Tổng CTCP Xây dựng Số 1 (UPCoM: CC1) vừa thông báo ông Lê Bảo Anh - Phó chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc đã mua vào hơn 13,7 triệu cổ phiếu trên tổng số 14 triệu cổ phiếu đã đăng ký mua trong thời gian từ 6/11 đến 4/12. Lý do ông Bảo Anh không mua hết lượng cổ phiếu đăng ký bởi không đạt thỏa thuận như dự kiến.
Sau giao dịch, vị lãnh đạo này đã nâng sở hữu tại CC1 từ 6.881 cổ phiếu lên hơn 13,7 triệu cổ phiếu, tương đương 3,8% vốn doanh nghiệp.
Trong khoảng thời gian đăng ký giao dịch, cổ phiếu CC1 đã ghi nhận một giao dịch thỏa thuận với khối lượng 12,5 triệu cổ phiếu, tổng giá trị 152 tỷ đồng vào ngày 7/11. Đây có thể giao dịch mà ông Bảo Anh đã thực hiện. Kể từ đó đến ngày 4/12, cổ phiếu CC1 không xuất hiện thêm giao dịch thỏa thuận nào.
Với 1,2 triệu cổ phiếu còn lại, ông Bảo Anh có thể đã mua gom thông qua các phiên khớp lệnh trên sàn.
Đáng chú ý, trong giai đoạn 6/11-4/12, thị giá cổ phiếu CC1 cũng đã tăng từ mức 13.000 đồng/cổ phiếu lên 16.400 đồng, tương đương mức tăng ròng hơn 26%. Tính theo giá trung bình, ước tính ông Bình đã phải chi ra thêm 17 tỷ đồng để thực hiện các giao dịch khớp lệnh cổ phiếu CC1 trên sàn.
Trên thị trường, hiện thị giá cổ phiếu CC1 đang giao dịch quanh mức 17.000 đồng/cổ phiếu, tăng khoảng 40% so với đầu tháng 11.
Diễn biến giá của mã cổ phiếu CC1 trong thời gian gần đây. Ảnh: Tradingview. |
Được biết, CC1 là thành viên thuộc liên doanh Vietur trúng gói thầu hơn 35.000 tỷ đồng thuộc dự án sân bay Long Thành hồi tháng 8. Thông tin trúng thầu này đã giúp giá cổ phiếu CC1 tăng 140% kể từ tháng 5 đến tháng 8.
Mới đây CC1 cũng đã thống nhất chủ trương thoái vốn đầu tư tại 3 công ty, gồm CTCP Đầu tư và Xây dựng CC1 Miền Bắc; CTCP Đầu tư Nhân Phúc Đức và CTCP Xây dựng Số 1 Việt Hòa. Tổng số tiền dự kiến thu về không thấp hơn 306 tỷ đồng.
Về tình hình kinh doanh, quý III năm nay, CC1 ghi nhận doanh thu gần 1.270 tỷ đồng, không thay đổi nhiều so với cùng kỳ. Tuy nhiên, lãi sau thuế của công ty lại giảm 19%, về còn 18 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng, doanh nghiệp đạt 38 tỷ đồng lãi sau thuế, giảm 21% so với cùng kỳ.
Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của Znews đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.