Kể từ tháng 5/2021, Hà Nội và TP.HCM lần lượt bước vào giai đoạn giãn cách xã hội, hạn chế các hoạt động tụ tập đông người. Xã hội nói chung và các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, giải trí nói riêng đều bị dừng lại, rơi vào tình trạng đình trệ.
Đặc biệt, khoảng thời gian hơn 3 tháng thực hiện Chỉ thị 16 tại TP.HCM - thị trường giải trí lớn nhất trong nước - khiến showbiz bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Thời điểm này, các nghệ sĩ không thể hoạt động nghệ thuật, dưới bất kỳ hình thức nào.
Bắt đầu từ cuối tháng 10 - đầu tháng 11/2021, khi TP.HCM ngừng thực hiện chỉ thị 16 và từng bước mở cửa lại các hoạt động đời sống, ngành giải trí Việt cũng dần hồi sinh.
Đông đảo khán giả có mặt tại rạp phim tại Vạn Hạnh Mall để xem công chiếu Bẫy ngọt ngào. Ảnh: Bá Ngọc. |
Thảm đỏ nhộn nhịp, rạp phim đông đúc
Rạp chiếu phim luôn là một trong những địa điểm đầu tiên phải ngừng hoạt động mỗi lần dịch Covid-19 bùng phát. Các cụm rạp tại TP.HCM bị đóng cửa hơn 6 tháng, bắt đầu mở cửa phục vụ khán giả trở lại từ ngày 19/11/2021. Trong khi đó, các cụm rạp tại Hà Nội thậm chí bị đóng cửa gần 10 tháng và chỉ vừa khôi phục hoạt động từ ngày 10/2.
Do ảnh hưởng của dịch bệnh cũng như các vấn đề liên quan đến rạp phim, hàng loạt phim Việt Nam và quốc tế đều bị hoãn chiếu. Các phim bom tấn Hollywood ra mắt tại Việt Nam muộn hơn thế giới, ví dụ tiêu biểu như Eternals (Chủng tộc bất tử) của Angelina Jolie và Ma Dong Seok.
Các phim Việt đều chịu cảnh phải lùi ngày chiếu nhiều lần, chẳng hạn Bẫy ngọt ngào của Bảo Anh, Minh Hằng và Quốc Trường. Bộ phim dự kiến ra mắt vào mùa hè năm 2021, sau đó đã phải lùi tới tháng 12/2021, và một lần nữa lùi ngày chiếu tới tận ngày 11/2.
1990 và Bẫy ngọt ngào đều phải lùi lịch chiếu nhiều lần vì ảnh hưởng của dịch Covid-19. Ảnh: Bá Ngọc, Chí Hùng. |
Chìa khóa trăm tỷ, Chuyện ma gần nhà cũng là những phim phải rời ngày chiếu vì rạp phim đóng cửa dài ngày. Tuy nhiên, bộ phim chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất là 1990. Tác phẩm của đạo diễn Nhất Trung đáng lẽ ra rạp từ năm 2020 - khi ba nữ diễn viên chính vừa tròn 30 tuổi, nhưng phải hoãn tới tận mùa Tết năm 2022.
Sau khi cụm rạp tại TP.HCM hoạt động trở lại, các phim nội và ngoại đồng loạt "đổ bộ", và đều đạt doanh thu ổn định. Tuy nhiên, doanh số phòng vé tại Việt Nam thời điểm trước Tết Nguyên đán vẫn chưa đạt đỉnh, vì các rạp ở Hà Nội - vốn chiếm 30% doanh thu toàn quốc - vẫn đóng cửa.
Tín hiệu đáng mừng của điện ảnh Việt là các cụm rạp tại Hà Nội đã mở cửa trở lại từ ngày 10/2, giúp các phim đang chiếu tăng mạnh về doanh thu, thậm chí Spider-Man: No Way Home đã cán mốc trăm tỷ đồng. Khán giả thủ đô hào hứng trở lại rạp phim, tạo nên không khí sôi nổi, nhộn nhịp. "Đây là tín hiệu tốt, tạo thêm động lực cho nhà phát hành, sản xuất phim. Họ yên tâm ra tác phẩm mới", ông Lê Hoàng Minh - Giám đốc marketing của BHD - trả lời Zing.
