Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB) vừa công bố báo cáo tài chính quý II với đà tăng trưởng mạnh ở hầu hết chỉ tiêu quan trọng.
Cụ thể, riêng quý II năm nay, nhà băng này ghi nhận 4.461 tỷ đồng thu nhập lãi thuần (lãi cho vay trừ lãi đi vay), tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước. Thay đổi này tương đương với việc SHB thu về nhiều hơn gần 2.300 tỷ lãi thuần từ hoạt động cho vay trong giai đoạn tháng 4-6 năm nay. Đây cũng là nguồn thu ghi nhận mức tăng tuyệt đối cao nhất của ngân hàng kỳ này.
Cũng trong quý II, hầu hết mảng kinh doanh ngoài lãi của SHB đều tăng trưởng 2-3 chữ số. Trong đó, lãi từ hoạt động dịch vụ tăng 40%, đạt 132 tỷ; lãi mua bán chứng khoán đầu tư tăng gần 10 lần, mang về 242 tỷ và lãi từ hoạt động khác tăng 17 lần, đạt 86 tỷ đồng…
Dù ngân hàng phải chi ra hơn 2.258 tỷ đồng để trích lập dự phòng rủi ro tín dụng trong kỳ, cao gấp gần 4 lần, nhưng nhờ các khoản thu tăng mạnh kể trên, SHB vẫn đạt khoản lãi trước thuế 1.431 tỷ, tăng 56%.
Tính chung 6 tháng đầu, lợi nhuận trước thuế của SHB là 3.095 tỷ đồng, tăng 87% so với cùng kỳ và hoàn thành hơn 50% so với cả hai kịch bản lợi nhuận ban lãnh đạo đã đề ra cho năm nay.
LỢI NHUẬN TRƯỚC THUẾ 6T CỦA SHB | |||||||||
Nguồn: BCTC NH | |||||||||
Nhãn | 2014 | 2015 | 2016 | 2017 | 2018 | 2019 | 2020 | 2021 | |
LNTT | tỷ đồng | 505 | 479 | 509 | 802 | 1021 | 1637 | 1660 | 3095 |
Theo chia sẻ của lãnh đạo ngân hàng, kết quả lợi nhuận kể trên có được là nhờ SHB đạt tăng trưởng cao ở hầu hết chỉ tiêu kinh doanh, đặc biệt là hoạt động tín dụng và dịch vụ ngân hàng.
Tính đến ngày 30/6, SHB có tổng tài sản đạt 458.000 tỷ đồng, tăng 11% so với đầu năm và hoàn thành 99,5% kế hoạch đại hội đồng cổ đông đã đề ra. Vốn tự có của ngân hàng cũng đạt 40.425 tỷ, vốn điều lệ là 19.260 tỷ đồng.
Hai chỉ tiêu tài chính quan trọng nhất là cho vay khách hàng và tiền gửi của khách hàng cũng ghi nhận tăng trưởng tốt, đạt lần lượt 331.500 tỷ và 310.900 tỷ đồng, tăng 8,5% và 2,4% so với đầu năm.
Đến cuối quý II, tỷ lệ nợ xấu riêng ngân hàng mẹ SHB là 1,87% và tỷ lệ hợp nhất ở mức 2%, tăng so với năm 2020. Lý do khiến nợ xấu hợp nhất của SHB tăng là do ảnh hưởng từ dịch Covid 19 tại Lào và Campuchia, tác động đến việc phân loại nợ 2 ngân hàng con của SHB tại các quốc gia này.
Đáng chú ý, đại diện SHB cho biết trong nửa đầu năm nay, ngân hàng đã tăng cường trích lập dự phòng rủi ro, với chi phí tăng 140% so với cùng kỳ và đẩy mạnh công tác xử lý nợ Vinashin và trái phiếu VAMC.
Vị này cho biết với xu hướng này, ngân hàng có thể xử lý xong nợ tại Vinashin và mua lại toàn bộ trái phiếu VAMC ngay trong năm nay, nhanh hơn một năm so với kế hoạch ban lãnh đạo đề ra.
Trước đó, lãnh đạo SHB khẳng định 2020 là năm bản lề, khép lại quá trình sáp nhập Habubank và xử lý cơ bản các tồn đọng theo Đề án nhận sáp nhập. Năm nay và các năm tiếp theo, ngân hàng sẽ tập trung nâng cao năng lực quản trị điều hành, đảm bảo hoạt động tăng trưởng tín dụng đi cùng với chất lượng tín dụng…
Nhờ kết quả kinh doanh tăng trưởng tốt nửa đầu năm, SHB hiện cũng là một trong những cổ phiếu ngân hàng có đà tăng giá mạnh nhất trên thị trường chứng khoán.
Dù đã giảm gần 15% so với đỉnh đầu tháng 6, thị giá SHB hiện vẫn được giao dịch ở mức 27.800 đồng/cổ phiếu (cuối ngày 30/7), cao hơn 78% so với đầu năm. Thậm chí, nếu so với một năm trước, thị giá cổ phiếu này hiện vẫn cao hơn 157%.
3 ngân hàng sắp cho Vietnam Airlines vay 4.000 tỷ đồng
Theo Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế, SeABank, MSB và SHB cam kết tài trợ vốn cho Vietnam Airlines với số dư 4.000 tỷ đồng, dự kiến giải ngân trong tháng 6-7 tới.
SHB tăng vốn lên 19.260 tỷ đồng
Ngân hàng này đã phát hành hơn 175 triệu cổ phiếu để chi trả cổ tức năm 2019 với tỷ lệ 10%, qua đó tăng vốn điều lệ lên hơn 19.260 tỷ đồng, cao hơn 1.750 tỷ so với trước đó.
Con trai bầu Hiển muốn mua nửa triệu cổ phiếu SHB
Ông Đỗ Quang Vinh dự kiến chi ra hơn 15 tỷ đồng để mua vào 500.000 cổ phiếu SHB. Nếu mua thành công, con trai cả của bầu Hiển sẽ sở hữu 0,026% vốn tại nhà băng này.