Tàu Margiris nặng 6.200 tấn đăng ký tại Litva đã bị kiểm tra hôm 2/10 và kết luận vẫn hoạt động hợp pháp theo luật pháp châu Âu.
Tuy nhiên, các nhà môi trường học lo ngại nó có thể đe dọa loài cá heo mõm ngắn và cá ngừ vây xanh.
"Nhà máy đánh cá khổng lồ" chuyên bắt cá thu nhưng lấn sân khu cá vược
Con tàu, được mô tả là “một nhà máy đánh cá khổng lồ” có thể đánh bắt và xử lý 250 tấn cá mỗi ngày, hiện là mục tiêu của một loạt các chiến dịch phản đối khiến nó đã bị cấm hoạt động trên vùng biển Australia vào năm 2013.
Vào 4/10, con tàu được xác định ở vị trí 22,5 km ngoài khơi bờ biển Sussex sau khi dành một tuần đánh bắt cá trong vùng biển của Anh.
"Nhà máy đánh cá khổng lồ" lớn thứ hai thế giới, FV Margiris của Litva, đã được phát hiện ở ngoài khơi bờ biển phía Nam nước Anh. Ảnh: PA. |
Dù con tàu đánh bắt cá thu để bán sang châu Phi, thông tin ghi nhận được cho thấy nó đang hoạt động trong vùng nước cá vược sinh sản. Cá vược là loài cá đang bị đánh bắt quá mức hiện nay.
Con tàu dài 140 m với hệ thống lưới đánh cá dài gần 600 m và rộng 200 m, khiến cho hầu hết tàu đánh cá của Anh, đứng cạnh nó, trông như những “chú lùn”.
Theo chính sách đánh bắt thủy sản chung do Ủy ban châu Âu đề ra, mỗi quốc gia trong Liên minh châu Âu (EU) được cấp một hạn ngạch về lượng cá được phép đánh bắt ở vùng biển châu Âu. Các nước sau đó phân chia hạn ngạch này giữa các tàu, quy định cả kích cỡ cá được phép đánh bắt bằng văn bản và thực tế kiểm tra.
Người phát ngôn của Tổ chức Quản lý Hàng hải, cơ quan chính phủ giám sát việc thực thi các quy định đánh bắt cá ở vùng biển Anh, cho biết họ đã kiểm tra tàu vào hôm 2/10 và kết luận không vi phạm quy định đánh bắt cá nào.
"Siêu tàu cá" Margiris đang đánh bắt trên Kênh English ngoài khơi Brighton. Ảnh: SAF/Suleyman/Greenpeace. |
Margiris, vốn nằm trong "đội tàu đông lạnh" thuộc sở hữu của Công ty Parlevliet & Van der Plas, Hà Lan, với 6.000 nhân viên và có văn phòng trên toàn thế giới.
Một phát ngôn viên của công ty cho biết họ đã hoàn toàn tuân thủ pháp luật tại vùng biển châu Âu, đồng thời phủ nhận việc các kỹ thuật đánh bắt của họ đe dọa một số loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng, và việc con tàu đã đánh bắt trong khu vực này tới 30 năm.
Ông nói thêm: “Chúng tôi sẽ đánh bắt cho đến khi Brexit hoàn thành, Chúa mới biết đó là khi nào. Nhưng chúng tôi luôn tôn trọng luật pháp”.
Trong trường hợp Anh rời Liên minh châu Âu, nước này sẽ toàn quyền kiểm soát việc đánh bắt cá trong vùng biển của mình.
Một nguồn tin chính phủ Anh nhấn mạnh: “Vào ngày 31/10, chúng tôi sẽ trở thành một quốc gia ven biển độc lập. Điều này có nghĩa là lần đầu tiên sau hơn 40 năm, chúng tôi sẽ có thể quyết định ai và với điều kiện nào, mới được phép đánh bắt cá trong vùng biển của mình”.
Các quy định mới sẽ áp dụng trong phạm vi 200 hải lý ngoài khơi bờ biển Anh hoặc kéo dài tới đường trung tuyến giữa bờ biển của nước Anh với các quốc gia láng giềng. “Bất kỳ trường hợp nào tiếp cận đến vùng biển của Vương quốc Anh sẽ cần phải đàm phán”, nguồn tin cho biết thêm.
Xua đuổi cá sòng gió và cá mòi để bắt cá heo mõm ngắn
Những người biểu tình Greenpeace nói rằng họ đã đấu tranh phản đối Margiris, con tàu trước đây được gọi là Abel Tasman, ở Tây Phi vào tháng 3/2012 và ở Hà Lan và Australia vào năm 2013. Hồ sơ xin cấp phép đánh bắt trong vùng biển Australia của tàu này đã bị từ chối.
"Siêu tàu cá" Margiris đang đánh bắt trên Kênh English ngoài khơi Brighton. Ảnh: SAF/Suleyman/Greenpeace. |
“Những siêu ‘tàu đánh cá’ đang khai thác quá mức đại dương của chúng ta, làm suy giảm nguồn thủy sản, tàn phá hệ sinh thái biển và hủy hoại sinh kế của ngư dân đánh bắt ven bờ, những người đánh bắt cá lâu dài và là trụ cột của nhiều cộng đồng người sinh sống ven biển”, Chris Thorne, một nhà hoạt động vì đại dương tại Greenpeace, nói.
Người phát ngôn của Hiệp hội Hành tinh xanh cho biết các tàu đánh cá siêu lớn có sức chứa tương đương với hàng chục tàu cá quy mô nhỏ.
"Các tàu đánh cá nhỏ của địa phương phải quay trở lại cảng để giảm tải cá trước khi chế biến”, người phát ngôn này chỉ rõ.
"Chúng tôi nghĩ rằng Margiris đang nhắm tới đuổi hết cá sòng gió và cá mòi ra khỏi vùng biển Sussex để dễ dàng tiếp cận đánh bắt các loài đang bị đe dọa, gồm cá heo mõm ngắn, cá ngừ vây xanh và cá vược".
Theo Telegraph, giới chức Ủy ban châu Âu khẳng định cơ quan này đã nhận thức được sự quan tâm của các tổ chức phi chính phủ liên quan đến hoạt động của các tàu đánh cá lớn.
“Tất cả các tàu hoạt động trong vùng biển EU dù lớn hay nhỏ đều phải tuân thủ các quy định và điều này được kiểm tra, kiểm soát nghiêm ngặt bởi chính các quốc gia thành viên. Điều tiên quyết là tất cả các tàu đăng ký trong Liên minh châu Âu đều tuân thủ luật pháp hiện hành”, quan chức Ủy ban châu Âu nói.
Người này cũng cho biết thêm rằng ủy ban yêu cầu có các “chứng cứ cụ thể” liên quan đến bất kỳ nghi ngờ nào về việc tàu vi phạm các quy định liên quan đến đánh bắt cá.