Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Sĩ quan Mỹ hạ căng thẳng với Triều Tiên trên điện thoại hồng

Tại Bàn Môn Điếm, một chiếc điện thoại hồng được sử dụng suốt nhiều thập kỉ để tránh những xung đột không đáng có giữa quân đội hai miền Triều Tiên.

Trong suốt 5 năm, Daniel McShane, 49 tuổi, sĩ quan quân đội Mỹ công tác tại Bộ Tư lệnh Liên Hợp Quốc, kiên nhẫn chờ đợi những binh sĩ bên phía Triều Tiên gọi lại, đáp lễ cuộc gọi của anh. Đến khi điều đó thực sự xảy ra, đội của McShane lúng túng không tìm được đúng chiếc điện thoại để nghe. Nó chưa từng đổ chuông trước đây!

Nay, McShane hay bất cứ thành viên nào trong Bộ Tư lệnh Liên Hợp Quốc, nói chuyện hai lần mỗi ngày với người đồng cấp Triều Tiên cách đó chưa đầy 40 m, ở phía bên kia của khu phi quân sự (DMZ). Đường dây liên lạc này vừa được khai thông lần đầu tiên vào tháng 7/2018 trong một thoả thuận liên Triều nhằm giảm thiểu rủi ro chiến tranh tại khu vực biên giới nguy hiểm nhất thế giới này.

Các cuộc gọi diễn ra trên chiếc điện thoại hồng tồn tại hàng thập kỷ.

Hai mien Trieu Tien anh 1
Chiếc điện thoại hồng Bộ Tư lệnh Liên Hợp Quốc sử dụng để trao đổi với Triều Tiên. Ảnh: Tim Franco / The Wall Street Journal.

Tiếng Anh của họ còn tốt hơn mình

Đúng 9h30, Thiếu tá McShane tiến đến bên chiếc điện thoại bàn và bắt đầu bấm số. Chuông điện thoại reo 8 hồi nhưng không ai trả lời. Cách đó không xa, trên một ngọn đồi, ba người lính Triều Tiên đang đứng theo dõi hoạt động của các binh sĩ Hàn Quốc. Một lúc sau, tiếng chuông điện thoại vang lên - phía Triều Tiên đang gọi lại.

“Xin chào”, Thiếu tá McShane nói bằng tiếng Triều Tiên rồi chuyển sang tiếng Anh: “Các anh có thông điệp nào cho chúng tôi không?”.

Hôm nay, Triều Tiên không có thông điệp nào và McShane cũng vậy. “Không, tôi xin lỗi, tôi không có thông điệp,” ông nói. “Không thông điệp, đúng vậy”.

Cuộc gọi kéo dài 74 giây. “Những trường hợp thế này rất thường gặp”, Thiếu tá McShane chia sẻ.

Theo vị thiếu tá, anh đã làm việc với tám người đồng cấp bên phía Triều Tiên. Họ chia sẻ nhiều chuyện, trong đó có niềm yêu thích chung với môn bóng chày và đội bóng yêu thích Los Angeles Dodgers của anh. Không chỉ thế, một người lính Triều Tiên cũng từng kể về gia đình một vợ và hai con của mình. Khi Thiếu tá McShane chia sẻ về người bạn gái mang quốc tịch Hàn Quốc, người lính kia thốt lên kinh ngạc: “Ồ!”.

Hai mien Trieu Tien anh 2
Thiếu tá McShane đang thực hiện cuộc gọi buổi sáng với người đồng cấp phía Triều Tiên cách đó 40 m. Ảnh: Tim Franco / The Wall Street Journal.

Thiếu tá McShane không phải là người duy nhất chịu trách nhiệm thực hiện các cuộc gọi. Hạ sĩ Keith Jordan được những người đồng cấp phía Triều Tiên nhớ tên. “Lúc đầu, rào cản ngôn ngữ khiến tôi thấy e ngại, nhưng sau đó họ khiến tôi phải nghĩ, ‘Ồ, tiếng Anh của họ còn tốt hơn mình!’ ”, Jordan chia sẻ.

Một người khác trong đơn vị của Thiếu tá McShane, Hạ sĩ Tuazon đã rất ngạc nhiên khi nhận được lời chào hỏi vui vẻ đến từ đầu dây bên kia. “Giọng điệu anh ta như thể đang nói một lời ‘Chào buổi sáng!’ đầy hạnh phúc”, cô chia sẻ.

Theo The Wall Street Journal, các cuộc gọi giữa Bộ Tư lệnh Liên Hợp Quốc và Triều Tiên ở khu phi quân sự được thực hiện đều đặn hai lần một ngày, vào 9h30 và 15h30. Hai bên sử dụng cả tiếng Anh và tiếng Triều Tiên để giao tiếp. Trong các cuộc gọi này, phía Triều Tiên thường tuyên bố họ không có thông điệp. Sau mỗi cuộc gọi, Thiếu tá McShane truyền thông điệp nhận được lên cấp trên của mình.

