'Siêu tàu ngầm' Mỹ 50 năm không cần tiếp nhiên liệu
Hải quân Mỹ đang đặt hy vọng vào dòng tàu ngầm chiến lược mới có khả năng lặn tàng hình suốt 50 năm mà không cần tiếp nhiên liệu.
Tàu ngầm chiến lược lớp Ohio của Mỹ sắp bị thay thế. Ảnh: US Navy. |
Theo thông tin mới được tiết lộ liên quan đến dự án tàu ngầm bí mật của Mỹ, mục tiêu của kế hoạch này là đóng một lớp tàu ngầm mới để thay thế lớp tàu ngầm chiến lược Ohio được trang bị tên lửa đạn đạo hiện nay.
NBC News dẫn tài liệu từ Viện Hải quân Mỹ cho hay, lớp tàu mới được tạm đặt tên là “thay thế Ohio” (Ohio replacement-OR) với các tính năng ưu việt về năng lượng và giảm thiểu tiếng ồn.
Theo đó, Hải quân Mỹ đang nhắm đến thế hệ tàu ngầm kế tiếp có khả năng tàng hình tuyệt đối, hầu như không gây ra tiếng động và trên lý thuyết có thể tuần tra liên tục trên các vùng biển trong cả nửa thế kỷ.
Các chuyên gia của Viện Hải quân Mỹ cho hay, giảm thiểu tiếng ồn và tăng độ tàng hình luôn là “ca khó” của các hạm đội tàu ngầm. Đơn cử như tàu ngầm chiến lược mang tên lửa đạn đạo lớp Tấn (Jin-Class) của Trung Quốc.
Tờ The Diplomat dẫn lời nhà nghiên cứu Tetsuo Kotani cho rằng, việc tàu lớp Tấn không đủ kín đáo, dễ trở thành “con mồi” cho lực lượng đối phương.
Đây cũng là một trong những lý do khiến Trung Quốc muốn độc chiếm Biển Đông để ngăn chặn tàu chiến các nước vào vùng biển này và tạo không gian cho tàu ngầm lớp Tấn hoạt động.
Do đó, với lớp OR, Hải quân Mỹ đang nỗ lực tìm cách sử dụng bộ truyền động điện tử mới để giảm tiếng ồn đến tối thiểu, quan chức cấp cao của Hải quân Sean Stackley cho NBC News hay.
Theo ông Stackley, bộ truyền động điện tử đang được nghiên cứu có thể thay thế cấu trúc kết nối hiện nay giữa các tua bin chạy bằng năng lượng hạt nhân và chân vịt, giúp tàu chạy êm đến mức “gần như tàng hình hoàn toàn”.
Lầu Năm Góc từng thử nghiệm bộ truyền động điện tử từ những năm 1960 nhưng lúc đó công nghệ chưa phù hợp, dẫn đến tốc độ quá chậm và cần phải bảo dưỡng thường xuyên. Tuy nhiên, mọi thứ đã khác sau vài thập niên hiện đại hóa công nghệ.
Thiết kế mới cũng giúp tiết kiệm từ 75-80% năng lượng trong việc di chuyển tàu so với trước đây để tận dụng cho các hệ thống khác. Tàu lớp OR cũng sẽ được bao phủ bởi các lớp chống tiếng vang, nhằm giảm khả năng bị phát hiện bởi thiết bị định vị siêu âm.
50 năm vẫn chạy tốt
Bên cạnh đó, theo NBC News, chương trình OR còn nhắm đến một lò phản ứng hạt nhân được thiết kế mới, chạy được hết tuổi thọ của tàu ngầm. “Điều đó quan trọng vì nó loại bỏ được tình trạng phải tiếp liệu giữa kỳ như trường hợp của tàu lớp Ohio hiện nay”, ông Stackley cho hay.
Các tàu ngầm chiến lược của Mỹ hiện cần phải đại tu toàn bộ và tiếp liệu định kỳ, và mỗi lần như vậy mất đứt 3 năm nằm trên bờ. Do đó, Hải quân Mỹ phải duy trì 14 tàu lớp Ohio, mỗi tàu được trang bị 24 tên lửa liên lục địa Trident II D5.
Từ việc phân tích bản thiết kế mới, các chuyên gia của Viện Hải quân Mỹ cho rằng, tàu lớp OR vẫn cần phải kiểm tra và nâng cấp định kỳ nhưng thời gian nằm bờ sẽ được rút ngắn đáng kể và hầu như không cần phải tiếp nhiên liệu.
Nhờ đó, Hải quân Mỹ chỉ cần duy trì một lực lượng gồm 12 tàu có thể gần như “vô hình” lượn lờ dưới đáy đại dương trong hàng chục năm, giảm mạnh chi phí bảo dưỡng cũng như phát triển tàu ngầm, theo ông Stackley.
Cũng như các lực lượng khác, hải quân Mỹ đang đối mặt với áp lực cắt giảm ngân sách và tàu ngầm mới bị giới hạn ở mức 4,9 tỷ USD/chiếc, giảm mạnh từ con số đề nghị trước đó là 6 hoặc 7 tỷ USD.
Kế hoạch hiện tại yêu cầu phải bắt đầu chế tàu ngầm OR thế hệ mới vào năm 2021, và tàu đầu tiên sẽ được triển khai vào năm 2031. Và sau đó, có thể chúng ta sẽ “chẳng bao giờ biết đến tăm tích của chúng nữa”, theo bình luận của NBC News.
Theo Thanh Niên