- Nhà máy nước mặt Sông Đuống (NMNM Sông Đuống) cho nước uống tại vòi có giá đắt hơn so với thành phẩm từ nhà máy nước ngầm. Giá cao đồng nghĩa khó tiếp cận người tiêu dùng hơn, tại sao bà vẫn chọn theo mô hình này?
- Đối với các dự án AquaOne đầu tư, vấn đề môi trường và sức khỏe con người là quan trọng nhất. Đó cũng là chiến lược phát triển bền vững của chúng tôi.
Với các công trình nước sạch dân sinh, chúng tôi đảm bảo cân đối các ưu tiên theo thứ tự: Chất lượng nước tuyệt đối an toàn, vệ sinh, sạch và không có nguy cơ gây bệnh trước mắt cũng như lâu dài. Còn giá bán là do thành phố quy định, doanh nghiệp không được tự quyết.
Bà chủ dự án Nhà máy nước mặt Sông Đuống Đỗ Thị Kim Liên. |
- Tổng đầu tư 5.000 tỷ đồng là con số lớn cho một dự án dân sinh như NMNM Sông Đuống. Giá bán ra lại không thuộc thẩm quyền quản lý của tư nhân. Bà có nghĩ đây là khoản đầu tư lỗ?
- Quyết định đầu tư vào các dự án dân sinh, chúng tôi xác định đây là khoản đầu tư dài hạn. Dù lâu sinh lời, chúng tôi vẫn quyết làm vì một lẽ: Nước giữ vai trò đặc biệt trong đời sống sinh tồn và phát triển của con người.
Về mặt xã hội, NMNM Sông Đuống sẽ góp phần nâng cao sức khỏe người dân, đặc biệt là trẻ em, người già và phụ nữ. Dùng nước sạch giúp giảm bệnh tật gây ra từ nguồn nước không hợp vệ sinh. Nhà máy cũng tạo thêm công ăn việc làm cho người dân.
Về kinh tế, những dịch vụ của nước không thể lượng giá được nhưng lại có giá trị kinh tế lớn. Dự án này sẽ góp phần đa dạng hóa các thành phần kinh tế trong sản xuất và kinh doanh nước sạch, thúc đẩy quá trình đô thị hóa của khu vực ngoại ô Hà Nội và vùng lân cận, đồng thời thu hút các nhà đầu tư.
Về chuyện lời lỗ, dự án được thành phố Hà Nội chỉ đạo các sở, ban ngành thẩm định rất kỹ để đảm bảo nhà đầu tư có được mức lợi nhuận định mức. Tuy nhiên, đây là dự án dân sinh nên mức lời định mức rất thấp.
Shark Liên cùng “đàn cá mập” của Shark Tank tham quan nhà máy trước ngày khánh thành. |
- Được biết, dự án “ngốn tiền” vì dùng công nghệ châu Âu. Vậy công nghệ này được ứng dụng ra sao trong quá trình sản xuất, vận hành nhà máy?
- Chúng tôi ứng dụng công nghệ và cấu hình châu Âu vào xử lý nước sông thành nước tinh khiết; ứng dụng vào hệ thống tự động hóa toàn bộ nhà máy cũng như quy trình xử lý bùn lắng, bùn nén.
Quy trình đó bao gồm các bước oxy hóa sơ bộ để xử lý các tạp chất hữu cơ như rong, tảo... Nước thô sẽ được sơ lắng bằng hồ sơ lắng và bơm lên hệ thống xử lý qua các bể lắng lamella, bể lọc nhanh trọng lực, bể chứa nước sạch và khử trùng. Chất lượng nước sau xử lý tuân thủ nghiêm ngặt Quy chuẩn quốc gia về chất lượng nước ăn uống (QCVN 01:2009/BYT) trước khi bơm ra mạng lưới truyền dẫn.
Bùn thải từ quá trình xử lý nước được nén tách nước bằng máy ép bùn, phơi và vận chuyển theo quy định.
- AquaOne là đơn vị đầu tiên đưa ra khái niệm "nhà máy nước quy mô vùng" và đã được Bộ Xây dựng chấp thuận. Điều này mang đến thuận lợi hay áp lực gì cho nhà máy khi vận hành?
- Xác định NMNM Sông Đuống là nhà máy nước quy mô vùng, với mạng lưới cấp nước mạch vòng, chúng tôi xem đây là chiến lược phát triển lâu dài. Thuận lợi là AquaOne có thể đảm bảo nguồn cung lớn và ổn định cho khách hàng. Khó khăn là vốn và quy mô phải đủ lớn để phát triển xuyên suốt dự án.
AquaOne không gặp áp lực gì về vận hành. Vì chúng tôi đã chuẩn bị rất kỹ đội ngũ chuyên nghiệp cho toàn bộ công tác làm chủ kỹ thuật, công nghệ, vận hành và bảo trì. Bên cạnh đó, chúng tôi luôn được sẵn sàng hỗ trợ kỹ thuật bởi đối tác từ Đức.
