Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã đưa ra Dự thảo Hướng dẫn quản lý lao động, tiền lương, thù lao, tiền thưởng đối với người lao động và người quản lý tại Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC).
Trừ lương sếp nếu lợi nhuận thấp hơn 2.900 tỷ đồng
Theo dự thảo này, cách tính tiền lương của người quản lý chuyên trách tại SCIC sẽ được gắn với việc bảo toàn và phát triển vốn Nhà nước, nộp ngân sách với khung lợi nhuận cụ thể.
Trong đó, nếu lợi nhuận kế hoạch năm của SCIC đạt 2.900 tỷ đồng thì mức tiền lương kế hoạch các lãnh đạo tại đây nhận được sẽ bằng với mức lương cơ bản, được xác định theo Nghị định số 52/2016/NĐ-CP.
Còn nếu lợi nhuận kế hoạch thấp hơn 2.900 tỷ đồng, mức tiền lương các “sếp lớn” doanh nghiệp sẽ bị giảm trừ 0,5% lương cơ bản, với mỗi 1% lợi nhuận kế hoạch thấp hơn 2.900 tỷ, nhưng thấp nhất bằng 1,2 lần mức tiền lương bình quân chế độ.
Các "sếp lớn" tại SCIC có thể sẽ bị trừ lương nếu mức lợi nhuận công ty không đạt định mức kế hoạch. Ảnh: N.S. |
Trong trường hợp lợi nhuận kế hoạch của tổng công ty cao hơn 2.900 tỷ đồng thì mức tiền lương cũng sẽ được điều chỉnh hệ số tăng thêm so với lương cơ bản.
Cụ thể, nếu lợi nhuận kế hoạch đạt trên 2.900-3.900 tỷ đồng thì mức lương được cộng thêm tối đa bằng 0,5 lần lương cơ bản; từ 3.900-5.000 tỷ thì cộng thêm tối đa 0,7 lần lương cơ bản. Còn từ 5.000 tỷ đồng trở lên thì sẽ được cộng thêm tối đa bằng 1 lần lương cơ bản.
Ngoài ra, nếu năng suất lao động bình quân kế hoạch của SCIC giảm so với thực hiện năm trước đó, lương các lãnh đạo tại đây cũng sẽ bị giảm trừ thêm 0,5%, với mỗi 1% năng suất lao động giảm.
Trong trường hợp tổng công ty kinh doanh không có lợi nhuận, mức tiền lương bình quân sẽ được xác định theo kế hoạch sản xuất, kinh doanh so với năm trước, thấp nhất bằng mức tiền lương bình quân theo chế độ và cao nhất không quá 1,2 lần.
Còn nếu SCIC thua lỗ thì mức lương được xác định bằng mức tiền lương bình quân theo chế độ.
Tuy nhiên, trường hợp SCIC không có lãi hoặc lỗ khó có thể xảy ra.
Hiện tại, SCIC đang là doanh nghiệp quản lý phần vốn Nhà nước cực lớn tại hàng loạt doanh nghiệp đang niêm yết trên sàn chứng khoán. Chỉ tính riêng tiền chia cổ tức hàng năm, lợi nhuận SCIC thu về đã lên tới hàng nghìn tỷ đồng.
5 năm gần nhất, lợi nhuận SCIC thu về cũng đều đạt trên 5.000 tỷ đồng. Theo kế hoạch năm nay, lợi nhuận công ty dự kiến đạt khoảng 5.436 tỷ, giảm 16% so với năm 2017.
Sếp SCIC nhận lương “khủng” cỡ nào?
Thực tế, các lãnh đạo tại SCIC đang là những người sở hữu mức lương đáng mơ ước trong khối các doanh nghiệp Nhà nước.
Theo Báo cáo chế độ, tiền lương, tiền thưởng năm 2017 của đơn vị này, tính đến cuối 2017, công ty có tổng cộng 234 người lao động và 9 người quản lý doanh nghiệp.
Mức tiền lương bình quân mỗi người lao động cơ quan này năm 2017 là 32,8 triệu đồng/tháng. Riêng mức lương bình quân mỗi người quản lý tại đây lên tới 45,2 triệu đồng/tháng (mức lương cơ bản là 29,7 triệu đồng, còn lại là thù lao).
Tuy nhiên, nếu tính cả tiền thưởng hàng năm, mỗi lao động tại SCIC năm vừa qua được chi trả mức thu nhập lên tới 36,7 triệu đồng/tháng, tương đương 440 triệu cả năm. Còn mỗi sếp quản lý tại đây có mức thu nhập lên tới 65,6 triệu đồng mỗi tháng, tương đương 787 triệu đồng cả năm.
Mức lương này cao gấp đôi so với kế hoạch công bố đầu năm 2017, và cũng là mức lương rất cao so với các doanh nghiệp có vốn kinh doanh Nhà nước khác.
Trước đó, SCIC cũng cho biết quỹ tiền lương, thưởng chi trả cho người lao động và thù lao cho người quản lý tại đơn vị này được xác định theo Thông tư số 26 và 27 năm 2016 của Bộ LĐTB&XH.
Việc chi trả thu nhập của người quản lý tại đây thông qua đánh giá xếp loại. Hàng tháng, người quản lý được tạm ứng 80% tiền lương, thù lao tạm tính, 20% còn lại được quyết toán và chi trả trước 31/3 năm sau.
Tiền thưởng được xác định theo năm và được tạm ứng 90% để chi trả vào cuối năm, gắn với hiệu quả sản xuất, kinh doanh và các tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ. Phần 10% còn lại được chi trả sau khi kết thúc nhiệm kỳ.
Hiện tại, bộ máy nhân sự quản lý tại SCIC gồm 7 người, trong đó ông Nguyễn Đức Chi làm Chủ tịch HĐTV và 2 thành viên HĐTV cùng 4 Phó tổng giám đốc. Vị trí Tổng giám đốc tại đây đến nay vẫn chưa có chủ nhân sau khi ông Lại Văn Đạo nghỉ hưu từ 1/5/2016.