Tối 29/4, CCTV đưa tin Ban tuyên giáo Trung ương ban hành chỉ thị yêu cầu Tổng cục thuế Trung Quốc phối hợp với Tổng cục Phát thanh, Điện ảnh và Truyền hình tiến hành rà soát, kiểm tra toàn diện vấn đề tài chính của ngành phim ảnh và truyền hình.
Trong đó, Cục thuế Thành phố Thượng Hải đã bắt tay điều tra nghi vấn trốn thuế liên quan đến Trịnh Sảng và công ty Văn hóa Bắc Kinh.
Trịnh Sảng bị điều tra trốn thuế. Ảnh: Sina. |
Vụ việc tiếp tục khiến vấn nạn sử dụng hợp đồng ma để gian lận tài chính của showbiz Hoa ngữ lần nữa dậy sóng. Năm 2018, Phạm Băng Băng cũng từng bị giới chức Trung Quốc "sờ gáy" vì sử dụng cách thức trên để trục lợi.
Các lệnh cấm, kiểm soát thuế và thắt chặt thù lao của giới nghệ sĩ đã được đưa ra, nhưng tình trạng lách luật ngầm với thủ đoạn tinh vi, sự tiếp tay giữa các bên liên quan vẫn âm thầm diễn ra.
Tân Hoa Xã cho biết hiện tại, nhiều công ty chế tác phim hàng đầu Trung Quốc đang hứng chịu cơn bão khủng hoảng, giá trị cổ phiếu toàn ngành giảm 60%. Giới nghệ sĩ lo sợ trước chiến dịch truy quét các hoạt động trốn thuế trên cả nước.
Cảnh báo mức thù lao trên trời
"Mức cát-xê không thể tưởng tượng nổi, ngang ngửa lợi nhuận ròng của 90% công ty chế tác phim ảnh được niêm yết", Nam Phương Nhật báo bình luận khi nhìn thấy giá trị hợp đồng của Trịnh Sảng.
Tờ Nhân dân Nhật báo làm phép phân tích, mức lương cơ bản của lao động Trung Quốc là 1.500 USD/tháng, còn Trịnh Sảng là hơn 311.000 USD/ngày. Để kiếm được số tiền hơn 24 triệu USD, họ phải làm việc 1.600 năm, trong khi sao nữ chỉ mất khoảng 2,5 tháng.
Trịnh Sảng nhận đến hơn 24 triệu USD cho 77 ngày làm việc. Ảnh: Sohu. |
Theo Sina, giá thù lao của nghệ sĩ trong hơn một thập kỷ trở lại đây, đang chạm đến con số không tưởng.
Giai đoạn 2000-2005, cát-xê của diễn viên chỉ chiếm 20-35% tổng chi phí sản xuất. Từ năm 2006, tỷ trọng tiền lương tăng lên 50%.
Sau năm 2010 đến nay, giá thù lao của nghệ sĩ không ngừng tăng, chiếm đến 70-80% tổng chi phí. Nói dễ hiểu, một dự án phim có kinh phí 100 triệu NDT, tiền cát-xê của diễn viên đã là 60-70 triệu NDT.
Ví dụ điển hình là Hậu cung Như Ý truyện, thù lao của hai diễn viên chính Hoắc Kiến Hoa, Châu Tấn cùng các ngôi sao khác, chiếm 1/3 tổng chi phí sản xuất 46 triệu USD. Hay để mời nam diễn viên Christian Bale diễn xuất trong Kim Lăng thập kim thoa, nhà sản xuất bỏ ra 15 triệu USD, chiếm 1/6 tổng chi phí đầu tư.
Theo Nhân dân Nhật báo, thù lao của nghệ sĩ đang đội giá qua từng năm, nhất là ở nhóm sao hạng A và nghệ sĩ thần tượng.
