Trước khi mùa 5 phát sóng, nhà đầu tư này đã có những chia sẻ thẳng thắn về “khẩu vị” đầu tư của mình ở mùa này, cũng như những dự án, hoạt động của bản thân trong hơn một năm qua.
- Chào Shark Liên, bà có thể chia sẻ lý do quyết định “gật đầu” quay trở lại với Shark Tank Việt Nam mùa 5?
- Sứ mệnh làm “bà đỡ cho các startup trẻ” luôn rực cháy bên trong con người tôi, thậm chí là có phần quyết liệt hơn trước. Thời gian gần đây, tôi hướng đến nhiều dự án “tiếp lửa” cho các bạn sinh viên khắp mọi miền đất nước.
Ngoài ra, hậu đại dịch là thời điểm các nhà khởi nghiệp trẻ cần hơn bao giờ hết sự hỗ trợ nhiều mặt, từ nhiều nguồn lực khác nhau. Đó là lý do Shark Tank Việt Nam - Thương vụ bạc tỷ mùa thứ 5 nhận được cái gật đầu từ tôi ngay khi mở lời.
Việc quay lại với Thương vụ bạc tỷ mùa 5 cũng là cách để tôi tái khẳng định rằng dù ở bất kỳ đâu và đảm nhận vai trò gì, tôi vẫn mãi giữ trách nhiệm cũng như tinh thần mình đã quán triệt từ những ngày đầu. Đó là hỗ trợ cho các startup trẻ có định hướng phát triển bền vững, dẫn đầu xu thế chuyển đổi số, hướng tới bảo vệ môi trường, giúp đỡ cộng đồng và đặc biệt là hỗ trợ phát triển giáo dục.
Tôi mong rằng thông qua một mùa Shark Tank mới, bản thân có thể góp phần thúc đẩy làn sóng khởi nghiệp quốc gia, giúp đất nước ngày càng phát triển và phát triển theo cách nhân văn, bền vững nhất.
Shark Liên trong họp báo Shark Tank Việt Nam mùa 5. |
- Tham gia 3 mùa liên tiếp, bà có bao giờ nhìn lại và đánh giá những gì mình đã làm được hay không?
- Nhìn chung, ở Shark Tank mùa 3 và mùa 4, phương châm đầu tư của tôi luôn đơn giản, nhất quán - hướng đến những nhà khởi nghiệp trẻ, những dự án có sứ mệnh nhân văn, mang lại những giá trị và lợi ích thiết thực cho cộng đồng.
Tuy nhiên, trong mùa 4, theo đà phát triển của xã hội và xu thế, tôi dành nhiều sự quan tâm đặc biệt cho các startup có tính thời đại, ứng dụng công nghệ vào mô hình giữa thời điểm làn sóng chuyển đổi số đang thống lĩnh mọi mặt của đời sống.
Trong mùa 4, tôi tự hào khi là “cá mập” có nhiều thương vụ “chốt deal” thành công trên sóng nhất, với 12 thương vụ. Điều này cho thấy tôi tìm được nhiều nguồn cảm hứng, càng ngày có càng nhiều startup lựa chọn hướng đi nhân văn, bền vững, dám dấn thân chuyển đổi số đúng “khẩu vị” đầu tư của tôi. Tôi thật sự hạnh phúc vì điều này.
- Cam kết trên sóng Shark Tank mùa 4 nhiều là thế, nhưng sau đó bà có thật sự rót vốn cho tất cả không?
- Cam kết đầu tư trên sóng là một chuyện, còn việc có thật sự đầu tư sau đó hay không là một chuyện khác. Dù không quan tâm con số, tôi sẽ không rót vốn khi nhận thấy startup chưa thật sự sẵn sàng. Đáp án cho câu hỏi “Liệu startup có thật sự sẵn sàng hay chưa?” nằm trong quá trình thẩm định.
Nếu không đầu tư tài chính, tôi vẫn hỗ trợ các bạn ở khía cạnh nào đó. Đôi khi một lời khuyên đúng thời điểm cũng mang đến giá trị rất lớn giúp doanh nghiệp vượt khó. Chứ rót vốn vô tội vạ, startup sẽ ỷ lại và đánh mất động lực, tinh thần “hiếu chiến”. Tôi không muốn như vậy.
