Ngày 7/2, HK01 đưa tin TVB ghi nhận 3 nhân viên mắc Covid-19. Việc hãng phim hàng đầu Hong Kong xuất hiện những ca dương tính với virus cho thấy dịch bệnh đang dần xâm nhập ngành sản xuất phim ảnh. Điều này báo hiệu giai đoạn khó khăn và gián đoạn mới.
Theo HK01, tình hình ngành công nghiệp giải trí Hong Kong phải đối mặt rất tồi tệ. Kể từ khi virus corona bùng phát cho đến nay, nền nghệ thuật nơi đây vẫn loay hoay trong vòng xoáy khủng hoảng. Những làn sóng dịch tái bùng phát nối tiếp nhau dập tắt mọi nỗ lực phục hồi của showbiz Hong Kong.
Mất trắng mùa phim Tết 2022
Làm thế nào để vực dậy nền điện ảnh đang thoái trào là vấn đề đau đầu nhiều năm qua của giới quản lý nghệ thuật Hong Kong. Trên con đường đi tìm lời giải, ngành phim ảnh đặc khu lại vấp phải khó khăn lớn hơn là không thể tiêu thụ phim nội lẫn phim ngoại, chịu tổn thất lợi nhuận thương mại khổng lồ vì đại dịch.
Nếu như nền giải trí Đại lục có mùa phim Tết 2022 nhộn nhịp và thành công rực rỡ với tổng doanh thu phòng vé đạt hơn 947 triệu USD, cao thứ 2 trong lịch sử, điện ảnh Hong Kong lại ở thái cực đối lập. Việc đặc khu trở thành khu vực nguy hiểm từ đầu năm khiến doanh thu phòng vé nơi đây gần như con số 0 tròn trĩnh.
Điền Khải Văn lo lắng cho sự suy kiệt của điện ảnh Hong Kong. Ảnh: HK01. |
Hơn 20 tựa phim lên lịch phát hành vào dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên Đán đều phải hoãn chiếu do rạp đóng cửa khi chính quyền nâng mức cảnh báo, áp dụng trở lại các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt. Viên Ngạn Văn, Chủ tịch Phòng Thương mại Điện ảnh Hong Kong, cho biết ngành hiện thiệt hại hơn 64 triệu USD.
Theo đại diện Phòng Thương mại Điện ảnh Hong Kong, trước khi dịch Covid-19 bùng phát, doanh thu phòng vé luôn duy trì ở mức 1,9 tỷ HKD (243 triệu USD), nhưng đến năm 2020 đã giảm 70% và dự tính tụt xuống 80-85% trong năm 2022.
Việc cấm khán giả ăn uống tại rạp khiến doanh thu giảm 50% từ năm 2020. Điều này cộng với nhiều đợt đóng cửa rạp chiếu dài hạn chỉ trong thời gian ngắn đã dẫn đến tổn thất lớn.
Viên Ngạn Văn cho biết ngành công nghiệp điện ảnh Hong Kong khó vực dậy trong năm nay, vì đã bỏ lỡ khung thời gian vàng là mùa phim Tết để tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường và thu lợi nhuận.
Điền Khải Văn, phát ngôn viên kiêm trưởng Hội nhà làm phim Hong Kong, nhận xét rạp chiếu phim ở đây trở thành "vật chôn chân" dưới đại dịch. Ông cho biết ngày Hong Kong bình thường mới sẽ chứng kiến "đám tang" theo hiệu ứng domino của nhiều cụm rạp. Họ hiện cầm cự bằng tiền trợ cấp của chính quyền.
"Các khoản trợ cấp nhỏ giọt và ít ỏi của chính quyền, kể cả khi chủ nhà đồng ý giảm giá thuê mặt bằng vẫn là không đủ để rạp chiếu duy trì hoạt động. Chủ các rạp vẫn phải chi trả phí vận hành gần 800.000 USD/tháng. Làn sóng dịch liên tiếp là đòn giáng nặng nề với nhà đầu tư và giới nghệ thuật", Điền Khải Văn chia sẻ tình cảnh nguy cấp trên chương trình Thời báo thiên niên kỷ.
Trong bối cảnh ngành điện ảnh Hong Kong đóng băng, một số nhà sản xuất tìm hướng thoát thân ở thị trường ngoài đặc khu, với phương châm kiếm được bao nhiêu thì kiếm. Điển hình Ỷ Thiên Đồ Long ký: Cửu Dương Thần Công của Vương Tinh sau khi không thể cạnh tranh suất chiếu ở Đại lục, còn rạp Hong Kong đóng cửa, đã chuyển sang phát hành ở Malaysia và Singapore vào dịp Tết.