Sina cho biết năm 2006, khi đóng vai phụ trong Thần điêu đại hiệp, thù lao của Dương Mịch chỉ khoảng 7.726 USD. Sau khi nổi lên nhờ Cung tỏa tâm ngọc, cát-xê của cô đạt ngưỡng 46.000 USD/tập phim và không ngừng tăng. Tính đến năm 2018, thù lao của nữ diễn viên đã lên đến 132.000 USD/tập phim.
"Cát-xê của người nổi tiếng thật khiến người khác kinh ngạc mỗi khi được tiết lộ", Nhân dân Nhật báo bình luận.
Hệ lụy của vấn nạn "hét" thù lao
Theo Sina, việc nghệ sĩ được trả thù lao quá cao đã nảy sinh nhiều hiện tượng tiêu cực, nổi cộm là vấn nạn trốn thuế, cấu kết phạm pháp trong nội bộ ngành giải trí.
Trường hợp mới nhất là Trịnh Sảng, không chỉ nhận thù lao vượt quy định, nữ diễn viên còn có hành vi kê khai gian dối để trục lợi bất chính. Theo bằng chứng Trương Hằng đăng tải, chứng từ Trịnh Sảng và công ty Văn hóa Bắc Kinh nộp cho cơ quan chức năng chỉ ghi 7,4 triệu USD.
Số tiền 17 triệu USD còn lại được cô xé lẻ, lập ''hợp đồng ma" và chuyển sang công ty đứng tên cha mẹ như một khoản tăng vốn đầu tư.
Phạm Băng Băng nộp phạt 130 triệu USD sau khi bị kết luận trốn thuế, xài hợp đồng âm dương. Ảnh: iFeng. |
Sina cho biết để có thể lập được hợp đồng âm dương, nghệ sĩ và nhà đầu tư phải có sự thương thảo, trao đổi lợi ích để hợp thức hóa về mặt pháp lý của hợp đồng chính và che giấu các bản hợp đồng lót tay "anh em" phía sau.
"Nói một nghệ sĩ trốn thuế là không thỏa đáng, đó phải là một tập thể gian lận thống nhất trên dưới và có chủ đích", Sina nhận định.
Theo đạo diễn Lục Xuyên, tình trạng "thù lao trên trời" còn là nguyên nhân khiến chất lượng phim ảnh đi xuống. Để có tiền trả cát-xê cho các ngôi sao, nhà đầu tư buộc phải bóp chặt chi phí sản xuất và hậu kỳ.
Điều này dẫn đến tình trạng ê-kíp rút ngắn thời gian ghi hình, chế tác phim qua loa, thậm chí bóc lột sức lao động với nhân viên hậu trường vì thiếu kinh phí.
Trên 163, mới đây, một nhân viên của đoàn Thiến nữ u hồn lên tiếng tố nhà sản xuất trả lương thấp, đối đãi bạc bẽo từ nơi ăn cho đến chốn ở, sắp xếp thời gian làm việc vượt quá giới hạn chịu đựng.
"Cát-xê Trịnh Sảng có được đều là đồng tiền mồ hôi xương máu của các nhân viên đoàn Thiến nữ u hồn. Nhà sản xuất đã bóp chặt thời gian và công sức của chúng tôi để dành tiền trả cho cô ấy. Ai trong chúng tôi cũng kiệt sức đến chết đi sống lại mỗi ngày", nguồn tin bức xúc chia sẻ với 163.
Theo nam nhân viên hậu trường, trong khi Trịnh Sảng nhận 331.000 USD/ngày quay hình, họ chỉ được trả trung bình 30-46 USD, nhưng phải làm việc đến 18 tiếng/ngày. Mức lương này thấp hơn rất nhiều so với mặt chung trong ngành.
Đạo diễn Ngô Tư Viễn cho rằng diễn viên được trả thù lao cao ngất ngưởng, sẽ hình thành tâm lý tự tin thái quá và yêu sách trong giới nghệ sĩ. Ngoài ra, điều này cũng phản ánh nhà sản xuất chỉ chăm chăm kiếm lợi nhuận, bỏ qua chất lượng.
