Chiều 31/8, TP.HCM họp báo định kỳ thông tin tình hình dịch Covid-19 diễn ra trong 24 giờ và các định hướng sắp tới.
Việc shipper hoạt động trở lại, thành phố tổ chức gói an sinh hỗ trợ người dân ra sao và tiến độ tiêm vaccine, xét nghiệm của ngành y tế là những vấn đề được quan tâm tại buổi họp.
Shipper giảm áp lực cho lực lượng đi chợ hộ hiện nay
Phó giám đốc Sở Công Thương TP.HCM Nguyễn Nguyên Phương cho hay trong thời gian giãn cách xã hội, lực lượng shipper hoàn toàn có thể thực hiện hình thức đi chợ hộ cho người dân nếu được quản lý, kiểm soát tốt.
"Vừa qua Sở Công Thương có kết nối, thông tin đến các địa phương về việc khai thác nền tảng công nghệ để vận chuyển hàng hóa. Tùy địa phương, tùy khu vực, nhất là vùng xanh, nếu shipper được quản lý, kiểm soát tốt thì địa phương có thể chủ động triển khai mua hàng cho người dân", ông Phương nói.
Ông Nguyễn Nguyên Phương nhận định nếu hình thức shipper đi chợ hộ được áp dụng sẽ giảm áp lực cho lực lượng đi chợ hộ hiện nay, đồng thời cũng giảm sức ép lên nhân lực tại các chuỗi siêu thị.
Sáng cùng ngày, lực lượng shipper tại các quận, huyện thuộc vùng đỏ ở TP.HCM được hoạt động trở lại sau khi xét nghiệm nhanh tại các trạm y tế lưu động. Theo khảo sát sáng nay, nhiều ứng dụng cũng mở lại dịch vụ giao hàng tại vùng đỏ và duy trì dịch vụ ở vùng xanh.
TP.HCM chi hơn 3.687 tỷ đồng hỗ trợ người khó khăn
Ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP.HCM, cho biết trong đợt giãn cách kéo dài lần này, thành phố đã yêu cầu địa phương thống kê danh sách, bổ sung các đối tượng khó khăn được nhận hỗ trợ theo phương châm "ai khổ đều được nhận hỗ trợ".
Ông Tấn cho biết theo thống kê hồi tháng 6, số lượng hộ lao động trong các khu công nhân, khu lưu trú, khu vực nghèo, khó khăn là 266.000 hộ thì đến nay, con số đã tăng hơn 1 triệu hộ.
Người dân khó khăn ở TP.HCM được hỗ trợ 1,2 triệu đồng tiền mặt và phần quà trị giá 300.000 đồng. Ảnh minh họa: Quỳnh Danh. |
Tương tự đối với các hộ nghèo, cận nghèo, trước đó là 90.000 hộ thì hiện nay con số đã lên đến 1.230.000 hộ và chưa dừng lại ở đây.
Ngoài ra, ông Tấn cho hay qua khảo sát, diện lao động tự do ko có giao kết hợp đồng lao động theo Nghị quyết 09 của HĐND tiếp tục được hỗ trợ lần 2 là khoảng 667.000 người; người lao động tự do không giao kết hợp đồng lao động nhưng có đăng ký tạm trú được xem xét, chấp nhận lên 1.103.000 người. Trong đó, mỗi hộ được hỗ trợ 1,5 triệu đồng, bao gồm 1,2 triệu đồng tiền mặt và phần quà trị giá 300.000 đồng.
Tổng kinh phí hiện nay thành phố đã chi là 3.687 tỷ đồng từ ngân sách, trong đó có 133 tỷ từ Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TP.HCM.
Ông Tấn lưu ý đối với thành viên hộ nghèo, cận nghèo; hộ khó khăn nhưng đồng thời là lao động tự do thuộc diện được hỗ trợ nhiều diện nhưng chỉ nhận suất cao nhất là 1,5 triệu đồng.
“Trong cơn đại dịch, TP dùng nguồn ngân sách và huy động nhiều nguồn lực khác, để chia sẻ cùng bà con vượt qua khó khăn này; chứ đây ko phải chế độ. TP đang xem xét xây dựng kịch bản sau 15/9 để hỗ trợ tiếp bà con nếu dịch không kết thúc” ông Lê Minh Tấn nói.
TP.HCM đã tiêm hơn 6 triệu liều vaccine
Tại buổi họp báo chiều 31/8, ông Phạm Đức Hải, người phát ngôn của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM, cho biết từ 18h ngày 29/8 đến 18h ngày 30/8, thành phố đã lấy gần 363.000 mẫu xét nghiệm, trong đó có hơn 6.600 mẫu đơn và 7.649 mẫu gộp; gần 300.000 mẫu xét nghiệm nhanh kháng nguyên.
TP.HCM siết chặt giãn cách, tập trung xét nghiệm nhanh tất cả người dân tại vùng đỏ và vùng cam với tần suất 2 ngày một lần. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Thành phố đang điều trị 40.561 bệnh nhân. Trong ngày 29/8, TP.HCM có 2.752 bệnh nhân xuất viện, 335 trường hợp tử vong, cộng dồn từ 1/1 đến nay là 9.204 ca. Tổng số xuất viện cộng dồn từ 1/1 đến nay là 110.269 người.
Tổng số mũi vaccine đã triển khai tiêm đến ngày 30/8: 6.128.344, trong đó tổng số mũi 1 gần 5,8 triệu, mũi 2 là hơn 337.000. Số người trên 65 tuổi, người có bệnh nền đã tiêm gần 640.000.
Đến 18h ngày 30/8, thành phố có 216.314 trường hợp mắc bệnh; gồm 215.869 trường hợp nhiễm trong cộng đồng, 445 trường hợp nhập cảnh.
Về định hướng sắp tới, ông Hải cho hay: "Chúng ta không thể sống mãi trong tình trạng Chỉ thị 16, nhưng cũng chưa thể nới lỏng ngay giãn cách xã hội khi chưa đủ điều kiện. Điều thành phố có thể làm là nỗ lực tiêm phủ vaccine cho người dân", ông Hải nói.