Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Shipper Trung Quốc giữa ma trận của những thuật toán

Các thuật toán - vốn đóng vai trò nền tảng trong những ứng dụng đặt hàng và vận chuyển đồ ăn ở Trung Quốc - đang đẩy đời sống các tài xế vào tình thế bấp bênh và nguy hiểm.

van chuyen do an o Trung Quoc anh 1

Vận chuyển một đơn hàng đúng như thời gian cam kết, tài xế giao đồ ăn Zhuang Zhenhua khấp khởi đánh dấu hoàn thành công việc thông qua ứng dụng Meituan.

Tuy nhiên, nhân viên người Trung Quốc bất ngờ bị trừ một nửa số thù lao kiếm được từ đơn hàng. Trục trặc xuất hiện do ứng dụng đã sai sót khi ghi nhận ông Zhuang giao hàng muộn, tự động buộc ông chấp hành mức chế tài mặc định.

Theo ông Zhuang, hình phạt nói trên là một trong nhiều cách mà các công ty vận chuyển kiếm lợi từ hàng triệu nhân viên giao hàng, trong bối cảnh dịch vụ này bùng nổ ở Trung Quốc.

Nhằm giải quyết tình hình trên, nhà chức trách buộc các công ty như Meituan và Ele (trực thuộc Alibaba) bảo đảm các biện pháp bảo vệ người lao động, trong đó có mua bảo hiểm, bồi thường thiệt hại, cũng như ngăn chặn các thuật toán - đóng vai trò hoạch định lộ trình và thời gian di chuyển - "khuyến khích" người lao động lái xe nguy hiểm.

Dù vậy, AFP nhận định có rất ít thay đổi trong thực tế.

van chuyen do an o Trung Quoc anh 2

Nhà chức trách Trung Quốc đã yêu cầu các công ty công nghệ thực hiện các biện pháp bảo vệ người lao động. Ảnh: AFP.

Thời gian càng ngắn, nguy hiểm càng tăng

Thông thường, cách duy nhất để hoàn thành đơn hàng đúng thời gian là "đi thật nhanh, vượt đèn đỏ và lái xe sai phần đường", ông Zhuang cho biết.

"Lúc đầu, (ứng dụng cho phép) 40-50 phút để hoàn thành một đơn hàng. Giờ đây, đối với đơn hàng trong khoảng cách 2 cây số ở cùng thời điểm, chúng tôi chỉ còn 30 phút", ông Zhuang giải thích.

Theo một báo cáo do Hiệp hội Khách sạn Trung Quốc (CHA) thực hiện, Covid-19 cùng những đợt phong tỏa đã khiến nhu cầu về dịch vụ giao hàng bùng nổ. CHA cho biết lĩnh vực này đã đạt đến quy mô 100 tỷ USD.

Tại Trung Quốc, cuộc cạnh tranh về dịch vụ giao hàng trên các ứng dụng di động đã mở rộng tới hầu hết khía cạnh của cuộc sống hiện đại.

Thực tế này có được nhờ sự phổ biến của đối tượng người dùng am hiểu công nghệ - vốn thường xuyên sử dụng dịch vụ giao hàng nhanh - cùng nguồn lao động giá rẻ sẵn có.

Tuy nhiên, sau nhiều năm tăng trưởng không hạn chế, chính phủ Trung Quốc dường như đang muốn kiểm soát các "Big Tech" (những công ty công nghệ lớn nhất thị trường) chặt chẽ hơn.

Cả Tencent, Didi và Meituan đều bị nhắm đến trong các quy định liên quan đến chống độc quyền. Riêng Alibaba từng nhận mức phạt kỷ lục 2,8 tỷ USD vì "trục lợi trái phép" từ vị trí thống lĩnh thị trường trong một cuộc điều tra hồi đầu năm.

Công chúng ngày càng lo ngại về lượng dữ liệu mà các ứng dụng đặt hàng phổ biến xử lý mỗi ngày. Nhà chức trách Trung Quốc đã chỉ đạo cơ quan giám sát an ninh mạng xem xét cách thức các tập đoàn công nghệ sử dụng thuật toán để vận hành ứng dụng.

Gần đây, tỷ lệ nghịch với thời gian giao hàng được rút ngắn như lời quảng cáo về chất lượng dịch vụ là các vụ tai nạn giao thông của tài xế gia tăng.

Trên quy mô toàn cầu, lĩnh vực giao đồ ăn nhanh cũng đối mặt với nhiều điều tra về việc sử dụng lao động, trong đó chủ yếu là người làm việc tự do với mức lương thấp, ít quyền lợi và thường được thuê thông qua các công ty dịch vụ để tránh các khoản phúc lợi.

van chuyen do an o Trung Quoc anh 3

Cuộc cạnh tranh về dịch vụ giao hàng dựa vào các ứng dụng di động đã mở rộng tới hầu hết khía cạnh của cuộc sống hiện đại. Ảnh: AFP.

