Công nghệ 5G của Huawei đã dấy lên nỗi lo cho phương Tây rằng Bắc Kinh sẽ có thể lợi dụng nó để thu thập hàng loạt dữ liệu phục vụ mục đích gián điệp. Tuy nhiên, vào hôm thứ hai, Trung tâm An ninh Mạng Quốc gia Anh (NCSC) cho biết họ có thể giảm thiểu rủi ro về tiềm năng tình báo này.
NCSC tuyên bố có thể bảo vệ an ninh mạng trước mối đe dọa từ Huawei. Ảnh: Bloomberg. |
Mỹ có lẽ không hài lòng với tuyên bố trên vì quốc gia này muốn ngăn chặn sự “bành trướng” công nghệ 5G của Huawei ra toàn cầu. Ở chiều ngược lại, Huawei khẳng định bước đi này của họ hoàn toàn vì mục tiêu thương mại chứ không phải an ninh, chính trị.
Huawei có liên quan đến hoạt động gián điệp?
Sự e ngại đối với gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc được thể hiện rõ ở một số quốc gia. Australia và New Zealand đã chặn và cấm Huawei tham gia vào mạng 5G của họ. Mỹ hạn chế nguồn tài trợ liên bang cho việc mua thiết bị từ Huawei. Canada đang xem xét kỹ lưỡng các mối đe dọa tiềm ẩn đến từ tập đoàn này.
Người phát ngôn của NCSC nói: “NCSC cam kết bảo vệ các hệ thống mạng của Vương quốc Anh. Chúng tôi có một sự giám sát đặc biệt cũng như thấu hiểu kỹ thuật của Huawei và vấn đề an ninh mạng. Như đã làm rõ vào tháng 7/2018, NCSC thể hiện mối quan ngại xung quanh khả năng bảo mật từ phía Huawei. Chúng tôi đã đề xuất những cải tiến và hy vọng công ty này sẽ thực hiện”.
Người phát ngôn này chia sẻ thêm rằng bản báo cáo về vấn đề trên sẽ được công bố trong “tương lai gần”.
Một số quốc gia đã cấm Huawei tham gia vào hệ thống mạng 5G của nước mình. Ảnh: Reuters. |
Vào tuần trước, cựu giám đốc Cơ quan Truyền thông Chính phủ Anh (GCHQ), Robert Hannigan nhận định vấn đề này rất phức tạp, không thể chỉ đơn giản là cấm Huawei vào hạ tầng viễn thông Anh quốc. Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Anh Gavin Williamson bày tỏ “những mối quan ngại cực kỳ sâu sắc” đến đại gia công nghệ Trung Quốc.
Huawei cho biết họ đã cam kết hợp tác với các chính phủ trên khắp thế giới đồng thời khẳng định việc chia sẻ mã nguồn với GCHQ khiến công ty hoàn toàn minh bạch.
Giám đốc điều hành bộ phận kinh doanh mạng của Huawei, Ryan Ding, phủ định những cáo buộc về việc tập đoàn có dính dáng đến hoạt động tình báo của Trung Quốc. Trong lá thư gửi Ủy ban Khoa học và Công nghệ Hạ viện Anh vào tháng này, ông Ding liên tục khẳng định công việc làm ăn của Huawei không liên quan đến gián điệp.
Tuy nhiên, các nước phương Tây có cơ sở để nghi ngờ vì trong năm 2012, một báo cáo từ Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ đã phác thảo mối quan hệ mật thiết giữa Huawei và chính phủ Trung Quốc.
Ông Ryan Ding. Ảnh: Reuters. |
Giám đốc FBI Christopher Wray cho rằng điện thoại thông minh của Huawei có thể được sử dụng nhằm sửa đổi hoặc đánh cắp thông tin.
Ông Ding đoan chắc rằng Huawei chưa bao giờ và sẽ không bao giờ hỗ trợ bất kỳ quốc gia nào trong việc thu thập thông tin phục vụ cho mục đích tình báo ở các nước khác. Mặc dù vậy, sự đảm bảo từ phía ông là không đủ để ngăn chặn việc chính phủ các nước cắt đứt quan hệ và đánh giá lại sự hợp tác giữa họ với tập đoàn công nghệ này.
Mối quan hệ Anh-Mỹ có khả năng rạn nứt
Mỹ đang tăng cường áp lực lên châu Âu cũng như liên minh chia sẻ thông tin tình báo 5 nước bao gồm Mỹ, Anh, Canada, Australia, New Zealand có tên Five Eyes để chống lại Huawei.
Bản tin từ CNN ngày 18/2 cho biết nếu chính phủ Anh quyết định cho dùng thiết bị Huawei trong hệ thống 5G, quan hệ của Anh với Mỹ có khả năng rạn nứt.
Phó tổng thống Mike Pence nói vào hôm thứ bảy rằng Mỹ đã rất “rõ ràng” với các đối tác an ninh về mối đe dọa đến từ Huawei cùng những công ty Trung Quốc khác.
“Chúng ta phải bảo vệ hạ tầng cơ sở viễn thông và Mỹ đang kêu gọi tất cả đối tác an ninh của mình cảnh giác, đề phòng và từ chối bất kỳ doanh nghiệp nào làm tổn hại đến công nghệ thông tin, truyền thông cũng như hệ thống an ninh quốc gia”, Mike Pence phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich.
Phó tổng thống Mỹ Mike Pence tại Hội nghị An ninh Munich. Ảnh: Reuters. |
Đại học Oxford đã tạm ngừng nhận gói tài trợ nghiên cứu từ Huawei vào tháng trước. Chính quyền thủ tướng Angela Merkel đang tìm cách loại bỏ Huawei ra khỏi mạng 5G của Đức. Những động thái này có khả năng được thúc đẩy bởi các quyết định của chính quyền Tổng thống Donald Trump. Vào tháng 8/2018, ông Trump đã cấm các quan chức chính phủ Mỹ sử dụng các thiết bị do Huawei và ZTE sản xuất.
Căng thẳng leo thang đáng kể sau khi giám đốc tài chính của Huawei, bà Mạnh Vãn Châu bị bắt ở Canada theo lệnh từ phía chính phủ Mỹ. Sự việc đẩy đến cuộc tranh cãi ngoại giao chưa từng có tiền lệ giữa Bắc Kinh và Washington.
Huawei hiện là nhà cung cấp thiết bị mạng di động 5G hàng đầu. Cơ sở hạ tầng kỹ thuật này dự kiến sẽ nhanh hơn khoảng 100 lần so với mạng 4G hiện nay và cho phép hàng tỷ thiết bị điện tử, từ ôtô cho đến đèn giao thông nhằm kết nối và chia sẻ dữ liệu.
Năm ngoái, Huawei đã vượt qua Apple để trở thành nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn thứ 2 toàn cầu chỉ sau Samsung.