Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Sếp nam ngại hướng dẫn nữ nhân viên vì sợ #MeToo

Khảo sát cho thấy nhiều quản lý nam ở Mỹ dè dặt hơn khi làm việc, trò chuyện một mình với nhân viên nữ sau phong trào #MeToo. Điều này có thể khiến phụ nữ mất sự cố vấn cần thiết.

Các nhà quản lý tham dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) tuần trước ở Davos, Thụy Sĩ, đã bàn về nhiều mối lo ngại: kinh tế trì trệ, an ninh mạng, chủ nghĩa dân túy, hay xung đột.

Nhưng một vài người quản lý là nam giới còn thú nhận một nỗi lo nữa: cố vấn, dìu dắt sự nghiệp cho phụ nữ trong thời đại #MeToo.

“Bây giờ tôi phải nghĩ lại khi dành thời gian cạnh đồng nghiệp nữ trẻ tuổi hơn”, một giám đốc tài chính người Mỹ giấu tên nói với New York Times.

Điều này được cho là một hiệu ứng không ngờ đến của phong trào #MeToo, có thể khiến phụ nữ mất đi sự dìu dắt mà họ cần để thăng tiến trong công việc, nơi các sếp đa số vẫn là nam giới.

sep nam ngai nhan vien nu #metoo anh 1
Phong trào toàn cầu #MeToo đã nâng cao nhận thức về bảo vệ nữ nhân viên nơi làm việc. Tuy vậy, một số sếp nam ở Mỹ nói họ e ngại dành thời gian một mình với nhân viên nữ vì sợ bị hiểu lầm. Ảnh: Getty Images.

Phong trào #MeToo, khởi đầu cuối năm 2017, trong đó phụ nữ trên toàn thế giới mạnh dạn lên tiếng về các vụ quấy rối tình dục nơi làm việc, đã khiến hơn 200 nhân vật quyền lực trong nhiều ngành như điện ảnh, truyền thông, chính trị, hay thể thao phải từ chức hoặc mất việc, theo thống kê của New York Times. Các công ty đã buộc phải nghiêm túc hơn trong việc bảo vệ các nữ nhân viên.

Tuy vậy, 2 cuộc khảo sát riêng biệt vào năm ngoái, với gần 9.000 người được hỏi ở Mỹ, cho thấy gần một nửa các sếp nam không thoải mái khi làm việc hoặc trò chuyện một mình với nhân viên nữ, và 1 trong 6 quản lý nam không thoải mái khi cố vấn họ.

“Một số đàn ông nói họ sẽ tránh đi ăn tối với phụ nữ được họ cố vấn, hoặc họ lo ngại khi cử phụ nữ đi công tác cùng một đồng nghiệp nam”, Pat Milligan, chuyên gia nghiên cứu và tư vấn về phát triển lãnh đạo nữ giới, nói với New York Times.

Báo cáo tháng 12/2018 của WEF, xét các yếu tố như cơ hội học tập, lương, tuổi thọ, dự đoán phải mất 202 năm nữa mới có bình đẳng giới nơi làm việc, lâu hơn nhiều so với ước tính vào năm 2016 là 170 năm.

Thách thức với các công ty là phải đánh giá đúng rủi ro xảy ra quấy rối tình dục và nhận dạng những người khiến phụ nữ cảm thấy không thoải mái. “Nếu họ chỉ vô tình, có thể tập huấn cho họ, nhưng nếu họ có ác ý, cần phải hành động ngay”, bà Milligan khuyên các công ty.

“Phụ nữ cần tỏ rõ thái độ nếu cảm thấy không thoải mái. Các đồng nghiệp nam và nữ cần cùng nhau vạch ra quy tắc mới về những gì được chấp nhận ở nơi làm việc để tất cả cảm thấy an tâm”, Shelley Zalis, từ Female Quotient, một công ty thúc đẩy bình đẳng giới nơi làm việc, nói với New York Times.

#MeToo Nhật Bản: Phụ nữ bị quấy rối thành nạn nhân lần hai bởi dư luận

Làn sóng #MeToo ở Nhật đang có những bước biến chuyển mạnh mẽ, tuy nhiên phụ nữ vẫn chịu nhiều định kiến nặng nề từ dư luận, đặc biệt sau khi họ lên tiếng tố cáo kẻ xâm hại.

#Metoo: Khi nạn nhân bị quấy rối tình dục phá vỡ sự im lặng

Chiến dịch "#Metoo" kêu gọi nạn nhân của quấy rối tình dục lên tiếng, phanh phui hàng loạt yêu râu xanh tại trường học, công sở, tác động mạnh mẽ lên xã hội tại nhiều nước.


Trọng Thuấn

Bạn có thể quan tâm