Thủ tướng Junichiro Koizumi tiến cử Shinzo Abe mới 49 tuổi làm tổng thư ký Đảng dân chủ Tự do vào tháng 9/2003, khi cải tổ nội các lần hai. Tổng thư ký trong một đảng chính trị ở Nhật Bản được xem là nhân vật nắm quyền thứ hai sau chủ tịch.
Trước đó, cha của Yoko, Nobusuke Kishi là tổng thư ký đời đầu thời Đảng Dân chủ Tự do mới được thành lập (11/1955). Chồng bà, Shintaro Abe là Tổng thư ký thời nội các Noboru Takeshita (10/1987).
Và như vậy, 3 thế hệ liên tục là tổng thư ký Đảng Dân chủ Tự do. Việc này chưa từng có trong lịch sử. Ở một nghĩa nào đó, là thành viên của một dòng họ chính trị gia 3 thế hệ chứng kiến việc này, Yoko Abe đã phấn khích trả lời phỏng vấn của tạp chí rằng:
Ông Shinzo Abe bên cạnh mẹ - bà Yoko Abe. Ảnh: min.news |
"Điện thoại di động của Shinzo liên tục đổ chuông. Tôi cứ nghĩ không biết có chuyện gì, còn Shinzo chẳng nói gì. Sau đó, người giúp việc chạy đến nói to: 'Cậu Shinzo trúng tổng thư ký rồi ạ!' Tôi đã rất ngạc nhiên, không thể tin ngay được.
Lúc trước, truyền thông từng dự báo chồng tôi (Shintaro) sẽ là thủ tướng nhiệm kỳ tiếp theo khi Nakasone ra quyết định chính sự. Akie (vợ Shinzo) định gọi điện thoại cho Hironobu (anh của Shinzo) đang ở nước ngoài nhưng tôi ngăn lại. Tôi nói chính trị là đoạn đầu đài, không thể biết được chuyện gì sẽ xảy ra, cho đến khi có quyết định chính thức, không được nói với ai cả". (Tạp chí WILL, số tháng 11/2006).
Đó là tâm thế của Yoko với tư cách con gái Kishi - người sống qua thời đấu tranh chính trị lớn nhất sau Thế chiến thứ hai và với tư cách "tổng tư lệnh" của con trai Shinzo. Yoko còn nói thế này:
"Nghe Shinzo trở thành tổng thư ký, điều tôi nghĩ đến trước tiên là sức khoẻ của Shinzo. Bởi tôi biết cha và chồng tôi làm tổng thư ký vất vả thế nào. Shinzo từng nhập viện thời làm ở Kobe Seiko, và cả khi trở thành chính trị gia cũng từng nhập viện".
Sự lo lắng của Yoko là chính xác. Shinzo Abe nhậm chức Thủ tướng (9/2006), nhưng nhiều sự kiện liên tiếp xảy ra như Bộ trưởng Nông - Lâm - Thuỷ sản Toshikatsu Matsuoka (đương thời) tự sát, hay người kế nhiệm Norihiko Akagi cũng từ nhiệm sau đó do vấn đề tiền nong trong chi phí văn phòng… đã khiến Shinzo cuối cùng cũng từ chức với lý do viêm loét đại tràng.
"Cơ thể Shinzo thừa hưởng dòng máu của Kan Abe (ông nội), dòng máu của của Nobusuke Kishi (ông ngoại), thấm thía những khó khăn, va chạm, thậm chí đánh cược cả mạng sống khi những chuyện xảy ra trong thực tế hoàn toàn khác với sách vở. Nhờ đó Shinzo dấn thân vào chính trị với tâm thế sẵn sàng nên tôi hoàn toàn không phản đối chút nào cả.
Có điều, so với những trải nghiệm mà chồng tôi có được từ thời thơ ấu, thì Shinzo, khi lớn lên với tư cách ‘cháu ngoại của Thủ tướng’, còn quá ít kinh nghiệm. Đó là điều tôi lo lắng". (lời Yoko Abe, trích cuốn sách Shintaro Abe của tôi).
Hơn thế, đương thời, khi Shinzo Abe đảm nhiệm chức Tổng thư ký Đảng Dân chủ Tự do, Yoko đã nhìn ra tư chất chính trị gia từ tính cách của con trai.
"Tôi thường được hỏi: 'Shinzo giống cha mình, ông Shintaro Abe hay giống ông ngoại Kishi?'. Tôi thấy ‘chính sách thì giống ông, tính cách thì giống cha’. Shinzo cũng hơi nóng nảy, thường nói nhanh khi diễn thuyết.
Thời gian này, Shinzo đã nói chậm lại rồi nhưng thời gian đầu, khi Shinzo mới thành chính trị gia, có lần tôi đã nhắc nhở: 'Con nói nhanh quá, người lớn tuổi không nghe kịp đâu. Và cũng đừng mất bình tĩnh'". (tạp chí Bungei Shunju, số tháng 11/2003).
Thủ tướng Junichiro Koizumi (trái) và Shinzo Abe, ảnh chụp tháng 7/2004. Ảnh: Getty Images. |
Việc Yoko cho rằng chính sách của Shinzo giống ông ngoại rất đáng quan tâm nếu xét đến thái độ chính trị của Shinzo sau này. Yoko hầu như ít khi bộc lộ tâm tình về con trai mình với giới truyền thông.
Và theo lời kể của người bà con trong dòng họ Abe, trong quá trình anh em Hironobu, Shinzo trưởng thành, Yoko từng nói: "Nghề đáng làm đối với đàn ông là chính trị gia. Mà đã làm chính trị gia thì phải nhắm đến chức Thủ tướng".