Trong định kiến của nhiều CĐV, siêu cúp Anh là một trận đấu “chỉ quan trọng hơn một trận giao hữu nhưng chưa tới tầm một trận đấu chính thức” (theo miêu tả của The Telegraph).
Thật ra những trận siêu cúp đối với một vài nền bóng đá phát triển cũng chỉ được coi là thời cơ kiếm tiền và quảng bá. Chuyện thắng thua vốn không bị đặt quá nặng.
Ví dụ người Ý đã mang trận siêu cúp đi “xuất khẩu” từ năm 2009, khi Inter và Lazio kéo nhau sang Bắc Kinh đá siêu cúp. Siêu cúp Pháp cũng đã thi đấu ở nước ngoài rất nhiều năm. Serie A và Ligue 1 buộc phải làm vậy do sức hút của những trận siêu cúp không còn đủ để kéo người hâm mộ tới sân.
Dù có sự góp mặt của Neymar thì trận tranh siêu cúp Pháp vẫn bị CĐV "ngó lơ". |
Siêu cúp Anh cũng vậy. Năm 1997, ban tổ chức trận tranh Community Shield còn in sai tên David Beckham (thành Beckam). Năm 2014, trận tranh siêu cúp giữa Arsenal và Man City còn thừa tới… 18.477 ghế trống.
Nhưng khôi hài nhất phải nhắc tới năm 1972. Man City gặp Aston Villa trong trận tranh siêu cúp Anh dù Man xanh chỉ xếp ở vị trí… thứ 4 mùa trước còn Villa là nhà vô địch giải hạng 3. Lẽ ra trận tranh siêu cúp năm đó phải là cuộc chạm trán giữa Derby (nhà vô địch giải hạng nhất) và Leeds (vô địch FA Cup).
Hơn thế nữa, vô địch Siêu cúp Anh những năm gần đây chẳng đại diện cho cơ hội hay tiềm năng của một đội bóng. Bởi thực tế chứng minh, kể từ năm 2011 đến nay, toàn bộ các đội bóng lên ngôi tại Community Shield sau đó đều không vô địch Premier League.
Liệu một trận đấu gắn liền với lịch sử nghèo nàn như vậy có gì đáng chờ đợi?
Trong bài phát biểu trước thềm trận đấu với Chelsea, HLV trưởng Chelsea, Maurizio Sarri nhấn mạnh: “Chúng tôi PHẢI thắng”. Sarri đã lên giọng ở chữ “phải thắng” để chứng minh quyết tâm rất lớn của mình.
Bên kia chiến tuyến, Pep Guardiola dù không đao to búa lớn như người đồng nghiệp, nhưng có lý do tin rằng ông không muốn thua. Bất chấp lịch sử chứng minh siêu cúp Anh hiếm khi nào được coi trọng, trận tranh Community Shield năm nay sẽ là một ngoại lệ.
Không khó lý giải cho quyết tâm của Sarri. 28 năm làm nghề huấn luyện, vị thuyền trưởng người Italy này chưa bao giờ được chạm tay vào một danh hiệu nào. Nếu Chelsea chiến thắng, siêu cúp Anh sẽ trở thành chiếc cúp đầu tiên trong đời của Sarri. Đón danh hiệu đầu tiên ở tuổi 59, người đàn ông này thật sự đang vô cùng háo hức.
Ở bên kia chiến tuyến, Pep Guardiola cho dù đã quá thừa thãi danh hiệu và siêu cúp Anh giống như một hạt cát trong bộ sưu tập toàn những chức vô địch quốc gia, cũng như Champions League của ông. Pep không cần Community Shield. Ông chỉ đơn giản là không muốn thua Sarri, không muốn Man City mất đi cái uy trước thềm mùa bóng mới.
Cả Guardiola và Sarri đều rất quyết tâm có được danh hiệu đầu tiên trong mùa giải. |
Man xanh đã trải qua kỳ Premier League 2017/18 quá đỗi ấn tượng. Họ không những vô địch một cách tuyệt đối, mà còn phá vỡ rất nhiều kỷ lục đã tồn tại từ vài năm tới vài chục năm.
Ngai vàng ấy biến Man City thành nhà vô địch thuyết phục nhất trong lịch sử, và cao hơn, nó tạo ra cho đội bóng của Guardiola một cái uy khiến mọi đối thủ khiếp nợ. Năm xưa, Wolves vì sợ uy của Man United đã chấp nhận bị FA phạt tiền để tung 9 cầu thủ dự bị vào sân chịu trận thua.
Nhưng nếu Man xanh để một Chelsea với đội hình què quặt chiến thắng trong trận tranh siêu cúp Anh, cái uy của họ chắc chắn sẽ sứt mẻ đáng kể. Guardiola không muốn tư cách “nhà vô địch tuyệt đối”, “con ngáo ộp của Premier League” mà Man City đang sở hữu chịu bất kỳ sự xúc phạm nào.
Sự quyết tâm của 2 vị HLV cùng tài năng không thể phủ nhận của họ sẽ tạo ra trận tranh siêu cúp Anh hấp dẫn bậc nhất trong lịch sử. Hãy chờ xem!