Tại TP Vinh, phong trào đi xe đạp điện trong giới học sinh bắt đầu đầu xuất hiện từ 2011 và rộ lên từ cuối năm 2012, 2013. Kèm theo sự gia tăng chóng mặt về số lượng là nguy cơ mất ATGT do loại phương tiện này mang lại. Theo thống kê của lực lượng CSGT Công an TP Vinh mỗi năm có 5-7 vụ TNGT liên quan đến xe đạp điện xảy ra trên địa bàn. Gần đây nhất, vào tháng 7 cũng đã xảy ra một vụ TNGT làm 1 học sinh đi xe đạp điện tử vong.
Nhận thấy những hiểm họa tiềm ẩn của loại phương tiện này, từ cuối năm 2011, CSGT TP Vinh đã xây dựng riêng một chuyên đề về xử lý học sinh đi xe đạp điện vi phạm luật giao thông tập trung xử lý các hành vi như: không đội MBH khi điều khiển phương tiện, chở quá số người quy định, vi phạm tín hiệu đèn, phóng nhanh, vượt ẩu…
Các chiến sĩ cảnh sát trong Tổ truy quét đặc biệt 212 mặc thường phục tuần tra xử lý học sinh đi xe đạp điện vi phạm luật giao thông. |
Lật dở từng trang hồ sơ lưu về kết quả xử lý học sinh đi xe đạp điện vi phạm giao thông, Trung tá Hoàng Duy Hà, Đội trưởng Đội CSGT TP Vinh đọc cho chúng tôi những con số thống kê các trường hợp vi phạm đã được CSGT phát hiện, xử lý trong 2 năm qua: Năm 2012, CSGT thành phố đã xử lý 216 xe đạp, với gần 500 trường hợp vi phạm. Năm 2013 xử lý 708 xe đạp, với hơn 1.000 trường hợp vi phạm.
Điều đáng lo ngại là tình trạng vi phạm của đối tượng này tăng mạnh theo các năm, chỉ riêng 3 tuần đầu của tháng 11/2013, CSGT thành phố đã lâp biên bản xử phạt đến 119 trường hợp vi phạm, tức là bằng một nửa của năm 2012. Giải thích nguyên nhân tình trạng này, Trung tá Hà cho biết: Không phải trước đây lực lượng chức năng không xử lý hoặc xử lý không quyết liệt mà vi phạm ít, còn hiện tại vi phạm tăng lên do sự gia tăng nhanh chóng về số lượng xe đạp điện trên địa bàn.
Một thực tế là ở TP Vinh hiện xe đạp điện bày bán khắp nơi, hễ ra đường gặp học sinh là thấy xe đạp điện. Theo nhận định của chúng tôi, xe đạp điện ở TP Vinh đang bùng phát giống như hiện tượng bùng phát xe đạp ruồi cách đây 3 năm trước ở Hà Nội. Trong khi ở lứa tuổi học sinh các em còn rất trẻ, bồng bột, chưa có kinh nghiệm trong khi tham gia giao thông nên thường xuyên phóng nhanh, vượt ẩu gây nguy cơ xảy ra tại nạn cho mình và những người xung quanh.
Để ngăn chặn tình trạng học sinh đi xe đạp điện vi phạm luật giao thông, Trung tá Hà cho biết CSGT TP Vinh đã áp dụng biện pháp mạnh, từ phối hợp với nhà trường, gia đình tuyên truyền hàng tháng tại trường học, khối xóm, khu dân cư, cho đến thành lập tổ TTKS hóa trang ghi hình xử lý vi phạm tại cổng trường. Gần đây, Công an tỉnh còn cho phép Tổ công tác đặc biệt 212 tiến hành tuần tra xử lý học sinh đi xe đạp điện vi phạm giao thông.
Học sinh trường THPT Hà Huy Tập đi xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm được tổ công tác 212 đưa về chốt lập biên bản. |
Được biết, Tổ công tác đặc biệt 212 ở TP Vinh cũng tương tự như tổ 141 ở Hà Nội, tuy nhiên điểm khác biệt của lực lượng 212 Nghệ An là không giới hạn thời gian TTKS và điểm lập chốt. Lực lượng này làm việc luân phiên mỗi ngày 3 ca kể cả ngày nghỉ, ngày lễ.
Có mặt tại ngã tư đường Hồ Tùng Mậu - Trường Thi, TP Vinh, vào lúc 11h ngày 20/11, đây là thời gian học sinh vừa tan trường, số lượng học sinh đi xe đạp điện qua đây lên đến hàng trăm chiếc. Chỉ trong vòng 30 phút tổ công tác 212 kết hợp CSGT Tp đã phát hiện và xử lý 3 trường hợp học sinh trường THPT Hà Huy Tập và trường THPT Nguyễn Huệ đi xe đạp điện không đội MBH. Đáng chú ý, có trường hợp vừa qua chốt kiểm tra các em đã bỏ mũ và phóng như bay. Lập tức, đối tượng này bị Thượng úy Lê Đăng Khoa và Thượng úy Nguyễn Đình Sơn thuộc tổ 212 mặc thường phục tuần tra gần đó yêu cầu quay về chốt lập biên bản xử lý theo quy định. Đến 12h, đã có 8 xe đạp điện được CSGT đưa về đội chờ xử lý.
Thượng sĩ Trần Thị Thương Thương, Đội CSGT TP Vinh cho biết: Trước đây, đa phần các em học sinh đi xe đạp điện đội MBH theo kiểu đối phó, cứ qua chốt là bỏ mũ. Thậm chí, có trường hợp 3 em cùng ngồi trên một chiếc xe đang phóng bạt mạng trên đường nhưng thấy CSGT các em xuống dắt bộ. Từ khi phối hợp với Tổ công tác đặc biệt 212, việc xử lý học sinh đi xe đạp điện vi phạm cũng trở nên dễ dàng hơn, hiện tượng vi phạm cũng giảm hẳn.