 5 tên lửa Zuni.
Như thường lệ, thiết bị sưởi ấm di động MD-3A dùng để duy trì nhiệt độ được đặt bên phải chiếc máy bay chuẩn bị cất cánh. Một số thủy thủ nhận thấy rằng ống khói của máy sưởi xả vào những quả bom treo trên chiếc Phantom ở khoảng cách chỉ hơn 0,5 m. Ở cự ly gần như vậy, nhiệt độ có thể lên đến hơn 160 độ C.
Thủy thủ đoàn không được đào tạo về giới hạn nhiệt độ nguy hiểm có thể khiến vũ khí phát nổ. Một số thủy thủ đã đề cập mối quan ngại với chỉ huy và những người khác gần đó. Tuy nhiên, họ đang bận rộn với việc điều khiển các máy bay cất cánh hoặc họ không thể nghe thấy lời cảnh báo vì tiếng ồn của động cơ phản lực quá lớn.
Vào lúc 8h18, khí nóng từ động cơ của máy sưởi kích nổ đầu đạn nặng 6,8 kg trên tên lửa Zuni. Vụ nổ đầu tiên khiến thùng nhiên liệu trên chiếc Phantom bị vỡ tràn xuống mặt boong kéo theo vụ nổ dây chuyền kinh hoàng. Tổng cộng 8 vụ nổ lớn đã xảy khiến phần đuôi tàu bị hư hại nghiêm trọng.
Phản ứng tuyệt vời của thủy thủ đoàn
Tình hình trên tàu sân bay USS Enterprise lúc đó cực kỳ nguy hiểm. Nếu thủy thủ đoàn không cô lập được đám cháy, lửa có thể lan sang khu vực khác, đặc biệt là kho vũ khí có thể nhấn chìm tàu. Các vụ nổ liên tiếp khiến hệ thống tạo bọt chữa cháy bị hỏng. Tuy vậy, thủy thủ đoàn vẫn nỗ lực hết mình, tận dụng tất cả những gì có thể để dập lửa.
Tàu khu trục USS Rogers bất chấp nguy hiểm cập sát mạn tàu Enterprise để hỗ trợ chữa cháy. Ảnh: Hải quân Mỹ. |
“Mọi người đều bị đánh thức bởi vụ nổ, các mảnh vỡ văng tung tóe khắp nơi. Một số người bị cuộn trong lửa, người bị thương cố di chuyển ra khỏi đám cháy, người chết nằm la liệt khắp nơi”, thủy thủ Michael Carlin nhớ lại trong cuốn hồi ký của ông.
Thuyền trưởng Kent Liston Lee nhanh chóng ra lệnh cho tàu chạy ngược hướng gió để thổi khói từ đám cháy ở đuôi tàu về phía sau. Các thủy thủ bất chấp nguy hiểm chạy tới gần đám cháy lăn những quả bom trên boong xuống biển trước khi chúng bắt lửa.
Tàu khu trục USS Rogers (DD-876) cập sát mạn tàu Enterprise để hỗ trợ chữa cháy, dù việc làm này rất nguy hiểm cho tàu nếu vũ khí trên Enterprise tiếp tục phát nổ. Những nỗ lực hết mình của thủy thủ đoàn đã được đền đáp, quả cầu lửa khổng lồ bị dập tắt sau 4 giờ đồng hồ.
Vụ nổ khiến 28 thủy thủ thiệt mạng, 314 người bị thương, 15 máy bay bị phá hủy. Ngày hôm sau, Enterprise về đến Trân Châu Cảng. Mặc dù vụ nổ gây thiệt hại nghiêm trọng, quá trình sửa chữa chỉ mất 51 ngày. Hải quân Mỹ phải chi 126 triệu USD (tương đương 886 triệu USD theo tỷ giá năm 2017) để khắc phục hậu quả.
USS Enterprise trở lại cảng nhà ở Alameda, California vào tháng 7/1969. Tàu sân bay hạt nhân đầu tiên của thế giới tiếp tục phục vụ thêm 43 năm nữa trước khi ngưng hoạt động vào năm 2012.