Chị Đỗ Minh (quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết đã đặt hàng một sản phẩm bản đồ cắm cờ các quốc gia trên Shopee. Sản phẩm được bán trong danh mục sản phẩm đồ chơi giáo dục cho trẻ em với giá là 189.000 đồng. Sau khi nhận được hàng hóa, chị Minh bất ngờ thấy nội dung hoàn toàn không phù hợp với trẻ em.
Sản phẩm hoàn toàn không ghi nhãn mác bằng tiếng Việt, chỉ có tiếng Trung Quốc và tiếng Anh. Bên ngoài ghi sản phẩm “Made in China”. Sản phẩm gồm có một tấm bản đồ bằng nhựa cứng, kèm theo các lá cờ một số quốc gia. Trẻ em sẽ chơi bằng cách cắm lá cờ của quốc gia vào vị trí tương ứng trên bản đồ.
Sản phẩm được đăng bán trên Shopee. |
Tuy nhiên, cũng giống như hộp bên ngoài, nội dung ghi trên bản đồ và các lá cờ đều là tiếng Trung Quốc và tiếng Anh. Đặc biệt, tại khu vực biển Đông có hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, bản đồ ghi chú thích South China Sea và đi kèm là hình cắt khúc 9 đoạn, thể hiện tham vọng chủ quyền sai trái của Trung Quốc trên vùng biển này.
“Hình ảnh quảng cáo trên Shopee không hề rõ ràng để phụ huynh biết được nội dung tấm bản đồ. Đường 9 đoạn thể hiện chính sách đường lưỡi bò của Trung Quốc, ngang nhiên xâm phạm chủ quyền Việt Nam. Khi tôi mua về mới biết nội dung, nên hoàn toàn không dám cho cháu sử dụng mà phải bỏ đi”, chị Minh bức xúc nói.
Toàn cảnh tấm bản đồ và nội dung dòng chữ "South China Sea". Ảnh: Hiếu Công. |
Theo tìm hiểu của Zing.vn, sáng ngày 2/8, sản phẩm bản đồ cắm cờ các quốc gia mà chị Minh phản ánh vẫn được bày bán trên mục đồ chơi của Shopee. Sản phẩm có ghi xuất xứ Trung Quốc và được một đơn vị thứ 3 đăng bán trên Shopee. Đơn vị thứ 3 này là website Dochoigiaoducsom.com. Khi truy cập vào website trên, có rất nhiều bản đồ tương tự cũng được bày bán. Tuy nhiên, website không hề có địa chỉ giao dịch, tên công ty mà chỉ có số điện thoại.
Khi gọi điện đến số điện thoại trên, người bán hàng thừa nhận đăng bán sản phẩm thông qua Shopee và sẵn sàng cung cấp sản phẩm nếu khách hàng có nhu cầu. Trụ sở của người bán hàng này nằm tại một khu đô thị cạnh đường 70, địa phận quận Nam Từ Liêm, Hà Nội.
Sản phẩm được sản xuất tại Trung Quốc, không hề có nhãn phụ bằng tiếng Việt. Ảnh: Hiếu Công. |
Trao đổi với Zing.vn, đại diện Shopee cho biết trang thương mại điện tử này đã nhanh chóng rà soát lại toàn bộ các sản phẩm liên quan trên toàn sàn và có biện pháp xử lý kịp thời. Đội ngũ nhân sự kiểm duyệt chuyên trách của Shopee đã rà soát thông tin và xóa sản phẩm này khỏi trang.
“Để đề phòng tối đa các trường hợp tương tự có thể xảy ra, Shopee cũng mở rộng việc rà soát với các sản phẩm có liên quan đến bản đồ để chắc chắn các sản phẩm tương tự không được đăng bán”, vị này cho biết thêm.
Tuy nhiên, khi được hỏi liệu Shopee có biện pháp nào để xử lý những sản phẩm đã bán, ngoài ra có đền bù hay thu hồi hay không, đại diện hãng này vẫn chưa có câu trả lời.
Trưa 2/8, sản phẩm đã bị gỡ khỏi Shopee. |
Bà Lại Việt Anh, Phó cục trưởng Cục thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), cho biết đơn vị này đã nắm được thông tin Shopee bán bản đồ có nội dung không đúng về chủ quyền Việt Nam. Bà Việt Anh thừa nhận hình ảnh về sản phẩm trên Shopee rất khó để người mua nhận biết được nội dung, chỉ khi mua về thì mới phát hiện ra.
Ngay sau đó, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã có văn bản gửi Shopee và nhiều sàn thương mại điện tử khác yêu cầu rà soát và gỡ tất cả sản phẩm có nội dung như trên.
“Chúng tôi yêu cầu trước mắt là gỡ đã. Sau đó sẽ phối hợp với quản lý thị trường để đi kiểm tra các nguồn hàng và xử lý”, bà Việt Anh nhấn mạnh.
Đây không phải là lần đầu tiên các sản phẩm có bản đồ hình chữ U phi pháp thể hiện tham vọng của Trung Quốc trên Biển Đông được bán ở Việt Nam. Giới quan sát đánh giá đây là một phần của kế hoạch tuyên truyền của nước này.
Shopee là một sàn thương mại điện tử được ra mắt tại Singapore vào năm 2015 phát triển chủ yếu trên thiết bị di động. Chủ của Shopee là tập đoàn SEA group (Singapore). Tháng 8/2016, Shopee bắt đầu ra mắt tại thị trường Việt Nam.
Chiến lược của Shopee là tập trung vào thị trường Đông Nam Á gồm Singapore, Malaysia, Indonesia, Thái Lan, Philippines và Việt Nam.
Mô hình ban đầu của Shopee Việt Nam là C2C, nghĩa là trang này làm trung gian trong quy trình mua bán giữa các cá nhân với nhau. Sau đó Shopee cho thêm mô hình B2C (doanh nghiệp bán cho người tiêu dùng). Shopee không tính phí của người bán, hoa hồng và phí đăng bán sản phẩm.
Tính đến năm 2017, nền tảng này đã ghi nhận 80 triệu lượt tải ứng dụng, tại Việt Nam là hơn 5 triệu lượt.