Cựu nhân viên tình báo Trung Quốc Xu Yanjun bị tòa án Mỹ kết án 20 năm tù. Ảnh: AP. |
Xu Yanjun, sĩ quan tình báo của Bộ An ninh Trung Quốc tại tỉnh Giang Tô, bị cáo buộc đánh cắp bí mật thương mại và các thông tin nhạy cảm của công ty hàng không General Electric Aviation (GE) và Tập đoàn Safran của Pháp, khi hai tập đoàn này đang hợp tác phát triển động cơ.
“Vụ án này gửi đi một thông điệp rõ ràng rằng chúng tôi sẽ truy xét trách nhiệm đối với bất kỳ ai cố gắng đánh cắp bí mật thương mại của Mỹ”, ông Kenneth Parker, công tố viên liên bang Ohio (Mỹ), cho biết.
Xu là một trong 11 công dân Trung Quốc, trong đó có hai sĩ quan tình báo, bị nêu tên trong bản cáo trạng vào tháng 10/2018 tại tòa án liên bang ở Cincinnati, Ohio, nơi đặt trụ sở của GE Aviation.
Sĩ quan tình báo của Bộ An ninh Quốc gia Trung Quốc bị bắt vào tháng 4/2018 tại Bỉ. Xu Yanjun được đặc vụ Mỹ dụ đến Bỉ với lý do gặp gỡ một nhân viên của GE và bị bắt tại đây vào ngày 1/4 trước khi bị dẫn độ tới Mỹ với sự giúp đỡ của nhà chức trách Bỉ.
Trong phiên tòa xét xử ngày 5/11/2021, Xu bị cáo buộc âm mưu gián điệp kinh tế, âm mưu đánh cắp bí mật thương mại và hai tội danh liên quan khác. Các công tố viên đã yêu cầu mức án 25 năm tù, nhưng các luật sư của Xu cho rằng mức án trên vượt qua so với các vụ án trước đây.
“Xu đã nhắm mục tiêu vào các công ty hàng không của Mỹ, tuyển nhân viên của các công ty này đi du lịch đến Trung Quốc và thu thập thông tin độc quyền của họ, tất cả đều thay mặt cho chính quyền Trung Quốc”, Bộ Tư pháp Mỹ cho biết trong một tuyên bố.
Năm ngoái, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho rằng các cáo buộc chống lại Xu là “sự bịa đặt thuần túy”.
Ngành hàng không là một trong những trọng tâm phát triển trong kế hoạch "Made in China 2025" của chính phủ Trung Quốc, nhưng các chuyên gia cho rằng ngành này đang tụt lại khá xa so với các đối thủ Mỹ và châu Âu. Ảnh: AP. |
Theo các quan chức Mỹ, chính phủ Trung Quốc đặt ra mối đe dọa lâu dài lớn nhất đối với nền kinh tế và an ninh quốc gia nước này, đồng thời đang thực hiện những nỗ lực chưa từng có nhằm đánh cắp công nghệ quan trọng từ các doanh nghiệp và nhà nghiên cứu Mỹ.
Ông Christopher Wray, Giám đốc Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI), cho biết mỗi ngày cơ quan này tiến hành điều tra hai vụ gián điệp mới liên quan đến Trung Quốc.
Năm 2018, ông Wray từng cáo buộc Trung Quốc sử dụng cả giáo sư, nhà khoa học và sinh viên để thu thập thông tin tình báo. Trong phiên điều trần tại Quốc hội vào tháng 10/2018, ông đánh giá Trung Quốc là thách thức phản gián "phức tạp và lâu dài nhất" mà Mỹ từng phải đối mặt.
Phân cực chính trị ở Mỹ hiện nay
Mục Thế giới giới thiệu cuốn sách “Phân cực chính trị ở Mỹ hiện nay: Tình hình, nguyên nhân và tác động” do NXB Khoa học Xã hội xuất bản năm 2019. Cuốn sách khái quát về hệ thống chính trị Mỹ, định nghĩa phân cực chính trị, lịch sử hình thành và tình hình phân cực ở Mỹ hiện nay. Bên cạnh đó cuốn sách cũng nêu nguyên nhân và tác động của phân cực chính trị, cũng như đánh giá xu hướng chính trị Mỹ trong thời gian tới.