Theo Bộ Công Thương, ngày 12/3/2018, Chính phủ ban hành Nghị định số 40/2018 về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp. Nghị định 40 ra đời với các quy định siết chặt hơn về điều kiện kinh doanh, hoạt động bán hàng đa cấp đối với người tham gia, các doanh nghiệp và công tác quản lý nhà nước trong hoạt động bán hàng đa cấp.
Nghị định cũng đã tạo hành lang pháp lý rõ ràng cho các doanh nghiệp hoạt động minh bạch, sàng lọc những doanh nghiệp bán hàng đa cấp hoạt động bất chính, qua đó góp phần tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh, giảm khả năng gây hậu quả về kinh tế - xã hội.
Tuy nhiên, qua rà soát và thực tiễn thi hành, các cơ quan quản lý nhận thấy một số chính sách cần được xem xét điều chỉnh kịp thời cho phù hợp với thực tiễn, một số quy định cần được điều chỉnh để đảm bảo tính khả thi và phù hợp với mục tiêu quản lý. Quá trình triển khai, nhiều sở công thương cũng có ý kiến đề xuất sửa đổi các quy định của Nghị định 40 nhằm nâng cao hiệu quả quản lý hoạt động bán hàng đa cấp tại địa phương.
Dự thảo sẽ siết chặt thêm quy định về thành lập doanh nghiệp kinh doanh đa cấp và quy định mức hoa hồng tối thiểu cho người bán. Ảnh: Hải Nam. |
Trên cơ sở đó, Bộ Công Thương đã xây dựng hồ sơ đề nghị xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 40/2018 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp. Hồ sơ đề nghị xây dựng Nghị định đã được Thủ tướng đồng ý, giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan xây dựng dự thảo nghị định.
Dự thảo được bổ sung điều kiện nhà đầu tư nước ngoài thành lập doanh nghiệp hoặc góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp tại doanh nghiệp có đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp ở Việt Nam phải có thời gian hoạt động bán hàng đa cấp tối thiểu là 3 năm liên tục ở một quốc gia khác trên thế giới.
Quy định này nhằm nâng cao chất lượng đầu vào của doanh nghiệp mới gia nhập thị trường, đảm bảo đã có kinh nghiệm hoạt động bán hàng đa cấp trước khi gia nhập thị trường Việt Nam.
Việc yêu cầu doanh nghiệp có kinh nghiệm hoạt động ở nước ngoài một mặt giúp cơ quan cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp có cơ sở đánh giá uy tín của doanh nghiệp, một mặt cũng chọn lọc được các doanh nghiệp có kinh nghiệm quản lý tốt vì hoạt động này thực hiện thông qua mạng lưới hàng chục, hàng trăm nghìn người tham gia.
Hoạt động bán hàng đa cấp có bản chất là hoạt động phân phối bán lẻ hàng hóa. Tuy nhiên, hiện nay nhiều doanh nghiệp không chú trọng bán hàng mà tập trung xây dựng mạng lưới người tham gia và tìm các cách khác nhau khiến người đó mua hàng, hàng hóa chủ yếu được tiêu thụ trong mạng lưới, việc mua hàng chủ yếu để đạt thành tích, cấp bậc và hưởng hoa hồng, không chú trọng việc đưa hàng hóa đến cộng đồng.
Do đó, cơ quan quản lý nhận định cần có chính sách, quy định cụ thể thúc đẩy hoạt động bán hàng của người tham gia, đưa hoạt động bán hàng đa cấp đi theo đúng bản chất của một phương thức phân phối hàng hóa đến người tiêu dùng.
Dự thảo cũng đã bổ sung quy định yêu cầu kế hoạch trả thưởng của doanh nghiệp phải đảm bảo hoa hồng, tiền thưởng của doanh nghiệp chi trả cho người tham gia trên cơ sở doanh số bán hàng của cá nhân người tham gia đó phải đạt tối thiểu 20% tổng hoa hồng, tiền thưởng chi trả cho người tham gia.
Quy định này buộc các doanh nghiệp phải chi trả một tỉ lệ hoa hồng nhất định cho hoạt động bán hàng của người tham gia, qua đó khuyến khích người tham gia phải bán hàng, không chỉ xây dựng mạng lưới.
Theo khảo sát của Bộ Công Thương, các doanh nghiệp trả lời khảo sát đều cho thấy tỉ lệ hoa hồng, tiền thưởng của doanh nghiệp chi trả cho người tham gia trên cơ sở doanh số bán hàng của cá nhân người tham gia đó đều cao hơn mức tối thiểu 20% tổng hoa hồng, tiền thưởng chi trả cho người tham gia. Do đó, việc bổ sung quy định này về cơ bản không ảnh hưởng đến hoạt động của các doanh nghiệp.