Với ngân sách dồi dào và mong muốn có được lợi thế, quân đội các nước trên thế giới thường đẩy mạnh đổi mới, từ các công nghệ bình thường đến siêu chiến binh như trong phim khoa học viễn tưởng.
Mỹ, Trung Quốc và một số quốc gia khác đang đầu tư rất nhiều tiền để phát triển các siêu chiến binh như “Iron Man” trong phim khoa học viễn tưởng. Liệu những siêu chiến binh trên màn ảnh có thể bước ra đời thường hay không vẫn là một ẩn số lớn, BBC cho biết.
Dự án Talos của Mỹ
Khi công bố sáng kiến mới năm 2014, Tổng thống Mỹ khi đó là Barack Obama nói với các phóng viên: “Về cơ bản, tôi ở đây để thông báo rằng chúng tôi đang phát triển Người Sắt”.
Có những tiếng cười trong hội trường, nhưng Tổng thống Obama lúc đó rất nghiêm túc. Quân đội Mỹ đã bắt đầu công việc cho dự án bộ giáp thông minh, được gọi là Bộ xương ngoài tấn công chiến thuật hạng nhẹ (Talos).
Bộ khung xương ngoài Talos trong một video quảng cáo của quân đội Mỹ. |
Chương trình Talos được giới thiệu cùng đoạn video quảng cáo giống trò chơi điện tử, trong đó một người đàn ông mặc bộ khung xương ngoài lao vào phá cửa căn cứ của kẻ thù, mặc cho đạn bắn tứ phía.
Năm năm trôi qua, chương trình Talos đã chấm dứt năm 2019 vì không đạt được kỳ vọng như ban đầu. Tuy vậy, nhà sản xuất hy vọng các thành phần riêng lẻ của bộ khung xương sẽ được ứng dụng trong một số lĩnh vực khác của quân đội.
Khung xương ngoài chỉ là một trong những công nghệ đầy hứa hẹn mà quân đội các nước đang khám phá để tăng cường sức mạnh cho binh sĩ của họ. Kể từ thời cổ đại, quân đội các nước đã tìm cách cải tiến vũ khí, trang bị và huấn luyện để tăng cường sức mạnh cho binh sĩ.
Ở thời đại 4.0, việc nâng cấp còn mang nhiều ý nghĩa hơn là chỉ mang lại cho người lính một khẩu súng tốt. Nó có thể làm thay đổi từng người lính. Năm 2017, Tổng thống Nga Vladimir Putin từng cảnh báo nhân loại có thể sớm tạo ra thứ còn tồi tệ hơn cả bom hạt nhân.
“Hãy tưởng tượng rằng những nhà khoa học có thể tạo ra một người đàn ông với một số đặc tính nhất định, không chỉ ở lý thuyết mà rất thực tế. Anh ta có thể là một nhà toán học thiên tài, một nhạc sĩ xuất sắc, hoặc người lính có thể chiến đấu mà không biết sợ hãi, hối hận hay đau đớn”, Tổng thống Putin từng nói.
Năm ngoái, John Ratcliffe - cựu Giám đốc Tình báo Quốc gia (DNI) của Mỹ - đã đi xa hơn trong một cáo buộc thẳng thừng nhằm vào Trung Quốc.
“Trung Quốc thậm chí đã thử nghiệm trên người với hy vọng có thể phát triển những người lính có năng lực sinh học được nâng cao. Không có ranh giới nào về mặt đạo đức đối với việc theo đuổi quyền lực của Bắc Kinh”, ông Ratcliffe nói trong một bài viết của Wall Street Journal.
Trung Quốc phủ nhận cáo buộc và gọi bài viết “là sự dối trá”.
Tham vọng và thực tế
Sở hữu siêu chiến binh trong hàng ngũ là một viễn cảnh hấp dẫn với bất kỳ quân đội nào trên thế giới. Hãy tưởng tượng một người lính có thể chịu đựng đau đớn, lạnh giá hoặc không cần phải ngủ. Nhưng khi Mỹ bắt tay vào chương trình Talos, sự hạn chế về công nghệ đã kéo tham vọng của Washington trở về mặt đất.