Nhà máy nước mặt Sông Đuống có tổng mức đầu tư giai đoạn 1 lên tới 5.000 tỷ đồng. |
- Hiện chưa có tổ chức nào chứng nhận chất lượng nước của nhà máy. Hàng ngày nhân viên nhà máy sẽ lấy mẫu, tự thí nghiệm và so sánh các chỉ tiêu theo QCVN 01:2009/BYT. Nhưng đây là chuyện khá chủ quan, AquaOne làm sao để luôn công tâm và làm nước sạch có tâm?
- Theo QCVN 01:2009/BYT, trước khi đưa NMNM Sông Đuống vào vận hành, các tổ chức y tế độc lập đã tiến hành lấy mẫu phân tích, kiểm tra chất lượng nước đầu ra. Nhà máy của chúng tôi đáp ứng 109 chỉ tiêu của QC01, đủ điều kiện hoạt động.
Khi vận hành, chúng tôi đã ký hợp đồng dài hạn với Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội về việc thực hiện xét nghiệm hàng tuần các chỉ tiêu bắt buộc theo nhóm A (QC01) chất lượng nước. Các chỉ tiêu luôn được đảm bảo rất tốt.
Ngoài ra, NMNM Sông Đuống đã đầu tư phòng thí nghiệm. Việc kiểm tra chất lượng nước thô, nước trung gian, nước sạch chỉ mang tính chất kiểm tra nội bộ. Chúng tôi đang xin cấp chứng chỉ phòng lab chuẩn theo quy định của Bộ Xây dựng.
- Nhiều người vẫn chưa hiểu hết giá trị của nước sạch, chưa phân biệt được nước thực sự vệ sinh và nước máy khác nhau thế nào. Bà có điều gì muốn nhắn nhủ tới họ?
- Trước đây khi đời sống còn khó khăn, chúng ta chỉ cần thấy nước trong, bất kể từ nguồn giếng khoan tại gia đình, hay nước giếng khoan công nghiệp và xử lý không hết các chất gây bệnh, đã thấy mãn nguyện. Tuy nhiên, cùng với đà phát triển kinh tế, đất và nước dần bị ô nhiễm nặng nề, trở thành tác nhân gây bệnh.
Chất lượng cuộc sống khá hơn, việc sử dụng nước “chất lượng sạch” là hết sức cần thiết để đảm bảo sức khỏe lâu dài. Một số quốc gia phát triển, đặc biệt là châu Âu, đã dùng nước uống ngay tại vòi từ lâu, hạn chế đóng chai gây lãng phí và ô nhiễm môi trường. Tại Việt Nam, không chỉ tôi mà mọi người đều muốn hưởng nguồn nước sạch như vậy ở bất cứ đâu mình đặt chân đến.
Theo Shark Liên, sau giai đoạn 1, NMNM Sông Đuống đảm bảo đủ cung cấp nước sạch cho 1/3 dân số Hà Nội. |
Vậy nên, trước và sau triển khai dự án, chúng tôi đã nghiên cứu kỹ những dây chuyền công nghệ xử lý nước sạch tiên tiến nhất thế giới, nhằm tối ưu hiệu quả xử lý, vận hành bảo dưỡng, tiêu thụ điện năng và hóa chất...
AquaOne luôn muốn nhắn nhủ bà con chủ động chọn dùng nước sạch. Chúng tôi cũng đề xuất các ban ngành tuyệt đối hóa việc áp dụng sử dụng nước sạch cho mọi cộng đồng dân cư, để đảm bảo 100% người dân được tiếp cận nước sạch đạt chuẩn châu Âu G7.
- Làm nước sạch, Tập đoàn AquaOne có khát vọng hay mục tiêu lớn nào thưa bà?
- Chúng tôi muốn mang nguồn nước sạch sinh hoạt đến những nơi thiếu nước, hoặc những nơi có nguồn nước bị ô nhiễm cao, hướng tới toàn dân đều được dùng nước sạch.
Với năng lực, kỹ thuật và kinh nghiệm hiện tại, AquaOne khẳng định nếu các địa phương trên cả nước đặt hàng, cứ mỗi 12 tháng, chúng tôi có thể cung cấp thêm 150.000 m3 nước sinh hoạt sạch mỗi ngày đêm, tiếp tục lan tỏa nguồn sống, giá trị nhân văn cho cộng đồng người Việt Nam.
Dự án Nhà máy nước mặt Sông Đuống được đầu tư xây dựng theo quy hoạch cấp nước Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 lên tới 5.000 tỷ đồng trên diện tích 65 ha ở hai xã Phù Đổng và Trung Mầu (Gia Lâm). Ngày 5/9, nhà máy đã chính thức khánh thành, tổng công suất 300.000 m3/ngày đêm. Theo kế hoạch, nhà đầu tư hướng tới công suất 1 triệu m3/ngày đêm để phục vụ nhu cầu sử dụng nước sạch của người dân nhiều tỉnh phía Bắc.