Ông chỉ ra nghịch lý hiện nay ở showbiz Hoa ngữ là ngôi sao càng có nhiều fan, danh tiếng cao đều nằm trong top nghệ sĩ nhận lương ngất ngưởng. Nhiều người trong số đó có năng lực kém cỏi, sản phẩm ra mắt công chúng không đạt yêu cầu, thậm chí còn có vấn đề đạo đức.
Sohu chỉ ra Trịnh Sảng hay Angelababy có diễn xuất tệ hại, nhưng lại được trả cát-xê hậu hĩnh. Số tiền họ kiếm được đã phản ánh mặt trái của quy luật kinh tế thị trường trong giới giải trí là: nghệ sĩ mang lại lợi nhuận càng lớn cho nhà sản xuất, hiển nhiên thù lao nhận được càng cao.
"Thù lao phi thực tế như vòi hút máu ngành giải phim ảnh. Không nên dung túng cho tiền lệ xấu này. Cơ quan chức năng cần mạnh tay chấn chỉnh thủ đoạn trốn thuế, chấm dứt tình trạng thù lao trên trời", Ngô Tư Viễn bức xúc.
Mở rộng chiến dịch càn quét
Sau khi Cục thuế ra lệnh điều tra toàn diện, Tân Hoa Xã bình luận: "Cơ quan chức năng mở rộng điều tra, có bao nhiêu ngôi sao ăn không ngon, ngủ không yên?".
Theo Sina, sự việc của Trịnh Sảng đang khiến ngành giải trí Hoa ngữ xảy ra biến động. Gần đây, hơn 75 nghệ sĩ nổi tiếng như Ngụy Đại Huân, Đặng Siêu, Na Anh, Ngô Tuyên Nghi, Tỉnh Bách Nhiên... gây bàn tán khi bất ngờ xin thoái vốn, rút giấy phép kinh doanh và xóa sổ phòng làm việc cá nhân.
Hai nghệ sĩ có văn phòng liên kết bị đóng cửa nhiều nhất là Huỳnh Hiểu Minh 47 công ty, tiếp theo là Chương Tử Di 29 công ty.
Nghệ sĩ Trung Quốc bị đánh giá chiêu trò, không tuân thủ luật pháp. Ảnh: Bazaar. |
Trong đó, có không ít người từng nằm trong danh sách nghi vấn trốn thuế, phải xin nộp bù để tránh điều tra và xử phạt từ Tổng cục thuế sau vụ bê bối của Phạm Băng Băng.
Sohu cho biết phòng làm việc cá nhân thực chất là một trong những "thủ đoạn" ngầm giúp giới nghệ sĩ lách thuế với chênh lệch thuế suất là 5%. Đa số phòng làm việc cá nhân của các ngôi sao đều được đặt ở thành phố nằm trong chính sách miễn thuế 5 năm của Chính phủ.
Theo Tân Hoa Xã, giới chức Trung Quốc trong vụ việc lần này sẽ không khoan nhượng cho nghệ sĩ phạm pháp. Nhất là khi sự vụ của Phạm Băng Băng đã được xem như bài học nhãn tiền, lời cảnh cáo và răn đe cho người nổi tiếng.
Chính sách bình ổn thù lao, kiểm soát thuế quan và hợp đồng kinh tế được ban bố để chấn chỉnh trên dưới hoạt động ngành, nhưng tình trạng hợp đồng âm dương và vấn nạn "hét" giá cát-xê vẫn tồn tại.
Điều này cho thấy ý thức tôn trọng pháp luật của nghệ sĩ Hoa ngữ và công ty giải trí quá kém. "Lưu Hiểu Khánh ngồi tù, Phạm Băng Băng mất trắng sự nghiệp vẫn chưa là đòn giáng mạnh để các ngôi sao sáng mắt?", Tân Hoa Xã đặt câu hỏi.
"Bất kỳ ngôi sao nào trốn thuế cũng sẽ bị xử lý và chế tài theo luật định", CCTV đăng tải thông điệp từ Ban tuyên giáo Trung ương.