Xoay quanh dự án 14 nhà vệ sinh công cộng bằng thép không gỉ có tổng kinh phí 15 tỷ tại Hà Nội và câu chuyện lãng phí trong xây dựng cơ bản gắn với tham nhũng, phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Đực, Phó giám đốc Công ty địa ốc Đất Lành.
- UBND TP. Hà Nội vừa phê duyệt dự án xây dựng 14 nhà vệ sinh công cộng bằng thép không gỉ với tổng mức đầu tư 15 tỷ đồng được lấy từ ngân sách. Suy nghĩ của ông về dự án này?
- 14 nhà vệ sinh ở Hà Nội cũng giống như nhà vệ sinh ở Quảng Ngãi hơn 500 triệu/nhà. Đây là một sự lãng phí ghê gớm, đi kèm với thất thoát trong xây dựng cơ bản.
Cứ thử tính đơn giản thế này, diện tích nhà vệ sinh đó là bao nhiêu? Lấy mức giá 1 tỷ mà chia cho diện tích đó thì tính ra ngay bao nhiêu tiền/mét vuông 1 nhà vệ sinh. Trong khi làm một khu chung cư, có thể bao gồm nhiều thứ như thang máy, phòng cháy chữa cháy, môi trường, trạm biến thế… cũng chỉ rơi vào khoảng 5 – 6 triệu đồng/m2. Còn bây giờ làm nhà vệ sinh mà hơn cả chục triệu/m2 là cực kỳ sai, cực kỳ lãng phí.
Trong dự án xây dựng 14 nhà vệ sinh này, tôi thấy Hà Nội rất ngang, ngay giữa thủ đô, bao nhiêu người nhìn vào mà dám làm nhà vệ sinh 1 tỷ thì gây bức xúc cho quá nhiều người.
- Từ câu chuyện của Hà Nội, ông có đánh giá gì về các dự án xây dựng cơ bản hiện nay?
- Tôi đã từng phản ánh, lãng phí trong xây dựng cơ bản 20 – 30% là rất bình thường. Thông thường có 2 sự lãng phí. Lãng phí thứ nhất là do quy hoạch, kế hoạch đầu tư. Ví dụ như có cần xây dựng nhà máy này hay không? Có cần xây trường, xây cảng, xây nhà máy xi măng này hay không? Đó là lãng phí do kế hoạch.
Thứ hai là lãng phí do xây dựng. Tức là những nhà máy đó hoặc chung cư đó, thay vì xây hết 100 tỷ thì lại thành 130 – 140 tỷ. Thay vì một toà nhà, nếu làm khéo chỉ 500 tỷ, nhưng do làm lãng phí lại lên đến 700 – 800 tỷ. Đó là sự lãng phí xây dựng.
- Theo ông, nguyên nhân của sự lãng phí này là do đâu?
- Theo tôi, nguyên nhân cơ bản nhất của sự lãng phí là do sự thiết kế dư thừa. Nguyên nhân thứ hai là do có sự tham nhũng trong đó. Còn nếu cả hai, vừa lãng phí, vừa tham nhũng thì sẽ càng đẩy lên cao hơn nữa.
Hậu quả là làm tăng bội chi ngân sách, tăng nợ công, dẫn đến lạm phát, kìm hãm sự phát triển đất nước và tạo điều kiện cho tham nhũng, tất cả mọi thành phần tham gia đều xem dự án như “con bò tùng xẻo” mà mọi người đều mong được hưởng lợi.
Trong điều kiện nền kinh tế gặp khó khăn, khả năng thu ngân sách Nhà nước không đạt dự toán vì tình trạng trốn thuế, nợ đọng thuế lớn và tăng cao đột biến ở một số địa phương.
Đã vậy lãng phí và tham nhũng còn tràn lan thì tiềm ẩn nhiều nguy cơ bất ổn về kinh tế, an ninh và an sinh xã hội.
Việc xử lý công trình lãng phí cũng còn nhiều hạn chế, chưa thể hiện được quyết tâm phòng chống lãng phí của Nhà nước. Cá biệt có những trường hợp lãng phí được phát hiện nhưng việc xử lý của cơ quan nhà nước thì qua loa có lệ, tất cả đều không có trách nhiệm thì làm sao chống lãng phí và tham nhũng.
Lãng phí được đưa lên bàn họp của Quốc hội nhưng đó chỉ mới là báo cáo phát hiện, còn việc xử lý lãng phí và hậu quả lãng phí vẫn chưa được nhắc đến. Chúng ta vẫn chưa có cơ chế xử lý hình sự đối với hành vi lãng phí, đối với người ban hành quyết định gây lãng phí tài sản của Nhà nước và xã hội.