Công việc nhiều rủi ro

Theo số liệu của chính phủ, "gig economy" (nền kinh tế về những công việc thời vụ) ở Trung Quốc đang thu hút tới 1/4 triệu lao động nước này, tương ứng với 200 triệu người lao động "linh hoạt".

Hai sự việc gây nhức nhối gần đây là trường hợp một gia đình ở Bắc Kinh chỉ nhận được khoản bồi thường ít ỏi cho người thân qua đời khi đang giao hàng cho Ele, và một người chọn cách tự thiêu vì tranh chấp lương bổng với công ty quản lý.

Những câu chuyện nêu trên lập tức thu hút sự chú ý của dư luận đối với hoàn cảnh khó khăn của các tài xế giao hàng cho một số ứng dụng.

Dù được xem là ngành dịch vụ thiết yếu, nhất là vào thời kỳ khó khăn của đại dịch, các tài xế chỉ kiếm được trung bình khoảng 1.200 USD/tháng - mức khá thấp ở Trung Quốc.

Ông Zhuang cho biết nhiều người cảm thấy rủi ro do phải dựa vào các thuật toán của ứng dụng để xác định tuyến đường cũng như thời gian di chuyển cần thiết.

Một nhân viên giao hàng họ Liu cho rằng thời gian giao hàng bao gồm cả khâu chuẩn bị thức ăn - yếu tố vốn nằm ngoài tầm kiểm soát của ông. “Nếu chậm trễ, tài xế sẽ phải chịu trách nhiệm”, người đàn ông 40 tuổi cho biết. Ông nói việc từ chối đơn hàng từ những người bán chậm chạp cũng gặp khó khăn.

Meituan - công ty có hơn 628 triệu người dùng - khẳng định đã tính toán thời gian cần thiết cho một hành trình theo bốn hướng, sau đó chọn ra thời gian của cung đường dài nhất và thêm vào một khoảng để dự phòng.

Meituan cho biết những quy trình tương tự được đưa ra trên cơ sở đặt "an toàn của tài xế" là ưu tiên hàng đầu, bên cạnh "nhu cầu của người dùng". Hãng công nghệ nhấn mạnh các tài xế có thể phản hồi đối với chế tài thiếu công bằng.

Vào tháng 10, Meituan thông báo sẽ tối ưu hóa "chiến lược thuật toán", cung cấp các khoản phụ cấp lớn hơn để giúp các tài xế tránh được điều kiện làm việc nguy hiểm.

Tuy nhiên, Kendra Schaefer, chuyên gia tại công ty tư vấn Trivium ở Bắc Kinh, nói sự thiếu minh bạch trong quy trình xác định yêu cầu của tài xế và khoản bồi thường trên các nền tảng công nghệ cũng là một vấn đề quan trọng.

van chuyen do an o Trung Quoc anh 4

Dựa vào thuật toán được xây dựng trên các ứng dụng công nghệ khiến các tài xế gặp nhiều rủi ro. Ảnh: AFP.

“Một thuật toán được xây dựng để tối ưu hiệu quả công việc. Điều đáng tiếc là trong xã hội hiện đại, các thuật toán này có chi phí đánh đổi là con người”, bà Schaefer nói.

"Mọi người đều muốn các tài xế được đối xử tốt hơn nhưng không ai muốn trả tiền cho họ", bà Schaefer khẳng định.

Trên thực tế, các tài xế thường là lao động nhập cư, tay nghề thấp và đến từ nông thôn. Họ không có nhiều cơ hội việc làm ở các thành phố.

"Nếu được lựa chọn, tôi chắc chắn không làm tài xế giao hàng. Đó là một công việc nguy hiểm và nhiều rủi ro", ông Zhuang nói.

Du lịch châu Á mở cửa nhưng nguồn thu lớn nhất đang 'mắc kẹt'

Dù mở cửa trở lại, ngành du lịch các nước châu Á đang phải chật vật thích ứng khi không còn nguồn thu lớn nhất là nhóm du khách đến từ Trung Quốc.

Dân Trung Quốc đổ xô tích trữ, siêu thị thiếu hụt hàng hóa

Trên các mạng xã hội ở Trung Quốc, người dân phàn nàn tình trạng mua hàng tích trữ những ngày qua dẫn đến sự thiếu hụt nguồn cung nhu yếu phẩm.

Phạm Ân (Theo AFP)

Bạn có thể quan tâm