Ông chủ Masan cho rằng "phải thẳng thắn, Masan làm chưa tốt việc chưa chủ động, còn ít chia sẻ các thông tin về các vấn đề với báo chí".
"Chúng ta nghĩ rồi mọi người sẽ hiểu. Trên thực tế, Masan phải làm tốt hơn công tác chia sẻ với cộng đồng xã hội, phải cởi mở hơn để chia sẻ", ông nói.
Theo ông Quang, "người tiêu dùng sẽ là người quyết định. Masan phải cố gắng làm tốt cả hai điều: làm thế nào để người tiêu dùng tin và dùng và phải làm tốt hơn câu chuyện mình chưa làm tốt".
"Không ai hoàn hảo, quan trọng là nhìn ra, hiểu hơn để làm tốt hơn ngày hôm qua".
Ông nói ra nước ngoài, chúng ta thấy các sản phẩm nước mắm nhưng hầu như không phải Made in Việt Nam, dù có những cái tên địa danh Việt. Phần nhiều nước mắm bán ở các thị trường này từ Thái Lan, Hong Kong. Và các doanh nghiệp như Masan phải nỗ lực để các sản phẩm Việt Nam ra được nước ngoài.
Trả lời về câu hỏi sự cố Chinsu bị thu hồi tại Nhật Bản ảnh hưởng ra sao tới hoạt động kinh doanh của công ty, ông Danny Le, Giám đốc Chiến lược và Phát Triển của Masan Group, cho rằng bất kỳ thị trường nào cũng có những vấn đề không lường trước được.
Mảng gia vị tăng trưởng 35% bất chấp khủng hoảng
Nói với cổ đông, ông Danny Le cho biết trung bình mỗi người tiêu dùng Việt Nam trong năm 2018 chi 17 USD cho các sản phẩm của Masan dựa trên kết quả tổng doanh thu của tập đoàn là 1,7 tỷ USD.
Bất chấp một số khủng hoảng truyền thông, Masan vẫn đạt kết quả tăng trưởng 35% trong mảng gia vị, và chiếm hơn 65% thị phần toàn thị trường. Năm 2019, Masan đặt mục tiêu tăng trưởng mảng kinh doanh này ở mức chỉ trên 10%.
Trong khi đó, tại đại hội cổ đông 2017, Masan cho biết mỗi người Việt đang trả 2 USD/tháng cho sản phẩm Masan. Và mục tiêu doanh nghiệp này đặt ra đến năm 2020, mỗi người tiêu dùng có thể chi thấp nhất 10 USD/tháng mua các sản phẩm của Masan.
Năm nay, tập đoàn Masan đặt mục tiêu mỗi người tiêu dùng Việt sẽ chi 19-21 USD/năm cho các sản phẩm của tập đoàn. Doanh thu mục tiêu của toàn tập đoàn là 1,9-2,1 tỷ USD, tăng trưởng 18-31% so với năm 2018.
Chủ tịch Masan Nguyễn Đăng Quang phát biểu tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2019 sáng 24/4. |
Trong đó, Masan Consumer dự kiến tăng trưởng 21-35%, Masan Nutri-Science kỳ vọng tăng trưởng hơn 20%, Techcombank đặt mục tiêu tăng trưởng hơn 15% còn Masan Resources hy vọng tăng trưởng 12-24%.
Trong dài hạn, ông Danny Le khẳng định Masan hướng tới mục tiêu 5 tỷ USD doanh số, khi đó mỗi người Việt sẽ chi khoảng hơn 50 USD cho các sản phẩm của Masan.
Ông Nguyễn Đăng Quang: Tôi không chọn mì gói để khởi nghiệp
Phát biểu trước cổ đông, tỷ phú Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch HĐQT tập đoàn, cho biết một người bạn ông đã đặt câu hỏi vì sao một người học về vật lý hạt nhân lại đi buôn mì gói.
"Tôi không chọn mì gói, mà bối cảnh dẫn chúng tôi đến lựa chọn này. 20 năm trước, chúng tôi đói, và chỉ mong được ấm bụng với một gói mì gói. Và chúng tôi phát hiện ra không chỉ người Việt Nam đói, cần gói mì mà 140 triệu người Nga không dùng khoai tây và cũng cần gói mì để giải quyết cơn đói. Đó là cách Masan bắt đầu sự nghiệp", ông chủ Masan nói.
Tại đại hội, Masan cũng công bố kết quả kinh doanh trong 3 tháng đầu năm 2019. Ngành hàng quan trọng nhất của công ty, chiếm tới 45% doanh thu của Masan Consumer là gia vị tăng trưởng 5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, sản phẩm tương ớt của Masan vừa dính lùm xùm phải thu hồi hơn 18.000 chai tại Nhật Bản tăng trưởng tới 20%.
Hai ngành hàng mỳ ăn liền và đồ uống cũng tăng trưởng lần lượt 5 và 28% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, một số danh mục sản phẩm đang được Masan phát triển là cà phê, thịt chế biến và bia lại ghi nhận mức giảm 14%. Hiện 3 ngành hàng này chỉ chiếm tổng cộng 8% toàn doanh thu của Masan Consumer.