Phần một phim thu được 240.000 USD sau một tuần ra mắt. Đạo diễn Vương Tinh dự kiến đưa phần 2 là Ỷ Thiên Đồ Long ký: Thánh Hỏa Hùng Phong đổ bộ hai thị trường này vào ngày 17/2.
Ê-kíp Huynh đệ vượt ngục do Ngô Trác Hy, Đàm Diệu Văn đóng chính chia sẻ chấp nhận chịu lỗ để chờ đợi ngày ra mắt ở Hong Kong. Phim được xếp lịch công chiếu vào ngày 13/1, nhưng phải tạm hoãn vì vướng lệnh giãn cách.
Showbiz Hong Kong lại loay hoay đối phó dịch
Không chỉ lĩnh vực điện ảnh trải qua cảnh chật vật, ngành công nghiệp biểu diễn Hong Kong cũng điêu đứng vì Covid-19. Do sự lây lan nghiêm trọng của biến chủng Omicron, hơn 200 sự kiện biểu diễn trực tiếp, đặc biệt là các đêm nhạc ngoài trời, quy mô lớn đã bị hủy bỏ. Theo HK01, các nhà tổ chức sự kiện ước tính chịu khoản lỗ lên đến hàng trăm nghìn USD.
On cho biết ngành công nghiệp sản xuất phim truyền hình Hong Kong đang phải đối mặt với rủi ro lớn sau thời gian nằm ngoài vòng ảnh hưởng của lần tái bùng thứ 5.
Ngành phim ảnh Hong Kong bị ảnh hưởng nghiêm trọng khi đại dịch kéo dài. Ảnh: On. |
Giám chế Vương Tâm Úy của TVB cho biết sự xuất hiện gần đây của biến thể mới dễ lây lan làm tăng thêm áp lực đối với các hãng phim, đài truyền hình. Họ đang chiến đấu với đại dịch để duy trì việc ghi hình, nhưng vẫn phải đảm bảo sức khỏe cho đoàn phim.
"Việc đình quay phim hoặc chương trình truyền hình trong quá trình sản xuất gây ra tổn thất không nhỏ. Thiệt hại có thể lên đến hàng trăm nghìn HKD/ngày, thậm chí đe dọa đến kế hoạch lên sóng vì số lượng tác phẩm phát hành bị ảnh hưởng", Vương Tâm Úy nói.
Bà chia sẻ nếu là thời điểm này năm trước, lãnh đạo TVB sẽ lập tức triển khai kế hoạch dừng quay với ê-kíp ghi nhận ca nhiễm bệnh, nhưng hiện tại đài đặc biệt thận trọng trong việc đưa ra quyết định này để tránh thất thoát kinh tế.
"Ngành truyền hình đang bắt đầu thích nghi với cơ chế mới khi dịch kéo dài. Chúng tôi sẽ không vội đình chỉ hoạt động như những năm trước. TVB đang cố gắng giảm tối đa việc bị đội chi phí sản xuất. Vì vậy, dù đoàn phim Ẩn môn có nhân viên đầu tiên nhiễm bệnh, công tác ghi hình dự án vẫn tiếp tục diễn ra", Vương Tâm Úy nói.
Trần Triển Bằng chia sẻ lãnh đạo TVB hiện theo dõi sát sao tình hình của đoàn phim Ẩn môn. Ê-kíp anh được yêu cầu tạm thời không đến trụ sở đài. Trước khi bắt đầu mỗi buổi ghi hình, tất cả nhân viên đều phải làm test nhanh sàng lọc. Tùy theo số ca bệnh trong đoàn, lãnh đạo đài sẽ có biện pháp ngăn chặn sự lây lan hợp lý.
Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, hơn 5 đoàn phim của nhà đài Hong Kong như Mái ấm gia đình 4, Khinh công hay Người pháp ngôn đã nối lại công việc. Nhiều nghệ sĩ, đặc biệt là nhóm sao có con nhỏ, bày tỏ lo lắng trước tình trạng dịch Covid-19 xâm nhập đoàn phim. Họ cho biết nguy cơ bị nhiễm bệnh là rất cao khi phải ghi hình ngoại cảnh, có đông nhân viên trong lúc dịch bệnh diễn biến phức tạp.
Nam nghệ sĩ Trần Hào, Trần Triển Bằng chia sẻ phải cách ly với vợ con, đeo khẩu trang ngay cả khi về nhà trong thời gian đóng phim. Thang Lạc Văn, Hoàng Trí Văn và Lê Diệu Tường cho biết chỉ bỏ khẩu trang khi bắt đầu cảnh quay. Sau khi hoàn thành, họ lập tức tản ra xa nhau, tuyệt đối không tiếp xúc với người ngoài ê-kíp lúc quay phim ngoài đường phố.