Sóng dữ ập vào bờ biển New Zealand. Ảnh: New Zealand Herald |
Một trong những khu vực đầu tiên ban bố tình trạng khẩn cấp là quần đảo Chatham, phía đông nam hai đảo chính của New Zealand. Ít nhất 40 người phải sơ tán khỏi khu vực Gisborne, phía đông bắc hòn đảo, nơi hứng chịu sức gió lên tới 145 km/h cùng mưa lớn, RT đưa tin.
Theo New Zealand Herald, người dân đã đổ dồn đến các cửa hàng để mua đồ dự trữ. Nước đóng chai, pin, nến và đồ hộp là những mặt hàng được mua nhiều nhất. Bánh mỳ và sữa cũng đắt hàng vì nhu cầu tăng mạnh.
Giới truyền thông thế giới gọi Pam là một trong những cơn bão mạnh nhất từng xuất hiện trên Thái Bình Dương. Nó quét qua Vanuatu sáng ngày 14/3, tàn phá phần lớn nhà của trên các hòn đảo. Đây là trận bão mạnh nhất trên vùng biển phía nam Thái Bình Dương từ năm 1987. Sức tàn phá của nó đạt cấp 5, cao nhất theo thang báo bão Saffir-Simpson. Nó mạnh tương đương bão Haiyan đổ bộ Philippines năm 2013.
Thủ đô Port Vila của Vanuatu hoang tàn sau khi bão Pam quét qua. Ảnh: AFP |
Sau khi quét qua Vanuatu, siêu bão Pam đã giảm sức tàn phá. Tuy nhiên, nó vẫn gây nhiều tác động khi tiến vào New Zealand. Người dân hai thành phố Ackuland và Northland ở phía bắc đất nước phải sống trong cảnh mất điện kéo dài do hậu quả của bão. Các nhà khí tượng cảnh báo, mưa lớn có thể gây ngập lụt và lở đất ở các vùng chịu ảnh hưởng của New Zealand.
Theo Reuters, 8 người thiệt mạng và 20 người bị thương vì bão Pam ở Vanuatu. Hầu hết tòa nhà không cấu thành từ bê tông đã bị phá hủy. Số người thương vong có thể tiếp tục tăng mạnh khi lực lượng cứu hộ tiếp cận những hòn đảo xa xôi.