Nội dung hạn chế phương tiện cơ giới cá nhân là một trong những trọng tâm. Cụ thể, đề án đề cập đến giải pháp phân luồng, kiểm soát sử dụng phương tiện cá nhân trên một số tuyến phố theo giờ nhất định trong ngày và ngày nhất định trong tuần.
Việc áp dụng thu phí trông giữ phương tiện theo hướng giảm dần từ trung tâm ra bên ngoài để hạn chế xe cá nhân cũng là giải pháp được đưa ra.
Tuy nhiên, lần này, Bộ GTVT không trực tiếp can thiệp vào công việc cụ thể của từng địa phương mà đề nghị Chính phủ giao các thành phố lớn (Hà Nội, TPHCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ) lập dự án chi tiết và áp dụng thí điểm trước ngày 1/4/2015.
Trong dự thảo, Bộ GTVT đưa ra nhiều lý do không mới để triển khai hạn chế xe cá nhân như tốc độ tăng trưởng phương tiện cá nhân (cao nhất là xe con tại Hà Nội, tăng bình quân 17,23%/năm; TP.HCM tăng 14,88%/năm), hạ tầng chưa thể đáp ứng, vận tải công cộng phát triển chậm...
Lần này, Bộ GTVT đưa ra một lý do “đặc biệt” để thực hiện hạn chế xe cá nhân là lộ trình thực hiện cam kết WTO và Khu vực mậu dịch tự do ASEAN (AFTA) sẽ làm gia tăng ô tô con.
Cụ thể, theo cam kết của Việt Nam khi gia nhập WTO, tất cả các loại xe chở người phải đưa về cùng một mức thuế suất 47% vào năm 2017. Theo cam kết của (AFTA), thuế nhập khẩu ôtô chở người dưới 9 chỗ ngồi trong khu vực này sẽ là 0% vào năm 2018.
Song song với việc siết phương tiện cá nhân, trong dự thảo đề án, Bộ GTVT đưa ra các giải pháp phát triển phương tiện công cộng, bãi đỗ xe, đường cho người đi bộ, phát triển các phương tiện thân thiện với môi trường.
Mục tiêu đặt ra đến năm 2020, Hà Nội và TP.HCM vận tải hành khách công cộng đảm nhận từ 20 - 25%; vận tải cá nhân chiếm: 75-80% (trong đó đi bộ và xe đạp từ 20-30%). Các thành phố Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ, vận tải cá nhân vẫn chiếm 85-90% (trong đó đi bộ và xe đạp từ 20-30%).