Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Shipper tại TP.HCM chỉ được chở mặt hàng thiết yếu

Phó chủ tịch TP.HCM cho biết TP ghi nhận một số trường hợp mua bán trang phục của shipper để kiếm cớ ra đường. Ông khẳng định shipper hoạt động chỉ được chở mặt hàng thiết yếu.

Tại họp báo cung cấp thông tin về tình hình dịch Covid-19 tại TP.HCM sáng 25/7, phóng viên đặt câu hỏi về việc thời gian qua lượng phương tiện giao thông đi lại tại TP.HCM tăng, đặc biệt có tình trạng mua bán áo của shipper để kiếm cớ ra đường, TP.HCM có biện pháp nào để xử lý.

Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức cho biết hiện nay, trên 2/3 xe đang đi trên đường là shipper. Shipper có 2 dạng là shipper công nghệ, hoặc xe ôm truyền thống chuyển qua làm shipper.

Ông Đức cho biết mục tiêu cao nhất là đảm bảo quản lý giao lưu, giữ giãn cách trong thời gian này. Tuy nhiên, việc vận chuyển hàng hóa thiết yếu không thể dừng được, bởi nếu thiếu thì người dân, các tổ chức sẽ gặp rất nhiều khó khăn để duy trì hoạt động tối thiểu hàng ngày như ăn uống, sinh hoạt.

dich Covid-19 bung phat tai TP.HCM anh 1

Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức chủ trì họp báo ngày 25/7. Ảnh: Thu Hằng.

Trước câu hỏi của báo chí về tình trạng người dân mua áo shipper mặc để kiếm cớ ra đường, Phó chủ tịch Dương Anh Đức cho biết thành phố đã nắm được tình trạng này và đã yêu cầu các chốt kiểm soát thắt chặt kiểm tra, xử lý khá nhiều trường hợp.

Ông cho biết bằng nghiệp vụ, công an có thể phân biệt được ngay ai giả làm shipper. Ví dụ, shipper công nghệ phải có ứng dụng và lệnh giao dịch trong điện thoại. Thành phố hiện áp dụng giải pháp mang tính răn đe để người dân không lợi dụng lý do này và ra đường.

Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP.HCM Trần Quang Lâm khẳng định shipper chỉ được hoạt động nếu vận chuyển mặt hàng thiết yếu, và shipper được quyền từ chối hàng hóa không phải thiết yếu.

"Lực lượng chức năng kiểm tra nếu không phải shipper và không chở mặt hàng thiết yếu thì có thể xử lý", ông Lâm cho hay.

Nói về vấn đề này, Phó bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết lực lượng chức năng đang tăng quản lý, tuần tra người ra đường không lý do, đặc biệt trường hợp mua bán trang phục của shipper để ra đường, sắp tới, ngành chức năng sẽ có biện pháp cụ thể hơn để giải quyết.

dich Covid-19 bung phat tai TP.HCM anh 2

Người dân TP.HCM được yêu cầu hạn chế ra ngoài trong thời gian giãn cách xã hội. Ảnh: Chí Hùng.

TP.HCM áp dụng Chỉ thị 16 từ 0h ngày 9/7 đến 1/8. Từ 24/7, thành phố siết chặt hơn nhiều quy định trong giai đoạn giãn cách. Trong đó, TP.HCM thu hẹp nhóm đối tượng được phép hoạt động trong thời gian giãn cách.

Với khu phong tỏa, TP.HCM yêu cầu thực hiện triệt để "người cách ly với người, gia đình cách ly với gia đình", tuyệt đối không được tiếp xúc trực tiếp với các hộ gia đình xung quanh. Người dân chỉ ra khỏi nhà khi có yêu cầu cấp cứu y tế. Chính quyền tổ chức mang nhu yếu phẩm thiết yếu đến từng nhà hoặc "đi chợ thay".

Tính từ 27/4 đến sáng 25/7, TP.HCM ghi nhận 58.198 ca nhiễm, hiện là tâm dịch lớn nhất cả nước.

4 lần kéo dài thời gian giãn cách xã hội của TP.HCM

Lần 1: Từ 0h ngày 31/5, TP.HCM áp dụng Chỉ thị 15 trong 15 ngày, riêng quận Gò Vấp và phường Thạnh Lộc (quận 12) áp dụng Chỉ thị 16.

Lần 2: Từ ngày 14/6, TP.HCM áp dụng Chỉ thị 15 thêm 2 tuần.

Lần 3: Từ ngày 19/6, TP.HCM áp dụng Chỉ thị 10, không nêu thời hạn.

Lần 4: Từ ngày 9/7, TP.HCM áp dụng Chỉ thị 16 trong 15 ngày.

    Thí điểm tiêm vaccine ngừa Covid-19 đợt 5 ở TP.HCM Chiều 21/7, TP.HCM tiêm thí điểm khoảng 60 liều vaccine ngừa Covid-19 đợt 5. Chiến dịch tiêm chủng sẽ đồng loạt diễn ra vào ngày mai (22/7).

Phó thủ tướng: 'Tránh tình trạng khu giãn cách chỉ chăng dây'

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhận định những khu vực vẫn xảy ra lây nhiễm là do chưa thực hiện nghiêm. Ông yêu cầu tránh tình trạng khu phong tỏa chỉ chăng dây hai đầu, không kiểm tra.

Thu Hằng

Bạn có thể quan tâm