Còn một khi tôi đã thấy startup sẵn sàng, dù bức tranh tài chính có ra sao, dù thời vận có trở ngại thế nào, tôi nhất định sẽ giúp đỡ. Chẳng hạn trong đợt dịch năm rồi, ngành F&B gần như đóng băng toàn bộ, các startup thuộc lĩnh vực này hoặc là phá sản, hoặc là cầm cự. Vậy mà tôi vẫn quyết định đầu tư cho Vua Cua trong sự ngỡ ngàng của nhiều người.
Thậm chí ngày 5/5 vừa qua, nhân kỷ niệm 6 năm thành lập Vua Cua, tôi quyết định rót vốn đợt 2 cho các bạn. Đây là trường hợp trước giờ chưa có tiền lệ tại Shark Tank Việt Nam.
Shark Liên tại lễ ký kết đầu tư đợt 2 cho Vua Cua. |
- Trong mùa 5 sắp lên sóng, “khẩu vị” của bà có điều chỉnh gì để phù hợp với xu thế và nhu cầu của thị trường?
- Đồng hành cùng Shark Tank Việt Nam mùa 5, bản thân tôi mong muốn có thể tiên phong xây dựng hệ sinh thái trong lĩnh vực insurtech, thông qua các hoạt động đầu tư, tư vấn cho startup tham gia gọi vốn. Đồng thời, tôi muốn truyền cảm hứng khởi nghiệp cho đông đảo bạn trẻ theo dõi chương trình.
Về phương châm đầu tư, tôi vẫn sẽ kiên định với những gì mình đã chọn từ trước đến nay, đó là cổ vũ, hỗ trợ, chắp cánh cho những nhà khởi nghiệp Việt có tinh thần nhân văn, yêu công nghệ. Mục tiêu là để mang lại giá trị cho cộng đồng và kết nối, tạo cơ hội cho các startup Việt lan tỏa sức mạnh tại Việt Nam, vươn ra thế giới và mang các giá trị thế giới về cho các startup Việt.
Tuy nhiên, tôi yêu cầu nhiều hơn ở startup về tinh thần, mục tiêu, kỹ năng, sự sáng tạo, tính trung thực... để có thể duy trì mô hình kinh doanh hướng tới sự bền vững như cách mà họ đã chia sẻ.
Shark Liên vẫn sẽ đề cao những startup mang tính nhân văn trong mùa 5. |
- Ngoài khuôn khổ chương trình Shark Tank, bà có thể chia sẻ thêm những hoạt động, dự án của riêng mình?
- Tôi tự nhận bản thân mình tham công tiếc việc dù đã là bà ngoại U60. Tuy nhiên, nếu quan sát một cách kỹ lưỡng, nhìn chung những điều tôi tập trung làm chỉ xoay mục tiêu: Vì cộng đồng, vì người trẻ Việt.
Tôi luôn mong muốn và làm mọi cách giúp người trẻ Việt - thế hệ tiếp nối của chúng tôi - có thể tự tin bước ra thế giới, trở thành công dân toàn cầu, tiên phong đón nhận các xu thế mới, qua đó góp phần xây dựng đất nước lớn mạnh.
Để làm được điều đó, ngay sau Shark Tank mùa 4, tôi đã có chuỗi hoạt động thiết thực như đến thăm và lên kế hoạch hợp tác với Factory Berlin, nhằm mở ra cơ hội cho người trẻ và startups Việt học hỏi, kết nối.
Tôi còn thường xuyên thực hiện các buổi giao lưu tại các trường đại học, cao đẳng khắp 3 miền. Qua các buổi gặp gỡ, tôi tiếp lửa khởi nghiệp và trao truyền cảm hứng sống, giúp các bạn sinh viên có thêm niềm tin, sự kiên định để dấn bước chinh phục ước mơ cuộc đời mình.
Shark Liên và hành trình tiếp lửa khởi nghiệp, trao truyền cảm hứng sống tại các trường đại học, cao đẳng. |
Song song với đó, đầu tháng 5, tôi chính thức quay về lãnh đạo Công ty Bảo hiểm Viễn Đông (VASS) nhằm tiếp tục hiện thực hóa giấc mơ “bảo hiểm toàn dân” của mình. Tôi muốn 100% người dân Việt Nam đều có bảo hiểm, tôi muốn cả cộng đồng, dù là ai, cũng sẽ được nhà bảo hiểm bảo vệ khi rủi ro xảy đến.
Tất nhiên, ngoài các hoạt động trên, tôi vẫn tập trung vào các lĩnh vực, hoạt động mình đã và đang theo đuổi từ trước đến nay: Nước sạch, môi trường và đặc biệt là câu chuyện “hành thiện”.
Bình luận