Bộ khung xương ngoài hỗ trợ cho bệnh nhân bị liệt, nhưng vẫn còn rất xa để có thể ứng dụng cho quân sự. Ảnh: FONDS DE DOTATION CLINATEC. |
Trong một bài báo năm 2019 của 2 nhà khoa học Mỹ, quân đội Trung Quốc được cho là đang tích cực khám phá các kỹ thuật như chỉnh sửa gen, khung xương ngoài và khả năng kết hợp người - máy. Báo cáo dựa trên bình luận của các chiến lược gia quân sự Trung Quốc
Tuy vậy, bà Elsa Kania, thành viên cao cấp tại Trung tâm An ninh mới của Mỹ, hoài nghi những bình luận của cựu Giám đốc Ratcliffe.
“Điều quan trọng là phải hiểu được những gì quân đội Trung Quốc đang thảo luận và mong muốn hiện thực hóa. Chúng ta cần phải nhận ra khoảng cách giữa tham vọng và thực tế của công nghệ tại thời điểm này”, bà Kania nói.
Cựu giám đốc Ratcliffe đã đề cập đến khả năng thử nghiệm chỉnh sửa gen ở người trưởng thành, nhưng việc thay đổi ADN của phôi sẽ là con đường hợp lý nhất để phát triển siêu chiến binh.
Tiến sĩ Helen O'Neill, nhà di truyền học phân tử thuộc Đại học College London, đặt câu hỏi liệu các nhà khoa học có sẵn sàng sử dụng công nghệ này hay không hơn là tính khả thi của nó.
“Các công nghệ chỉnh sửa gen và sự kết hợp của nó trong hỗ trợ sinh sản đang trở thành xu hướng trong phát triển nông nghiệp, nhưng việc sử dụng nó trên con người được xem là phi đạo đức”, tiến sĩ O'Neill nói.
Năm 2018, nhà khoa học Trung Quốc He Jiankui tuyên bố rằng ông đã thay đổi thành công ADN trong phôi của bé gái song sinh để ngăn chúng nhiễm HIV. Tuyên bố của ông gây phẫn nộ trong giới khoa học, việc chỉnh sửa gen bị cấm ở nhiều quốc gia trên thế giới, gồm Trung Quốc.
Ông He Jiankui đã bị truy tố vì việc làm của mình, nhưng công nghệ mà ông sử dụng có thể được ứng dụng để tạo ra các siêu chiến binh trong tương lai.
Một báo cáo của Guardian năm 2017 tiết lộ Mỹ đã đầu tư hàng trăm triệu USD vào công nghệ gen tuyệt chủng, có thể quét sạch các loài muỗi, gặm nhấm hoặc loài khác. Điều mà các chuyên gia Liên Hợp Quốc cảnh báo có thể ứng dụng cho quân sự.
Trung Quốc và Mỹ không phải là những quốc gia duy nhất tìm kiếm công nghệ siêu chiến binh. Bộ Quốc phòng Pháp đã phê duyệt việc phát triển siêu chiến binh.
“Chúng ta phải đối mặt với thực tế rằng không phải ai cũng chia sẻ nỗi lo lắng và chúng ta cần phải chuẩn bị cho bất kỳ điều gì sẽ xảy ra trong tương lai”, Bộ trưởng Quốc phòng Florence Parly nói.
Dù nhiều nước tham vọng sẽ phát triển những siêu chiến binh như Iron Man hay Captain America nhưng khoảng cách giữa tham vọng và thực tế vẫn còn rất xa. Các công nghệ khung xương ngoài hay biến đổi gen vẫn còn ở dạng nghiên cứu sơ khai, và bất chấp những cảnh báo về đạo đức, các công nghệ siêu chiến binh vẫn được các quốc gia bí mật nghiên cứu.