Khán giả Hà Nội ra rạp xem phim sau khi các cụm rạp mở cửa lại vào ngày 10/2. Ảnh: Tuấn Anh. |
Thị trường âm nhạc hồi sinh
Không chỉ thị trường phim ảnh hoạt động sôi nổi trở lại, giới âm nhạc, ca sĩ, nhạc sĩ, nhà sản xuất của Vpop cũng lập tức vào guồng hoạt động ngay khi TP.HCM chính thức mở cửa.
Chia sẻ với Zing, Bích Phương cho biết cô đã "nằm không" ở nhà suốt hai năm vì dịch bệnh. "Không chỉ tôi, các bạn đồng nghiệp cùng lứa và có chỗ đứng trong thị trường nhạc Việt cũng không ra mắt sản phẩm trong thời gian vừa qua", nữ ca sĩ nói.
Nói về thực trạng trên, Jun Phạm cho biết anh nói riêng và các nghệ sĩ khác nói chung không ra mắt sản phẩm âm nhạc nghiêm túc, có đầu tư vì chắc chắn không có chỗ và cơ hội biểu diễn.
Nam ca sĩ chia sẻ thêm với Zing: "Tôi đã sẵn sàng hết rồi, nhưng phải tới khi hết dịch hoặc tình hình cuộc sống, xã hội ổn hơn một chút tôi mới tính tiếp".
Do đó, ngay khi TP.HCM ngừng thực hiện Chỉ thị 16, các nghệ sĩ bắt đầu "vào guồng" sản xuất dự án âm nhạc mới. Và chỉ trong thời gian ngắn, nhiều ca sĩ đã cho ra mắt MV chỉn chu cả về mặt âm thanh và hình ảnh, như Tình chết trong hững hờ (Lệ Quyên), Nằm ngủ emru (Bích Phương), Gặp may (Wren Evans), Do em xui thôi (Sofia - Khói - Châu Đăng Khoa), Mê (Hoàng Duyên), Thay mọi cô gái yêu anh (Amee), Ngày đầu tiên (Đức Phúc)...
Erik là nam ca sĩ năng suất bậc nhất Vpop thời kỳ sau giãn cách xã hội, bởi sau khi giành chức quán quân The Heroes, nam ca sĩ đã phát hành MV Chạy về khóc với anh vào ngày 26/1. Nam ca sĩ thông báo phát hành tiếp ca khúc Đau nhất là lặng im vào ngày 17/2.
Người hâm mộ ngồi kín hội trường buổi ra mắt MV của Đức Phúc vào ngày 11/2. Ảnh: NVCC. |
Ngoài ra, còn có K-ICM là trường hợp cá biệt của Vpop khi vẫn đều đặn ra mắt sản phẩm âm nhạc mới hàng tháng. Tuy nhiên, trong đó, sản phẩm được đầu tư chỉn chu nhất phải kể đến Chim quý trong lồng.
Nhìn vào tần suất và số lượng MV, sản phẩm âm nhạc ra mắt trong 3 tháng gần nhất, có thể thấy hiếm khi nào Vpop nhộn nhịp như hiện nay. Vpop như được thổi luồng sinh khí mới, mạnh mẽ trỗi dậy sau nửa năm "ngủ đông" vì dịch Covid-19.
Không chỉ ra mắt MV, các chương trình ca nhạc đã bắt đầu tổ chức bán vé trở lại, với số lượng ngày càng nhiều và hầu như mỗi tối cuối tuần đều có buổi biểu diễn ca nhạc được tổ chức.
The Show Việt Nam - chương trình ca nhạc theo chủ đề, được tổ chức mỗi tháng một lần. Chương trình khởi động từ sau khi TP.HCM kết thúc giãn cách xã hội, với các ca sĩ, nhạc sĩ như Đức Trí, Phan Mạnh Quỳnh, Lam Trường, Phương Thanh... Tới nay, tùy vào quy mô từng chủ đề, chương trình vẫn thu hút trung bình 500-1.000 khán giả mỗi buổi diễn.
Việc các buổi biểu diễn âm nhạc luôn bán hết vé và hội trường kín người tham dự cho thấy khán giả có nhu cầu đi nghe nhạc, tham gia các buổi diễn ra sao. Chính khán giả là nhân tố tiên quyết và quan trọng hàng đầu góp phần vào sự hồi sinh của ngành công nghiệp âm nhạc.
The Show Việt Nam khởi động sau khi kết thúc giãn cách xã hội, luôn thu hút 500-1.000 khán giả mỗi buổi diễn. Ảnh: Anh Khoa. |