Italy vừa ghi nhận nhiệt độ cao nhất trong lịch sử châu Âu, với con số lên đến 48,8 độ C qua báo cáo ban đầu, theo Guardian.
Nếu con số trên được Tổ chức Khí tượng Thế giới công nhận, Sicily sẽ phá vỡ kỷ lục trước đó được lập tại Athen vào năm 1977 (48 độ C).
Khu vực từ Địa Trung Hải đến Tunisia và Algeria đang phải trải qua một làn sóng nhiệt gay gắt, gây ra cháy rừng khắp nơi. Chính phủ Italy đã phải báo động tình trạng khẩn cấp. Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp cũng phải hứng chịu những đám cháy lớn.
Người phụ nữ đứng trước cơn cháy rừng ở làng Gouves trên đảo Evia, Hy Lạp. Ảnh: Bloomberg. |
Ông Trevor Mitchell, từ Cơ quan Khí tượng Vương quốc Anh, nói: "Hiệp hội Khí tượng Italy cho rằng báo cáo về nhiệt độ 48,8 độ C ở Sicily là thật. Tuy nhiên, những dữ liệu thế này cần được kiểm chứng trước khi chính thức được công nhận".
"Sicily đang phải hứng chịu làn sóng nhiệt trong những ngày qua. Hiệu ứng gió phơn từ những ngọn núi ở phía tây Syracuse, Sicily đã góp phần đưa nhiệt độ của khu vực này hôm nay lên đến 48,8 độ C", ông nói.
Hiệu ứng gió phơn xảy ra khi không khí lạnh và ẩm từ một bên núi trở nên ấm và khô khi qua đến bên kia.
Nhiệt độ ở Canada, Phần Lan, Estonia, Thổ Nhĩ Kỳ, Moscow và miền Tây nước Mỹ liên tục phá vỡ các kỷ lục trong nước. Đức và Trung Quốc phải hứng chịu những cơn lũ lụt lớn nhất từ trước đến nay.
Ở Cộng hòa Sakha, Nga, những cơn cháy rừng đã thải ra 208 triệu tấn CO2 trong năm 2021. Con số này gần như gấp đôi năm 2020, theo ông Mark Parrington, nhà khoa học tại Cơ quan Giám sát Khí quyển Copernicus.
Các nhà khoa học khí hậu từ lâu đã dự đoán rằng khí thải độc hại từ phương tiện di chuyển, nhà máy, và nạn phá rừng sẽ gây ra nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan.
Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu của Liên Hợp Quốc vào ngày 9/8 cho biết rằng hệ quả của lượng khí thải độc hại đã rõ ràng, và không thể thay đổi được. Tuy nhiên, chính phủ các nước có thể ngăn chặn các tác động xấu hơn từ biến đổi khí hậu trong tương lai bằng cách hành động nhanh chóng.
Bà Friederike Otto, Phó giám đốc Viện Thay đổi Môi trường tại Đại học Oxford, nói rằng các hiện tượng thời tiết cực đoan, đặc biệt là những cơn nóng, đã và đang diễn ra trên thế giới.
"Biến đổi khí hậu đã xảy ra. Tuy nhiên, ta vẫn có thể ngăn nó trở nên tệ hơn", bà Otto cho biết.