Cục Hàng không vừa ban hành Kế hoạch phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả qua đường hàng không năm 2023.
Trong đó, Cục yêu cầu các đơn vị thực hiện nhiệm vụ nhằm tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát để phòng ngừa, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các đối tượng buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa bằng đường hàng không.
Cảng vụ hàng không miền Bắc, miền Trung, miền Nam được yêu cầu triển khai thực hiện và giám sát công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan thuộc khu vực quản lý. Các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh trong khu vực cảng hàng không, sân bay phải cam kết thực hiện nghiêm quy định về phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả qua đường hàng không.
Cùng đó, các đơn vị tăng cường kiểm tra, giám sát tại các vị trí nhạy cảm như điểm kiểm tra an ninh hàng không; khu vực phục vụ hành lý, hàng hóa... nhằm kịp thời phát hiện bắt giữ khi có hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa bằng đường hàng không.
Các đơn vị tăng cường kiểm tra, giám sát để chống hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa bằng đường hàng không. Ảnh: Hoàng Hà. |
Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam và Cảng HKQT Vân Đồn được yêu cầu chỉ đạo các đơn vị, bộ phận trực thuộc phối hợp chặt chẽ với đơn vị chức năng để tổ chức tập huấn cho lực lượng an ninh hàng không nhận biết hàng giả, kiến thức, kỹ năng chống buôn lậu.
Ngoài ra, cũng cần kịp thời trao đổi thông tin, tình hình liên quan đến buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn làm cơ sở cho việc phối hợp kiểm tra, đấu tranh ngăn chặn và xử lý vi phạm và kiểm soát chặt chẽ người và phương tiện, đồ vật ra, vào và hoạt động tại các khu vực hạn chế của cảng hàng không, sân bay.
Các hãng hàng không có trách nhiệm chỉ đạo đoàn bay, đoàn tiếp viên rà soát nội bộ, thường xuyên kiểm soát tổ bay khi làm nhiệm vụ.
Bên cạnh đó, quán triệt và yêu cầu tổ bay chấp hành nghiêm chỉnh quy định của pháp luật về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong hoạt động hàng không.
Các lãnh đạo của các đơn vị này cũng cần chỉ đạo bộ phận An ninh hàng không của hãng tập trung phân tích, đánh giá tình hình, xác định trọng điểm về: thời gian, chuyến bay, chặng bay, đối tượng, phương thức, thủ đoạn hoạt động để phối hợp với lực lượng Hải quan, lực lượng kiểm soát an ninh hàng không. Ngoài ra, phải có biện pháp kiểm tra chặt chẽ với các chuyến bay, đối tượng cụ thể nhằm nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh.
Đối với Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam và các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ suất ăn và các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ tại các cảng hàng không, sân bay, Cục Hàng không yêu cầu cần kiểm soát chặt chẽ người, phương tiện, đồ vật của đơn vị khi ra, vào hoạt động tại khu vực hạn chế cảng hàng không nhằm ngăn chặn việc thực hiện và tiếp tay cho hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả…
Độc giả có thể tìm thêm nhiều câu chuyện truyền cảm hứng về những gương doanh nhân thành công, kinh nghiệm điều hành doanh nghiệp và những kiến thức mới mẻ thời đại 4.0 ở tuyển tập sách của Zing tại Tủ sách kinh tế