Ngân hàng Nhà nước vừa có văn bản yêu cầu các ngân hàng thương mại hạn chế tập trung vốn cho vay vào lĩnh vực bất động sản, xây dựng. Các ngân hàng cũng cần cân đối nguồn vốn, sử dụng để cho vay trung và dài hạn, đảm bảo khả năng thanh khoản.
Với lĩnh vực bất động sản, các ngân hàng phải thường xuyên rà soát, đánh giá và theo dõi tiến độ của các dự án bất động sản. Đánh giá năng lực tài chính của khách hàng, khoản tín dụng và tài sản bảo đảm để có biện pháp xử lý thích hợp.
Với lĩnh vực vay tiêu dùng, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu phải kiểm soát tốt chất lượng tín dụng, nâng cao hiệu quả công tác xét duyệt hồ sơ, đặc biệt là các điều kiện vay vốn để hạn chế rủi ro phát sinh. các ngân hàng phải giám sát chặt chẽ việc sử dụng vốn, tránh cho vay tiêu dùng nhưng thực chất là để đầu tư, kinh doanh bất động sản, chứng khoán.
Lo ngại nợ xấu, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu siết cho vay bất động sản. Ảnh: Tiến Tuấn. |
Trong đầu tư kinh doanh chứng khoán, Ngân hàng Nhà nước cũng đề nghị các tổ chức tín dụng phải kiểm soát chặt chẽ tốc độ tăng cho vay để hạn chế rủi ro. Ngân hàng Nhà nước khuyến khích cung cấp vốn cho sản xuất, kinh doanh.
Các lĩnh vực được ưu tiên như nông nghiệp, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao…
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước, cho biết cần kiểm soát chặt chẽ để hạn chế tối đa phát sinh nợ xấu vào bất động sản và giao thông.
Đối với tín dụng tiêu dùng, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng thương mại nâng cao hiệu quả công tác xét duyệt hồ sơ, đặc biệt là các điều kiện vay vốn. Các ngân hàng thương mại cần giám sát chặt việc sử dụng vốn cho vay tiêu dùng để đầu tư, kinh doanh bất động sản, chứng khoán.
Theo đại diện Ngân hàng Nhà nước, tín dụng trong kinh doanh bất động sản năm 2017 tăng 8,56% so với năm 2016, chiếm tỷ trọng 6,53% dư nợ nền kinh tế. Tín dụng lĩnh vực này tương đương khoảng 400.000 tỷ đồng.
Trong hi đó tín dụng đối với các dự án BOT, BT giao thông tăng khoảng 7,43%, chiếm 1,5% tổng dư nợ tín dụng. Con số này tương đương khoảng 92.000 tỷ đồng.