Lần này, ngay cả khi Triều Tiên thử bắn tên lửa tầm ngắn hồi đầu tháng 5 do bất mãn với tiến độ đàm phán hạt nhân với Mỹ, công việc vẫn tiếp tục bình thường.

Một bất ngờ thú vị

Sau Hiệp định đình chiến được kí kết năm 1953, hàng ngàn binh sĩ, xe tăng và phương tiện chiến tranh của hai miền Triều Tiên tiếp tục đồn trú cách nhau chỉ vài mét tại khu phi quân sự. Nhiều sự vụ đã xảy ra ở đây buộc hai bên phải thống nhất thiết lập đường dây điện thoại vào năm 1976 nhằm truyền tải các thông điệp chính thức.

Ngày nay, không chỉ đóng vai trò một trong những phương thức giao tiếp ít ỏi giữa hai bên, đường dây này còn là dấu hiệu cho thấy căng thẳng tiền tuyến đã hạ nhiệt.

The Wall Street Journal cho biết đơn vị của McShane gồm có sáu người Mỹ và một người New Zealand, thuộc Bộ Tư lệnh Liên Hợp Quốc giúp duy trì lệnh ngừng bắn 65 năm qua giữa Triều Tiên và Hàn Quốc. Văn phòng sơ sài của họ nằm cách Triều Tiên khoảng 12 m, ở Khu vực an ninh chung (JSA). Khu vực này là nơi duy nhất binh lính Triều Tiên và Hàn Quốc đứng đối mặt nhau. Từ hồi tháng 10/2018, hai bên bắt đầu đứng gác không có vũ khí.

Hai mien Trieu Tien anh 3
Binh sĩ Triều Tiên và Hàn Quốc đứng gác tại Khu vực an ninh chung. Ảnh: Ed Jones /AFP.

Khi Triều Tiên cắt đứt liên lạc hồi năm 2013, Thiếu tá McShane mới chuyển đến công tác được một tháng. Mỗi khi muốn truyền thông điệp, ông phải tiến đến đường ranh giới và sử dụng một chiếc loa cầm tay. Phía Triều Tiên thường sẽ ghi âm lại những thông điệp của McShane. Đến cuối năm 2014, một vị tướng khuyên ông nên bỏ chiếc loa và ông đã nghe theo.

Thiếu tá McShane là người duy nhất trong đơn vị của ông công tác tại khu phi quân sự từ năm 2014 đến nay. Khi chiếc điện thoại đổ chuông hồi năm ngoái, ông không có tại văn phòng để giúp đồng đội mình nhận ra chuyện gì đang diễn ra. Sau đó, một thành viên trong đội tìm được McShane và báo cáo: “Phía Triều Tiên muốn nói chuyện với thiếu tá”. “Một bất ngờ thú vị”, McShane kể lại.

Từ đó đến nay, Thiếu tá McShane cùng đồng đội đã thực hiện 164 cuộc gọi chính thức nhằm truyền tải những thông điệp liên quan đến trao trả thi thể binh lính, công tác hậu cần cho việc gỡ bom mìn ở khu phi quân sự,…

Không chỉ nói chuyện với nhau trên điện thoại, các bên điều phối đường dây liên lạc này đã gặp gỡ một vài lần từ sau khi hai miền Triều Tiên đồng ý giảm căng thẳng quân sự hồi tháng 9/2018.

Thiếu tá McShane kể lại trong một lần gặp, một đại tá Triều Tiên đã rất thích thú khi được sỹ quan Mỹ hướng dẫn sử dụng gọi video trên FaceTime. Nhiều binh lính phía bắc cũng đặc biệt quan tâm đến bánh snack hiệu Doritos và món ăn vặt Hàn Quốc của hãng Choco Pie được mang đến bởi phái đoàn Mỹ. Ngược lại, phía Mỹ được nghe kể về những dự định ăn tối dịp nghỉ lễ của binh sĩ Triều Tiên và phát hiện rằng hai bên đều thích xì gà và rượu whiskey.

Những cuộc gọi được xem như một trong những biện pháp xây dựng lòng tin giữa hai bên. Hiện tại, hai miền Triều Tiên đã đạt thoả thuận về việc tháo dỡ bom mìn, khai quật hài cốt và thiết lập một văn phòng liên lạc. Những bước đi này có thể giúp duy trì mối quan hệ hai miền trong bối cảnh quá trình đàm phán rơi vào bế tắc.


https://www.wsj.com/articles/u-s-officer-on-a-pink-phone-dials-down-north-korea-tensions-11558287392?fbclid=IwAR02ND7rkPKfVst_2PIcLD1zi5pabGh_4W8h6o-jwWTHSJYgLxA80lQJ35M

Đức Trần

The Wall Street Journal

(Znews đặt lại tiêu đề bài viết)

Bạn có thể quan tâm